Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

giao_vien_tieu_hoc

Áp lực cho giáo viên mầm non, tiểu học ngày càng nặng

 

Theo phương án Hà Nội đã đề xuất trình Chính phủ về thay đổi giờ làm nhằm giảm ùn tắc giao thông, giáo viên khối mầm non, tiểu học đang đứng trước khó khăn khá lớn khi giờ làm việc tăng lên 9 tiếng/ngày.

Kết thúc ngày làm việc lúc 17h30

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội lên Chính phủ đề xuất thay đổi giờ làm, nhóm học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học ca sáng từ 8h và kết thúc ca chiều vào 17h. Tuy nhiên, các trường phải bố trí giáo viên nhận các cháu từ 7h30 sáng và trả đến 17h30.

 

UBND TP trình Chính phủ cho phép thực hiện phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm bắt đầu từ ngày 1/2/2012. Như vậy, nếu tờ trình này của thành phố được phê duyệt, chỉ còn hơn 1 tháng nữa các trường sẽ phải bắt nhịp với giờ học mới. Dù được đánh giá là khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và ít gây xáo trộn nhất, song với các nhà trường thì đây là một sự thay đổi khá lớn. Thời gian làm việc của giáo viên lúc này sẽ phải kéo dài hơn 1 tiếng, thậm chí có thể nhiều hơn, tùy theo cấp học.

 

Chị Phương Anh, giáo viên một trường mầm non công lập tại quận Đống Đa cho biết, bình thường các chị bắt đầu có mặt tại trường lúc 7h15, làm các công tác vệ sinh, chuẩn bị, 7h30 đón trẻ và kết thúc lúc 16h30. Muộn nhất là 17h các chị đã rời trường để về nhà, kịp lo cho cuộc sống gia đình. Với khung giờ làm mới, các chị sẽ phải về muộn hơn, thêm giao thông ùn tắc thì chắc chắn sẽ không thể đảm bảo sinh hoạt gia đình ổn định như trước. Với các gia đình có con nhỏ thì sẽ khó khăn hơn.

 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Q.T cho biết, như hiện nay, học sinh nhà trường bắt đầu tập trung lúc 7h45 sáng và tan học lúc 16h30. Thông thường, sau giờ tan học, các giáo viên không có trách nhiệm phải ở lại trông những học sinh được đón muộn mà công việc này thường giao cho đội ngũ bảo vệ. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án điều chỉnh mới, giờ học của các cháu sẽ tan muộn hơn, đồng thời, nhà trường phải bố trí giáo viên ở lại trực để trả học sinh. Vậy chế độ cho những giáo viên ở lại trực thêm giờ sẽ tính như thế nào? Đây lại là một công việc chất thêm vào “cái gánh” vốn đã nặng của giáo viên khi họ không chỉ phải lo soạn giáo án, đồ dùng học tập, dạy học, chấm bài mà còn phải lo cả việc đón và trả học sinh.

Áp lực cho giáo viên quá lớn

Do đặc thù ngành học, hầu hết các trường mầm non và một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố hiện nay đã tự điều chỉnh giờ đón - trả học sinh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh yên tâm đi làm. Thời gian trông trẻ sớm, muộn ra sao, kinh phí thế nào là thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Nhưng khi đã thành quy định của thành phố thì việc này sẽ không còn là thỏa thuận nữa. Vì vậy, việc giải quyết chế độ kinh phí cho giáo viên như thế nào cho hợp lý để họ yên tâm làm việc và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh đang là vấn đề được quan tâm.

 

Thêm vào đó, với khung giờ này, giáo viên sẽ phải làm việc 9 tiếng/ngày, trong khi đó, định mức biên chế của các trường vẫn còn quá khó khăn khiến áp lực dồn lên mỗi giáo viên càng nặng. Như ở bậc mầm non, theo quy định của Bộ GDĐT, đối với lớp nhà trẻ thì 8 cháu/1 cô, mẫu giáo là 30-35 cháu/2 cô, cứ thêm 10 cháu là 1 cô.

 

Nhưng thực tế tại Hà Nội, hầu hết các lớp mẫu giáo đều có sĩ số trung bình 45-55 trẻ/lớp/2 giáo viên, cá biệt có trường sĩ số lên đến trên 70 trẻ/lớp/3 giáo viên – quá tải rất nhiều so với quy định của Bộ. Nếu thực hiện theo quy định của thành phố thì thời gian và cường độ làm việc của giáo viên mầm non - vốn đã vất vả nay sẽ càng vất vả hơn.

 

Không những thế, do đặc thù của công việc, tỷ lệ giáo viên nữ trong các trường tiểu học và mầm non chiếm từ 90 – 100%, trong số đó chiếm quá nửa là giáo viên trẻ, trong độ tuổi thai sản hoặc có con nhỏ. Vì thế, dù theo quy định, có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, giáo viên mầm non chỉ phải làm việc 7 giờ/ngày nhưng thực tế công việc khiến không ít giáo viên có con nhỏ nhưng vẫn phải làm 8-9 tiếng/ngày. Nếu không có những chính sách đãi ngộ thiết thực để động viên, bù đắp cho giáo viên để họ gắn bó với nghề thì sẽ rất khó “giữ chân” được giáo viên cũng như khơi dậy lòng nhiệt tình và tâm huyết với nghề.



Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (laodong)


Bài: Áp lực tăng giờ với giáo viên