Trong nhiệm vụ đầu năm học mới thì sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
1. Lớp học ngày nay đã thay đổi
Nói về vấn đề chuyển đổi số, ông Nguyễn Bảo Quốc bắt đầu bằng một câu chuyện: Mùa hè năm 2021, em Nguyễn Thị Kiều Diễm vừa học xong lớp 11, quê ở Đắk Lắk đến TP.HCM thăm người thân.
Đúng thời điểm đó, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội triệt để theo phương châm "ai ở đâu ở yên đó" do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đến khi năm học mới sắp bắt đầu, Kiều Diễm vẫn không thể trở về Đắk Lắk để nhập học lớp 12. Em rất hoang mang, lo lắng, không biết mình sẽ học như thế nào, làm sao để hoàn thành chương trình lớp 12.
Nỗi lo của Kiều Diễm cũng là nỗi lo của 825 học sinh TP.HCM bị kẹt ở các tỉnh không thể về TP và 1.097 học sinh các tỉnh thành khác kẹt tại TP.HCM.
Đúng ngày 5-9, TP.HCM đã khai giảng năm học mới 2021-2022 theo hình thức e-learning. Cùng với những học sinh khác, Kiều Diễm cũng học tập theo hình thức e-learning và em đã hoàn thành chương trình học kỳ 1 với sự dẫn dắt của các thầy cô giáo Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1.
Tôi kể câu chuyện này chỉ để khẳng định một điều: khái niệm lớp học ngày nay đã thay đổi. Thầy trò tại TP.HCM đã có những trải nghiệm học tập với một không gian lớp học hoàn toàn khác biệt với truyền thống, là lớp học trên nền tảng số.
Phương thức dạy - học này không chỉ giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội dễ dàng tiếp cận mà nếu vận hành nhuần nhuyễn thì còn mang lại kết quả không hề thua kém lớp học truyền thống, nhất là tính kết nối.
Việc thực hiện chuyển đổi số đã được ngành GD-ĐT TP.HCM khởi động từ năm học 2014-2015 với việc xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản.
Đợt dịch vừa qua, việc chuyển đổi số đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành GD-ĐT TP thực hiện phương châm "ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học".
Các giáo viên đã sử dụng hệ thống LMS để giảng bài và hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh tự học ở nhà thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ (chia sẻ màn hình máy tính), chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến đến học sinh; đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác học liệu...
Không chỉ có thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh, quản lý dạy học qua Internet; sử dụng hiệu quả sổ điểm điện tử, số hóa hồ sơ sổ sách; sử dụng công nghệ thông tin để hội họp, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên... đã tác động tích cực và mang lại kết quả khả quan cho năm học vừa qua - một năm học rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
35% số tiết dạy bằng e-learning trong năm học mới tại TPHCM
2. Nâng chỉ tiêu cao hơn quy định của Bộ GD-ĐT
Xuất phát từ đề án chuyển đổi số của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2025 các trường trung học sẽ dành 10% chương trình để giảng dạy theo hình thức e-learning.
TP.HCM có đặc thù riêng khi sự tiếp cận với công nghệ của giáo viên, học sinh khá nhanh nên sở đã nâng tỉ lệ này lên 35% trong năm học tới.
Tuy nhiên, tôi xin nói rõ rằng không phải các trường cắt 35% số tiết của các môn học để dạy online mà là 35% bài giảng sử dụng các giải pháp của hệ thống LMS.
Tức là các giáo viên vẫn lên lớp giảng dạy bình thường nhưng dành ít nhất 35% khối lượng bài giảng giao qua LMS để học sinh tự học.
Hệ thống LMS không chỉ lưu giữ các yêu cầu chuẩn bị học tập trên lớp, bài giảng, bài tập, bài làm của học sinh, các trao đổi nhóm của học sinh mà còn giúp học sinh nâng cao tính tự giác trong quá trình học tập và tìm tòi.
Sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua, sở nhận thấy rằng nếu không đẩy mạnh công tác chuyển đổi số thì sẽ bỏ qua thời gian vàng bởi các thầy cô giáo và học sinh đã có khoảng thời gian làm quen, sử dụng khá hiệu quả hệ thống LMS.
Việc đặt ra chỉ tiêu 35% mang tính kế thừa các thành quả và thói quen mà giáo viên - học sinh đã giảng dạy - học tập trong năm học 2021-2022, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0, đồng thời phát huy năng lực tự học của học sinh.
3. Định hướng chuyển đổi số được thực hiện như thế nào trong năm học 2022 - 2023?
Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành đang từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ để khai thác và tìm kiếm thông tin.
Các chỉ tiêu thu thập mang tính đặc thù của ngành cũng đã được tích hợp trên hệ thống. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp xây dựng và hoàn thiện trục liên thông dữ liệu ngành GD-ĐT liên kết đến trục liên thông dữ liệu của TP.
Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT sẽ hoàn thành việc xây dựng bản đồ giáo dục TP, xây dựng nền tảng số, dạy học trực tuyến nhằm kết hợp hoạt động dạy học với kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi trực tuyến và tuyển sinh...
Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác số hóa học liệu điện tử, xây dựng giáo trình điện tử, sách điện tử, bài giảng - bài học trực tuyến bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó mở rộng và chia sẻ để dùng chung cho các trường.
Ngoài ra, các đơn vị vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong tuyển sinh các lớp đầu cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh trong việc đăng ký vào các trường; thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện "Trường học không tiền mặt" và mô hình "Trung tâm điều hành giáo dục thông minh TP"...
> Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thông báo kéo dài thời gian nộp lệ phí xét tuyển 2022
> Quá trình tuyển sinh đại học 2022 phức tạp khiến nhiều trường đại học bị động
Theo Báo Tuổi Trẻ