Sau mỗi vụ gian lận lớn, lại có hàng loạt giải pháp vá kẽ hở khác nhau. Nhưng những rò rỉ vô căn cứ kiểu "tin đồn lộ, lọt" tuy không gây chấn động song cứ dai dẳng.
Cứ đến mùa thi lại xuất hiện những tin đồn lộ đề khắp các trang mạng xã hội
Môn ngữ văn luôn là môn được xếp thi đầu tiên trong các kỳ thi quốc gia, thi chuyển cấp ở các địa phương. Nên như thành lệ, trước mỗi kỳ thi các “sĩ tử” hay có một “đêm trắng” hóng tin đồn về đề thi môn này. Mạng xã hội là nơi lan truyền chóng mặt những tin đồn như vậy.
Điều đáng nói là nhiều khi các "thánh đoán đề" lại đoán trúng phóc tác phẩm văn học nào sẽ được ra trong đề thi văn. Thậm chí đoán đúng luôn cả câu hỏi về tác phẩm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng vẫn giữ "thông lệ" đoán đề từ đêm hôm trước. Rất nhiều "phiên bản" đề thi được tung ra. Thậm chí có cả những bảng phân tích quy luật chọn tác phẩm qua mỗi kỳ thi.
Suốt hơn 2 thập niên, tương ứng với đó là hơn 20 kỳ thi chỉ xoay vòng hơn chục tác phẩm trong nhà trường. Theo một lãnh đạo cấp vụ ở Bộ GD-ĐT, xác suất đoán trúng tác phẩm lớn vì thế cũng không phải là điều khó hiểu.
Nhìn sang các đề khác, tuy không xôn xao như đề văn nhưng cũng muôn vẻ nghi vấn lộ, lọt. Một tài khoản Facebook đăng hình ảnh đề toán xuất hiện trên mạng vào thời gian thí sinh đang thi môn này, nội dung giống đề thi chính thức của bộ. Hiện Bộ GD-ĐT cho biết đang mời công an điều tra, thực hư thế nào lại phải chờ đợi. Và những sự chờ đợi như thế này năm nào cũng xảy ra.
Sai phạm đề môn sinh năm 2021 là trường hợp hy hữu vì đề thi giống đến 90% bài tổng ôn, do đó đã được xử lý và phải gần 1 năm sau mới công bố được kết quả xác minh. Còn nhiều nghi vấn khác về chuyện lọt, lộ đề không được cơ quan chức năng nhắc đến vì cho rằng không đủ bằng chứng xác nhận.
Nhìn lại lịch sử thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh - các kỳ thi cấp quốc gia của ta sẽ thấy những vụ gian lận đình đám có tổ chức ở khâu coi thi, chấm thi, thậm chí sai phạm trong ban đề như năm 2021 đều đã xảy ra.
Sau mỗi vụ gian lận lớn, lại có hàng loạt giải pháp vá kẽ hở khác nhau. Nhưng những rò rỉ vô căn cứ kiểu "tin đồn lộ, lọt" tuy không gây chấn động song cứ dai dẳng. Hệ lụy của nó còn tác động đến số đông nhiều hơn những vụ chấn động kia. Đó là tâm lý học tủ, tâm lý hóng tin lộ, lọt đề, là việc giảm động lực học tập thực sự, lệ thuộc vào văn mẫu, tài liệu, chạy theo các lò luyện thi có... uy tín đoán trúng tủ.
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Bộ GD-ĐT cũng có hàng loạt quy định siết chặt hơn nhằm bảo mật đề thi. Có chủ tịch hội đồng thi nói "chặt cũng chỉ đến thế là cùng". Nhưng không ai tự tin khẳng định không có lộ, lọt nếu chỉ trông chờ vào các giải pháp mang tính kỹ thuật hay kiểm soát con người.
Cách thi, cách ra đề thi - có lẽ là một hướng mới khả quan hơn để giải quyết câu chuyện dai dẳng đau đầu này.
Một giáo viên dạy văn ở Hà Nội đặt giả thiết: "Bây giờ Bộ GD-ĐT cứ công bố đề thi văn năm nay sẽ ra vào 1 trong 5 tác phẩm, liệt kê rõ 5 tác phẩm đó là gì. Và bộ thay đổi cách ra đề thi có thể đánh giá được năng lực thật sự của học sinh. Tôi nghĩ thế vẫn ổn và đỡ phải đồn đoán tác phẩm này, đoạn trích kia. Vì khi đó tác phẩm chỉ là ngữ liệu để qua đó kiểm tra năng lực, kỹ năng của học sinh", ý kiến của giáo viên này được nhiều người đồng tình trên một group.
Nếu thay đổi cách ra đề, cách thi không phải chỉ ở môn văn mà cả ở các môn học khác, chuyện học tủ, đoán đề có lẽ mới có thể chấm dứt.
> Bộ GD-ĐT công bố đáp án và thang điểm môn ngữ văn tốt nghiệp THPT
> Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Đề thi tổ hợp vừa sức, không làm khó thí sinh
Theo Tuổi trẻ