Những thay đổi nhỏ trong hành vi, cách ăn mặc đều có thể giúp phụ huynh phát hiện sớm việc con mình đang gặp vấn đề.
Ăn mặc luộm thuộm hoặc không phù hợp với thời tiết: Trẻ thường bỏ qua việc chăm sóc bản thân khi bị lạm dụng về thể xác hoặc tinh thần. Lúc đó, con lười tắm, mặc quần áo bẩn, lôi thôi hoặc không phù hợp thời tiết. Ảnh: Pinterest.
Luôn cảm thấy đói: Một trong những cách con người phản ứng với căng thẳng là ăn. Khi gặp rắc rối, trẻ luôn cảm thấy đói, mệt mỏi, lười vận động. Có thể, con chán học hoặc bị người khác bắt nạt, lấy hết tiền tiêu vặt nên không thể mua đồ ăn sáng hay ăn trưa ở trường. Ảnh: Parents.
Bỏ học hoặc quá háo hức đi học: Nếu không muốn đi học, có thể con đang gặp rắc rối ở trường. Ngược lại, nếu trẻ luôn muốn đến trường, kể cả khi ốm, nhiều khả năng con cảm thấy không an toàn, không tin tưởng người thân và có vấn đề với gia đình. Ảnh: iStock.
Cố gắng có trách nhiệm: Một đứa trẻ cố gắng thể hiện những phẩm chất mà người lớn mới có như tinh thần trách nhiệm với những người xung quanh khi con đang thấy bất ổn, muốn cố giành quyền kiểm soát ở vấn đề nào đó. Ảnh: Familyfelicity.
Bắt nạt bạn bè: Trẻ thành niên bị bắt nạt có thể làm điều này với bạn bè yếu thế hơn. Đây là cách trẻ tự chứng minh với bản thân rằng mình vẫn kiểm soát được tình huống, không phải kẻ yếu đuối. Do đó, phụ huynh cần chú ý nếu thấy con hay xô đẩy, la hét hay phá hỏng đồ chơi của bạn. Ảnh: Overstuffedlife.
Trau chuốt bên ngoài hoặc cư xử quá tốt: Đương nhiên, điều này hoàn toàn không có vấn đề nếu trẻ vốn là người như vậy. Nhưng nếu con bỗng dưng ăn mặc chỉnh tề, hoàn thành bài tập về nhà một cách hoàn hảo, phụ huynh nên lưu ý. Có thể, con không làm vì tự ý thức được mà do con đang sợ hãi vì bố mẹ quá khắt khe, đặc biệt khi con mắc sai lầm. Ảnh: Eehealth.
Luôn muốn được chú ý: Cách trẻ phản ứng khi bị bắt nạt không giống nhau. Một số trẻ trở nên nhút nhát, dè dặt trong khi số khác cố gắng thu hút sự chú ý của cha mẹ. Đặc biệt nếu trước đó, con không hành xử như vậy, đây là dấu hiệu đáng báo động. Ảnh: iStock.
Đi đường khác tới trường: Nếu không có lý do rõ ràng, việc trẻ thay đổi đường đi học hoặc chuyển từ đi xe buýt sang đi bộ hay ngược lại cho thấy trẻ đang gặp rắc rối. Có thể, con bị bắt nạt trên đường đến trường. Ảnh: Awelladvisedlife.
Thay đổi vẻ ngoài: Việc xỏ khuyên mũi, khuyên tai hay đổi sang phong cách ăn mặc hầm hố đôi khi là dấu hiệu của tuổi nổi loạn. Tuy nhiên, nó cũng có thể cho thấy con bị người khác bắt nạt. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi sự thay đổi xảy ra đột ngột. Ảnh: iStock.
Thường xuyên than đau bụng, đau đầu: Phản ứng phổ biến của trẻ khi bị bạo lực học đường là thường cảm thấy đau bụng, đau đầu, phần lớn do căng thẳng, sợ hãi. Trong một số trường hợp, con giả vờ ốm để không phải đến trường, tránh xa kẻ bắt nạt mình. Ảnh: Momtastic.
Theo VnExpress