15 điều quan trọng sinh viên được học bổng du học Úc cần biết
1. Ở Australia, tôi có thể chọn những loại nhà ở như thế nào?: Nhà ở là một trong những thách thức lớn nhất tất cả các sinh viên đều gặp phải. Ở Australia, bạn có thể chọn lựa giữa nhiều loại nhà ở, bao gồm ký túc xá trong trường, thuê phòng ở chung với chủ nhà (home-stay), và thuê nhà ở riêng, nhưng tất cả các phòng cho thuê có thể hết chỗ rất nhanh chóng. Bạn cần cân nhắc các yếu tố như giá cả, địa điểm, đi lại và an ninh. Bạn cũng nên tìm lời khuyên của dịch vụ nhà ở của trường đại học của mình để có được lời khuyên nên sống ở khu vực nào cho gần và thuận tiện. Việc tìm hiểu trước những loại nhà ở, chất lượng, địa điểm và giá cả sẽ khiến mọi việc trở nên suôn sẻ hơn cho bạn khi đặt chân đến Australia.
Giao thông công cộng cùng các dịch vụ khác như ngân hàng, bệnh viện, và việc làm bán thời gian ở mỗi thành phố sẽ có ở những mức độ khác nhau. Khả năng tiếp cận giao thông công cộng cùng các dịch vụ cần thiết, và địa điểm trường đại học của bạn, sẽ ảnh hưởng nhiều tới nơi bạn chọn để sinh sống
Cuốn sách cầm tay Beginning a life in Australia (www.immi.gov.au/living-in-australia/settle-in-australia/beginning-life/) của Bộ Xuất nhập cảnh và Bảo vệ Biên giới có những thông tin cần thiết về các dịch vụ, giao thông công cộng và nhà ở tại mỗi bang và lãnh thổ Australia.
Nếu bạn cho rằng việc ở ký túc xá của trường là lựa chọn tốt nhất, bạn cần đăng ký nguyện vọng với trường trong thời gian sớm nhất và liên lạc với họ trước khi rời Việt Nam.
Sau đây một số website hữu dụng trong việc tìm nhà ở:
- www.realestate.com.au
- www.domain.com.au
- www.homehound.com.au
- www.rent.com.au
- www.allhomes.com.au
15 điều quan trọng sinh viên được học bổng du học Úc cần biết
2. Tôi sẽ được hưởng trợ cấp đi lại như thế nào?: Với Học bổng Chính phủ Australia, Chính phủ Australia sẽ sắp xếp và chi trả cho sinh viên được học bổng du học Úc vé máy bay hạng phổ thông bay từ Việt Nam tới Australia.
Với vé máy bay tại thời điểm đi học, Văn phòng Học bổng Chính phủ Australia tại Việt Na (AAV) sẽ quản lý. Mỗi trường đại học sẽ đặt ra một ngày đến dự kiến cho các sinh viên và AAV sẽ đảm bảo sinh viên tới Australia vào ngày này. Sinh viên sẽ tới Australia trước ngày bắt đầu của khoá học Giới thiệu Cách thức Học tập (Introductory Academic Program - IAP) hay các khóa học dự bị khác ở Australia tối đa 14 ngày. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào việc hãng bay còn chỗ hay không và những thay đổi khách quan khác trong quá trình chuẩn bị, trên thực tế, phần lớn các sinh viên sẽ tới Australia một tuần trước khi bắt đầu khóa học IAP.
Về vé máy bay về nước thăm thân nhân, khi bạn đáp ứng được yêu cầu cho phép về thăm thân (bạn không đưa gia đình đi cùng sang Australia, thời gian khóa học phải ít nhất hai năm học, cộng cả thời gian học các khóa học dự bị ở Australia), bạn cần liên lạc với người Phụ trách Sinh viên tại trường đại học của mình để sắp xếp lịch bay. Nếu bạn không sử dụng vé máy bay về thăm thân trong thời điểm nghỉ giữa các kỳ học, người Phục trách Sinh viên sẽ cần một lá thư từ phía Khoa hoặc người hướng dẫn nghiên cứu của bạn xác nhận cho phép bạn về nước trong trong học kỳ và việc này sẽ không ảnh hưởng tới việc học tập của bạn. Sau đó, trường đại học sẽ sắp xếp vé máy bay cho bạn.
Trường đại học cũng sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp vé máy bay về nước sau khi kết thúc khóa học của bạn.
3. Tôi sẽ sang Australia dưới dạng visa nào?: Tất cả các sinh viên học bổng sẽ lưu tại Australia dưới dạng Visa Sinh viên Học bổng Chính phủ Australia (Australian Government’s Student Visa - 576).
Gia đình của các sinh viên nhận tài trợ của Chính phủ Australia phải nộp đơn xin visa dạng người phụ thuộc số 576 với thư không phản đối/thư ủng hộ từ phía Đại sứ quán Australia tại Hà Nội.
Việc không đáp ứng các điều kiện visa, ví dụ đi làm quá số giờ quy định, có thể dẫn tới việc bạn sẽ bị cắt visa. Mỗi sinh viên đều có trách nhiệm phải có hộ chiếu và visa hợp lệ trong thời gian học tập tại Australia. Nếu gặp vấn đề gì trong thời gian học tập, bạn cần gặp người Phụ trách Sinh viên của trường trong thời gian sớm nhất.
Các thủ tục xuất nhập cảnh thường mất nhiều thời gian, vì thế bạn không nên đợi đến lúc gấp rút.
Để biết thêm thông tin chi tiết, truy cập mục Hồ sơ visa.
4. Tôi có nên đưa gia đình sang Australia với tôi trong kỳ học đầu tiên?: Kỳ học đầu tiên của bạn sẽ rất bận rộn, và bạn sẽ cần tập trung vào việc thích nghi với môi trường và lịch học tập mới. Bạn nên tham dự khóa học IAP bắt buộc và làm quen với môi trường học tập mới khi không bị xao nhãng của các trách nhiệm gia đình khác.
Vì thế, chương trình học bổng khuyến khích bạn không nên đưa gia đình sang Australia trong sáu tháng đầu tiên.
Nếu bạn muốn đưa gia đình sang Australia, bạn nên liên lạc với Cán bộ Phụ trách Sinh viên tại trường đại học của mình để tìm thông tin về nhà ở cho gia đình, và trường học và dịch vụ trông trẻ cho những người phụ thuộc. Bạn cũng cần tìm hiểu thông tin cập nhật về những yêu cầu về visa cho gia đình phụ thuộc từ phía Bộ Xuất nhập cảnh và Bảo vệ Biên giới. Truy cập trang web www.immi.gov.au để biết thêm chi tiết.
5. Tôi nên mang những giấy tờ gì sang Australia?
Bạn nên mang những giấy tờ sau:
- Vé máy bay và lịch bay
- Hộ chiếu
- Giấy phép lái xe (cùng bản dịch công chứng)
- Hợp đồng học bổng với Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT)
- Các giấy tờ khác nêu trong hợp đồng (như bằng cấp và bảng điểm)
Chú ý: Bạn nên mang các bản sao công chứng phòng việc bị mất giấy tờ.
Bạn cần cân nhắc sức khỏe và lịch sử bệnh tật của mình, để mang theo những giấy tờ cần thiết. Nếu bạn mang theo thuốc, bạn cần có đầy đủ giấy tờ kê đơn thuốc từ bác sĩ.
Một số giấy tờ hữu dụng khác dành cho bạn và gia đình ở cùng bạn, gồm:
- Giấy khai sinh,
- Giấy chứng nhận tiêm chủng cho trẻ em
- Giấy đăng ký kết hôn,
- Các học bạ, bảng điểm
- Thư giới thiệu xin việc.
6. Tôi có cần mang theo tiền mặt khi sang Australia?: Tiền trợ cấp ban đầu và tiền sinh hoạt phí của bạn sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bạn sau khi bạn tới Australia.
Tuy nhiên bạn vẫn sẽ cần tiền mặt để chi trả cho những chi phí của những ngày đầu tiên. Vì thế bạn nên mang theo khoảng 500 đôla Australia để chi trả cho các khoản như đồ ăn và nhà ở tạm thời trong những ngày đầu tiên. Bạn có thể đổi tiền tại sân bay, và thẻ tín dụng cũng được chấp nhận rộng rãi.
7. Tôi nên mang bao nhiêu hành lý sang Australia?: Các hãng bay đều giới hạn số hành lý bạn có thể mang theo miễn phí trên mỗi chuyến bay. Nếu bạn vượt quá số cân hành lý miễn phí, bạn sẽ phải đóng tiền hành lý quá cước và chi phí này sẽ không được Chính phủ Australia tài trợ.
Phần lớn người được Học bổng Chính phủ Australia đi tới Melbourne hoặc Sydney sẽ được mang theo 40kg hành lý trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Với các chuyến bay nội địa ở Australia (cho các sinh viên có đích cuối không ở trong các bang Victoria hay New South Wales), lượng hành lý tối đa được mang theo là 20kg.
Bạn nên chuẩn bị quần áo phù hợp với thời tiết nơi bạn đến. Ví dụ, nếu bạn đến Townsville vào mùa hè, bạn sẽ không cần quần áo cho mùa lạnh. Nếu đến Melbourne vào mùa đông thì bạn chắc chắn sẽ cần quần áo ấm.
Bạn nên nhớ là bạn có thể mua gần như tất cả các đồ dùng cần thiết ở Australia, gồm cả quần áo và đồ gia dụng.
8. Tôi cần phải khai hải quan những đồ vật gì?: Australia có luật kiểm dịch rất nghiêm ngặt để bảo vệ động thực vật và nông nghiệp khỏi những bệnh tật và vật hại từ nước ngoài. Khi tới Australia, trong tờ khai hải quan, bạn cần kê khai tất cả các đồ ăn, các sản phẩm làm từ thực vật, động vật đang mang theo, vì một số lớn sẽ không được phép mang vào Australia.
Nếu bạn mang theo các sản phẩm đồ ăn hay làm từ thực vật, động vật, bạn cần kê khai dù bạn có thể cho rằng chúng được phép mang vào nước. Tiếp viên hàng không sẽ cung cấp cho bạn tờ khai hải quan và bạn cần kê khai trước khi hạ cánh xuống Australia. Nếu không hoàn thành những bước này, bạn có thể phải chịu phạt ngay tại chỗ hoặc bị khởi tố.
Các đồ vật khác nên được khai với hải quan gồm thuốc và ngoại tệ số lượng lớn. Số lượng thuốc lá và rượu được mang vào Australia cũng bị giới hạn.
Dịch vụ Kiểm dịch Hải quan Australia (AQIS) chịu trách nhiệm quản lý luật kiểm dịch và có nhân viên hoạt động tại tất cả các cảng quốc tế ở Australia. Những nhân viên này sẽ kiểm tra và đánh giá mỗi tờ khai hải quan và kiểm tra hành lý bằng X-quang. Chó nghiệp vụ cũng sẽ hoạt động tại các băng chuyền lấy hành lý để tìm những vật bị cấm. Nếu bạn mang theo vật bị cấm, gồm cả sản phẩm động vật và thực vật, bạn có rất nhiều khả năng bị phát hiện.
Có nhiều trường hợp những sản phẩm bị cấm, phần lớn là đồ ăn như gia vị hay thức ăn loại hạt, được gửi sang cho sinh viên đang học tập tại Australia. Bạn nên khuyến cáo gia đình và bạn bè không nên gửi thức ăn hay những sản phẩm thực vật, động vật, vì AQIS cũng sẽ kiểm tra các bưu phẩm gửi vào nước và nếu phát hiện các sản phẩm bất hợp pháp thì bạn có thể phải chịu phạt.
Australia là đất nước đa văn hóa, và có rất nhiều các cửa hàng chuyên bán những sản phẩm đặc biệt, vì thế những nguyên liệu bạn cần dùng đều có thể được mua ở đây.
Không bao giờ mang theo các loại thuốc và chất kích thích bất hợp pháp. Hình phạt cho việc đưa các loại ma túy vào Australia rất nặng và có thể dẫn tới án tù giam.
9.Bảo hiểm y tế của tôi có hiệu lực kể từ thời điểm tôi đặt chân tới Australia không?: Khi đến Australia, bạn phải hiểu những dịch vụ bảo hiểm và y tế bạn được hưởng.
Australia có hệ thống bảo hiểm y tế đặc biệt cho du học sinh quốc tế mang tên Overseas Student Health Cover (OSHC). Chính phủ Australia có trách nhiệm đảm bảo trường đại học của bạn cung cấp bạn với dịch vụ OSHC này.
Bạn sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế toàn quốc của Australia, Medicare Australia. OSHC là dịch vụ bảo hiểm được thiết kế để trở thành chế độ “tương đương Medicare” cho du học viên quốc tế.
OSHC sẽ giúp bạn chi trả những chi phí y tế và bệnh viện cơ bản trong thời gian bạn học tập tại Australia, và sẽ hỗ trợ một phần tiền thuốc theo đơn kê của bác sĩ, và chi phí xe cứu thương trong trường hợp cần cấp cứu.
Bạn có trách nhiệm tìm hiểu những loại dịch vụ OSHC của bạn cung cấp và không cung cấp. Thông tin liên quan tới các cơ quan cung cấp các dịch vụ OSHC và chi tiết các gói bảo hiểm sẽ được trường đại học của bạn cung cấp. Nếu bạn không nhận được những thông tin này, bạn nên liên lạc với người Phụ trách Sinh viên.
Các bệnh tật có sẵn sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm. Các ca điều trị nha khoa hay nhãn khoa không được hưởng chế độ bảo hiểm. Bạn nên hoàn tất các khoản điều trị nha khoa và mua kính mắt cần thiết khi ở Việt Nam, vì những dịch vụ này ở Australia khá đắt.
Nếu bạn muốn được hưởng bảo hiểm cho những khoản điều trị trên, bạn có trách nhiệm tự mua bảo hiểm tư nhân với chi phí của bản thân.
10. Gia đình tôi có được hưởng bảo hiểm y tế?: Nếu gia đình bạn cùng bạn tới Australia, Chính phủ Australia không có trách nhiệm hỗ trợ chi phí bảo hiểm OSHC cho họ, và bạn sẽ cần tự mua bảo hiểm y tế cho gia đình. Cán bộ Phụ trách Sinh viên của trường sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về bảo hiểm cho gia đình, hoặc bạn có thể truy cập trang www.immi.gov.au/students/health-insurance.htm để biết thêm chi tiết.
11. Tôi sẽ đưa con sang Australia. Tôi cần có những chuẩn bị như thế nào?: Nếu bạn cần thuê dịch vụ trông trẻ, bạn cần đặt chỗ sớm vì thường sẽ có danh sách chờ đợi dài – nhiều khi lên tới sáu tháng và hơn thế. Dịch vụ trông trẻ ở Australia cũng có chi phí khá cao, có thể lên tới $70 mỗi ngày hoặc hơn ở một số bang.
Con bạn nếu đã đến tuổi đi học, có thể vào học ở các trường tiểu học và trung học công, với chi phí thấp. Bạn phải đã sắp xếp được trường học cho con rồi con bạn mới được cấp visa.
Bạn nên gửi emai cho Cán bộ Phụ trách Sinh viên để xin thông tin về trường học và các dịch vụ trông trẻ ở gần trường. Bạn cũng nên lưu ý, gia đình bạn cũng cần mua bảo hiểm OSHC. Bảo hiểm này sẽ không được hỗ trợ bởi Chính phủ Australia và bạn sẽ có trách nhiệm tự mua.
Tất cả các thành viên gia đình theo bạn sang Australia sẽ xin visa dạng người phụ thuộc 576. Lưu ý: bạn sẽ không được hưởng vé máy bay về nước thăm thân mỗi năm nếu bạn đưa theo gia đình, bất kể việc họ sang Australia với loại visa nào khác.
12. Tôi phải làm gì nếu bị sốc văn hóa?: Trong thời gian đầu, ngoài cảm giác vui vẻ, một số người có thể gặp phải những rối loạn cảm xúc trong quá trình thích nghi với cuộc sống ở Australia. Đây là tình trạng “sốc văn hóa” và nhiều người sẽ trải qua cảm giác này lần nữa khi trở về nước, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Các trường đại học rất hiểu phản ứng ban đầu này, và có thể giúp bạn thích nghi, qua những dịch vụ hỗ trợ và tư vấn.
Nếu bạn cảm thấy buồn bã và cô đơn, bạn không phải là người duy nhất có những cảm giác này. Điều đầu tiên cần làm là nói chuyện với Cán bộ Phụ trách Sinh viên. Họ có thể chia sẻ với bạn về những cảm xúc bạn đang trải qua và đưa ra những lời khuyên giúp bạn vượt qua.
Bạn cũng nên giữ liên lạc với gia đình và bạn bè qua email, Skype, Facebook, điện thoại và các mạng xã hội khác.
13. Tôi có thể làm gì để có thêm bạn mới?: Sẽ có nhiều người muốn kết bạn với bạn khi bạn đã hòa nhập vào cuộc sống sinh viên.
Không nên lo ngại khi tiếp cận người mới và bắt chuyện với họ. Bạn nên chủ động gặp gỡ và nói chuyện với nhiều người khác nhau ở trường và trong cộng đồng, có thể dẫn tới những tình bạn và sự hỗ trợ lâu dài và bền vững.
Một số sinh viên, nhất là các nghiên cứu sinh đề án tiến sĩ, thường học tập và làm việc một mình và gặp khó khăn kết bạn. Bạn có thể khiến quá trình này dễ dàng hơn bằng cách tham gia các câu lạc bộ trong trường, tham gia các hoạt động tình nguyện, chơi thể thao hoặc ở chung nhà với các sinh viên khác. Bạn cũng có thể gặp bạn mới qua các hoạt động tôn giáo hay hoạt động của các con.
14. Tôi có được làm việc trong thời gian ở Australia?: Bạn và thành viên gia đình theo bạn đều có thể đi làm. Bạn không cần xin giấy phép làm việc riêng.
Một số người nhận học bổng Chính phủ Australia thường xin việc làm thêm tại trường học trong vai trò trợ giảng. Một số người làm việc ngoài trường học, cung cấp các dịch vụ khác nhau. Loại việc rất đa dạng tùy theo bang bạn sinh sống.
Tuy vậy, ít người nhận học bổng có thể đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ Australia đối với một số ngành đặc biệt, như giảng dạy và y tế.
Bạn được khuyên không nên đi làm trong kỳ học vì điều này có thể ảnh hưởng tới việc học tập.
Bạn có thể đi làm tối đa 20 giờ trong học kỳ, và không giới hạn trong các kỳ nghỉ. Công việc là yêu cầu của khóa học sẽ không tính vào số giờ này.
15. Sinh viên khuyết tật được hưởng những dịch vụ gì?: Nếu bạn là người khuyết tật, tại Australia bạn sẽ được hưởng những dịch vụ và điều kiện hỗ trợ tại Australia. Người Australia rất hòa đồng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật.
Các trường đại học đều có những văn phòng hỗ trợ tại trường cho sinh viên khuyết tật, nhằm đảm bảo tất cả các sinh viên có được sự tiếp cận bình đẳng các điều kiện học tập. Chính phủ Australia có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên khuyết tật ở phạm vi ngoài trường. Ở Australia, những dịch vụ cộng đồng như giao thông công cộng, nhà hàng, khu trung tâm mua sắm, bưu điện đều tạo điều kiện đặc biệt cho người khuyết tật.
Bạn cần thông báo tình trạng khuyết tật và yêu cầu hỗ trợ của mình với Văn phòng Học bổng du học Úc của chính phủ Australia để có sự chuẩn bị cần thiết. Bạn cũng nên thông báo trường hợp của mình với Cán bộ Phụ trách Sinh viên nhà trường khi bạn đến Australia, hoặc vào bất cứ thời điểm nào bạn gặp khó khăn.
Những lưu ý về làm hồ sơ visa du học Úc
1. Khám sức khỏe cho hồ sơ visa: Tất cả các ứng viên được học bổng sẽ được yêu cầu tham gia một buổi cung cấp thông tin về visa và thủ tục lên đường, với các thông tin cập nhật nhất về yêu cầu visa và khám sức khỏe. Sau buổi cung cấp thông tin, các ứng viên sẽ được yêu cầu hoàn thành Tờ khai Sức khỏe tại http://www.immi.gov.au/allforms/health-requirements/my-health-declarations.htm để được cung cấp số HAP ID và gửi thông tin này cho Văn phòng Học bổng Chính phủ Australia tại Việt Nam.
Sau đó, Văn phòng Học bổng Chính phủ Australia tại Việt Nam sẽ sắp xếp lịch khám sức khỏe cho ứng viên tại Family Medical Practice ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh và thông báo thời gian và địa điểm cho bạn.
Thông tin quan trọng liên quan tới khám sức khỏe
2. Thời gian và địa điểm: Thời gian khám sức khỏe cho ứng viên bắt đầu học kỳ 2, 2015 sẽ từ tháng Ba tới tháng Tư 2015 (và cho học kỳ 1, 2016 sẽ là tháng Tám tới tháng Chín 2015).
- Buổi khám sức khỏe kéo dài khoảng 30 phút
- Các ứng viên cần có mặt đúng giờ theo lịch do Văn phòng Học bổng Chính phủ Australia tại Việt Nam sắp xếp. Ứng viên nên có mặt sớm 15-30 phút trước giờ hẹn.
3. Điều nên và không nên: Việc khám sức khỏe là bắt buộc với tất cả các ứng viên được học bổng có điều kiện
- Bạn nên uống nhiều nước trước khi đi khám
- Bạn nên mang kính mắt theo nếu có
- Bạn không cần nhịn ăn trước khi đi khám
4. Giấy tờ nên mang theo
- Hộ chiếu gốc
- 2 ảnh 4x6 với nền trắng
Chú ý: Các ứng viên đi khám sức khỏe nên mang những giấy tờ bệnh án liên quan khác nếu có (giấy chứng nhận tiêm chủng, thông tin chữa trị các bệnh đang có hoặc trước đây, những phim chụp X-quang gần thời điểm, lịch sử dị ứng v.v.).
- Đơn xin visa du học Úc
- Các ứng viên nhận Học bổng Chính phủ Australia sẽ xin visa dạng Subclass 576 và được đánh giá theo Assessment Level 2.
Các giấy tờ cần nộp gồm:
- Đơn 157A – Đơn xin visa lưu học sinh (do ứng viên hoàn tất, ký tên và ghi ngày tháng cụ thể). Xem đơn tại: http://www.immi.gov.au/allforms/pdf/157a.pdf
- Một ảnh hộ chiếu (4cm x 6cm) (với nền trắng). Ảnh phải chụp trong vòng 6 tháng gần nhất.
- Bản sao công chứng và bản dịch công chứng giấy khai sinh.
- Bản sao công chứng trang thông tin trên hộ chiếu, và các trang có visa và các dấu xuất/nhập cảnh tới Australia hoặc các nước khác. Hộ chiếu phải còn hạn ít nhất 6 tháng.
- Thư mời học của DFAT (sẽ do Văn phòng Học bổng Chính phủ Australia tại Việt Nam đính kèm vào hồ sơ visa của bạn).
- Đơn 956 – Đơn thông báo ủy quyền hoàn tất thủ tục xin xuất nhập cảnh.
CHÚ Ý:
- Bạn cần trả lời các câu hỏi một cách chính xác và trung thực theo bản hướng dẫn được cung cấp
- Thông báo với Văn phòng Học bổng Chính phủ Australia tại Việt Nam bằng email nếu các thông tin được khai trong đơn 157A thay đổi sau khi bạn đã nộp hồ sơ (ví dụ: tình trạng hôn nhân)
- Các đơn đều có hướng dẫn đơn giản và rõ ràng
- Không nên che giấu hoặc khai không chính xác thông tin – HẬU QUẢ CỦA HÀNH ĐỘNG NÀY RẤT NGHIÊM TRỌNG