>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Xét tuyển kiểu tay ba và 5 nguyên nhân tuyển sinh rối rắm
Phụ huynh cùng xếp hàng chờ rút hồ sơ với thí sinh - Ảnh: Phương Nguyễn

Sáng 17-8 nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn tất bật nộp - rút hồ sơ tại các trường ĐH.

Thí sinh điểm cao “ra trận”, điểm trung bình thấp thỏm

Khá nhiều thí sinh đạt điểm cao cho biết thay vì nộp hồ sơ ngay từ đầu, họ chọn cách “nằm vùng” nắm tình hình và chỉ nộp hồ sơ khi hạn chót xét tuyển đợt 1 cận kề.

Minh Hoàng (18 tuổi) cho biết mình thi được 32 điểm khối D1 (đã nhân hệ số môn văn). Hoàng dự định nộp hồ sơ vào ngành ngôn ngữ học của Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM.

Tuy nhiên, “sợ năm nay các bạn điểm cao nên mình quyết định theo dõi tình hình trước. Đến ngày 15-8 thấy hình hình có vẻ khả quan, mình mới bắt đầu nộp hồ sơ” - Hoàng nói.

Cũng chung quan điểm, bạn Khánh Linh (19 tuổi) liên tục theo dõi thông tin trên các báo, ghi nhận ở các trường rồi phút cuối mới quyết định nộp hồ sơ. “Mình thấy các bạn chạy đi chạy lại nộp rồi rút hồ sơ vất vả quá, nhất là các bạn ở tỉnh” - Linh chia sẻ.

Đuối lắm mà chưa biết "số phận" ra sao

Thanh Tâm (18 tuổi, TP.HCM) chật vật nhiều ngày nay với quá trình nộp - rút hồ sơ tại các trường. Tâm cho biết có ý định đăng ký vào ba trường là ĐH KHXH & NV TP.HCM, ĐH Sư phạm và ĐH Huflit.

“Điểm số của mình chỉ ở mức khá nên mình không biết chọn trường nào. Ngay ngày xét tuyển đầu tiên, mình nộp đơn vào khoa báo chí Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM. Nhưng ngay đợt cập nhật đầu tiên mình đã bị trượt khỏi nhóm an toàn nên gia đình thúc giục mình rút hồ sơ chuyển sang trường khác" - Thanh Tâm kể lại.

Sau khi làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì số điểm của Tâm đang ở nhóm giữa nên cũng cảm thấy an tâm.

"Suốt quá trình đó, cả gia đình mất ăn mất ngủ cùng theo dõi. Lần cập nhật gần đây nhất ngày 14-8, bỗng nhiên có rất nhiều thí sinh điểm cao xuất hiện, tuy nhiên họ đều là các thí sinh “ảo” (đăng ký nguyện vọng 2, 3, 4) nhưng trường không sàng lọc nên mình bị đẩy xuống gần cuối. Tình thế này đúng là tiến thoái lưỡng nan vì không biết họ có trúng tuyển vào ngành mình đăng ký hay không. Sau thời gian cân nhắc, mình chọn phương án an toàn là rút hồ sơ để nộp vào Trường Huflit” - Tâm nói thêm.

Tâm cho biết để rút được hồ sơ ở Trường ĐH Sư phạm, Tâm cùng nhiều bạn phải chờ đợi rất lâu, xếp hàng lấy giấy hẹn hôm trước, hôm sau mới nhận được hồ sơ.

“Sau hai lần chuyển trường mình đã thấy đuối lắm rồi mà vẫn chưa biết “số phận” thật sự như thế nào. Tại sao không dùng hình thức xét tuyển trực tuyến để giảm số lượng thí sinh di chuyển? Cách xét tuyển như vậy khá bất lợi cho các thí sinh điểm khá, trung bình vì các thí sinh điểm cao nếu không đậu các trường top trên thì có cơ hội “tràn” xuống các trường top dưới, đẩy các thí sinh khác vào thế “không an toàn” - Thanh Tâm bức xúc.

Anh Huy Hùng (25 tuổi) đưa em đi rút hồ sơ tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng đánh giá dù cách xét tuyển năm nay để thí sinh tự chủ hơn trong việc chọn trường, nhưng lại làm mất đi tính công bằng giữa các thí sinh điểm cao và điểm thấp.

“Nếu như mọi năm sẽ xuất hiện các thí sinh điểm dù cao nhưng vẫn rớt do quyết định sai trong việc chọn trường. Điều đó cũng chính là bài học cho các em, thực lực mình giỏi nhưng phải có chiến thuật hợp lý. Năm nay xét tuyển hình thức này các thí sinh điểm cao đổ vào trường nào, thí sinh điểm thấp phải né ra nhường chỗ” - anh Hùng nói.

Xét tuyển kiểu tay ba và 5 nguyên nhân tuyển sinh rối rắm

Phụ huynh cùng con rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp - Ảnh: Phương Nguyễn

Vì sao rối rắm, vất vả?

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá hai nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng hỗn loạn, rối rắm trong tuyển sinh năm nay chính là chủ trương xét tuyển và các giải pháp kỹ thuật.

Về chủ trương, ông Nghĩa cho rằng như các năm trước, tất cả dữ liệu của thí sinh (điểm thi, hồ sơ giấy, các phiếu đăng ký nguyện vọng…) nhà trường đều nắm rõ.

Trong khi đó với cách xét tuyển như năm nay, các trường tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh nhưng không nắm được các dữ liệu liên quan.

Khi thí sinh đến đăng ký tại trường, nhà trường nhận được giấy chứng nhận kết quả thi bằng giấy, các phiếu đăng ký xét tuyển bằng giấy và một số giấy tờ khác chứ hoàn toàn không có hồ sơ gốc của thí sinh. Nhà trường hoàn toàn trông cậy vào dữ liệu do Cục Khảo thí quản lý.

Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, chính Cục Khảo thí đã tạo ra các mâu thuẫn và từ đó làm nảy sinh những rối rắm cho thí sinh, đặc biệt là các thí sinh có điểm cao. Mâu thuẫn đầu tiên là cho phép thí sinh có bốn nguyện vọng, nhưng về phía trường ĐH chỉ cho phép mỗi trường nhận một hồ sơ của thí sinh.

Thứ hai là nhà trường không được phép công bố điểm chuẩn trúng điểm tạm thời theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong khi thí sinh lại có nhu cầu rất cao trong việc xác định các em có khả năng đậu hay không.

Các thí sinh có điểm thi rất cao sẽ tập trung xét tuyển tại các ngành hấp dẫn của các trường ĐH lớn ở những thành phố trung tâm và đẩy điểm tuyển sinh những ngành này lên rất cao.

“Như vậy, liệu các trường ĐH tại địa phương có còn giữ được những thí sinh giỏi như trước đây?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Xét tuyển kiểu tay ba và 5 nguyên nhân tuyển sinh rối rắm

Thí sinh chen lấn rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Phương Nguyễn

Về phương diện kỹ thuật, TS Nguyễn Đức Nghĩa chỉ ra những bất cập của phần mềm xét tuyển.

“Phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT đưa ra chưa ổn định. Đến ngày 11-8, Bộ GD-ĐT mới công bố phần mềm xét tuyển đã hoàn chỉnh, trong khi quá trình xét tuyển bắt đầu từ trước đó 10 ngày, ngày 1-8. Tuy nhiên, quá trình thực tế vận hành cho thấy phần mềm này vẫn chưa hoàn chỉnh. Tình thế chưa có một phần mềm hoàn chỉnh để xét tuyển, buộc các trường ĐH-CĐ phải dùng phần mềm xét tuyển riêng. Trước đây khi còn kỳ thi ba chung, nhiều trường đã không tổ chức thi và nay họ phải bắt đầu tìm cho mình một phần mềm xét tuyển, dẫn đến hệ quả mỗi trường công bố thông tin trên mạng một kiểu” - ông Nghĩa nói.

Nếu như trước đây khi xét tuyển các trường ĐH-CĐ trực tiếp liên hệ với thí sinh thì nay mọi giao dịch đều phải qua “tay ba” là trường ĐH-CĐ, thí sinh và Cục Khảo thí. Như vậy chắc chắn việc xử lý xét tuyển sẽ chậm hơn.

TS Nguyễn Đức Nghĩa

Thêm nữa, các thông tin, dữ liệu của thí sinh đều do Cục Khảo thí quản lý. Do vậy, việc cập nhật thông tin thí sinh đăng ký vào trường cũng gặp rất nhiều trở ngại khi mạng hoạt động không ổn định. Có thể mất đến 1-2 ngày nhà trường mới truy cập được dữ liệu sau khi thí sinh nộp hồ sơ giấy về trường.

“Có rất nhiều thắc mắc tại sao nộp hồ sơ rồi vẫn không thấy tên trong danh sách xét tuyển sinh 2015 của trường và khi rút hồ sơ ra thì đôi khi dữ liệu của các thí sinh nhà trường vẫn chưa kịp xóa để các em được nộp hồ sơ sang trường khác. Do đó khi rút hồ sơ ra thì thí sinh phải tiếp tục theo dõi việc mình đăng ký xét tuyển ở ngành mới, trường mới có được thực hiện hay chưa” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Bên cạnh đó, trước những thắc mắc của phụ huynh - học sinh về việc tại sao nhiều trường công bố điểm chuẩn ban đầu khá thấp, sau đó điểm chuẩn trúng tuyển tạm thời công bố lại quá cao làm nhiều thí sinh vừa nộp đã phải rút hồ sơ, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng việc không có đầy đủ  dữ liệu về phổ điểm của từng môn, từng tổ hợp theo từng vùng, từng địa phương sẽ gây khó cho thí sinh và cả các trường ĐH-CĐ trong việc dự đoán có bao nhiêu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

“Năm nay, biết kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển nên nhiều thí sinh có điểm cao ở các địa phương đổ dồn về các trường ĐH lớn, những ngành hấp dẫn. Do đó, các trường cũng không dám đưa ra điểm xét tuyển ban đầu quá cao” - ông Nghĩa nhận định.

5 nguyên nhân khiến tuyển sinh trở nên rối rắm hơn

1.       Việc công bố điểm chỉ tập trung về một đầu mối là Bộ GD & ĐT đã gây tâm lý căng thẳng không cần thiết. Sự việc có thể đã đơn giản hơn nếu cho phép các trường hay các cụm thi, thậm chí một số nhà mạng cung cấp kết quả cho thí sinh.

2.       Việc thiết kế và chuẩn bị hạ tầng hệ thống thông tin chưa lường hết số lượng truy cập của thí simh và gia đình. Nếu chuẩn bị chu đáo hơn thì tình trạng này đã không xảy ra và không gây ức chế cho thí sinh và người thân.

3.       Việc công bố điểm qua mạng chưa lường hết việc ứng dụng CNTT ở các địa phương, đặc biệt vùng sâu vùng xa, gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh. Sự việc có thí sinh và phụ huynh phải đi rất xa đến các địa điểm có thể truy cập Internet để coi điểm cũng gây bất lợi cho họ.

4.       Giấy báo kết quả dùng để tuyển sinh là quá nhiều: Với 4 giấy báo kết quả thi và dùng xét tuyển làm chính thí sinh bối rối, các trường tuyển sinh cũng bối rối và lo lắng do lượng phiếu xét tuyển biến động và ảo khá lớn.

5.       Thời gian xét tuyển các đợt khá dài: Thời gian 20 ngày cho xét tuyển đợt 1 và việc cho phép thí sinh rút hồ sơ khá tự do dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các trường tham gia tuyển sinh và căng thẳng cho học sinh. Việc biến động hồ sơ và cập nhật dữ liệu hồ sơ xét tuyển liên tục làm mệt mỏi cho cả các trường tuyển sinh và thí sinh. Đặc biệt thí sinh lo lắng, xem liên tục sự biến động của lượng hồ sơ để rút nộp.

Kiệt sức với xét tuyển đại học

Đến trường đại học nộp hồ sơ xét tuyển nhưng phảng phất trên gương mặt của nhiều thí sinh, phụ huynh là sự lo âu, mệt mỏi khôn cùng.
Chiều nay, cụNguyễn Văn Chín (81 tuổi, nguyên hiệu phó Trường ĐH Mở TP.HCM) đến Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tham khảo thông tin xét tuyển cho cháu nội (thí sinh Mai Trinh).

Bớt một, tốn kém mười

Ông Chín cho biết từ lúc cháu gái nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển đến giờ, ông đã nhiều lần đến trường để xem xét tình hình. Lần gần nhất là ngày 14-8. Nay ông lại bắt xe buýt từ nhà (phường 4, Q.Tân Bình, TP.HCM) đến xem lần nữa.

“Ba mẹ cháu lu bu công việc, tôi nằm nhà theo dõi thông tin qua báo đài, theo dõi thông tin trên web của trường, càng theo dõi càng thấy không yên tâm nên phải đến tận nơi. Cách làm của bộ năm nay  giúp tiết kiệm cho phụ huynh, thí sinh lúc đi thi một phần thì đi đăng kí xét tuyển tốn kém hơn mười phần. Thi lo một, đăng ký xét tuyển lo mười. Nhiều năm làm trong ngành giáo dục, đồng thời cũng là một phụ huynh có con cháu tham dự kỳ thi năm nay tôi thực sự rất đồng cảm với những mệt mỏi, hoang mang của thí sinh và phụ huynh trong kỳ xét tuyển này. Con cháu thi cử, cha mẹ ông bà đứng ngồi không yên.

Bộ đã có đổi mới, đã có cải tiến nhưng chưa lường hết những vấn đề có thể xảy ra trong thực tiễn, bởi vậy mà rối tung, rối mù từ lúc công bố điểm, cho đến giờ là đăng ký xét tuyển vào các trường. Thí sinh và phụ huynh hoàn toàn mất niềm tin”, ông Chín bộc bạch.

Trong khi đó, cha con ông Lê Phúc (Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã chầu chực ở TP.HCM gần nửa tháng nay để cùng hàng nghìn thí sinh, phụ huynh khác quay vòng nộp-rút, rút- nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Ông Phúc cho biết từ ngày 4-8 hai cha con ông khăn gói từ Đà Nẵng vào TP.HCM để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II.

Con gái ông thi được 25,5 điểm. Điểm này không thấp nhưng cũng chưa đủ cao để yên tâm ra về. Vì vậy cha con ông đã ở lại nhà người quen từ đó đến nay.

“Nữa tháng nay, hai cha con chú vô đây, công việc mua bán ở nhà bỏ dở. Đã vậy đi lại, ăn ở cũng rất tốn kém, may mà có nhà người quen cho ở nhờ chứ không thì không biết bao nhiêu tiền cho đủ. Nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn nhất, cái mệt nhất là tâm lý lúc nào cũng nơm nớp lo lắng.

Cha con chú ôm suốt cái laptop theo dõi tình hình, rồi tính toán phân vân từ đó đến nay, mấy ngày cuối cùng này càng căng thẳng hơn nữa. Thiệt tình chú muốn rút hồ sơ nộp vào trường nào điểm thấp hơn cha chắc cú rồi về quê. Nhưng thương con mười hai năm trời ăn học, giờ nó lại tha thiết muốn học trường này nên chú ráng chầu chực đến 20 luôn ngã ngũ” - Ông Lê Phúc ngán ngẩm kể.

Không dám đi ăn

Đây cũng là tâm trạng chung của rất nhiều thí sinh, phụ huynh mà chúng tôi tiếp xúc trong những ngày “nóng bỏng” này.

Không ít thí sinh và phụ huynh lo âu, bồn chồn đến mất ăn mất ngủ, tất tả ngược xuôi từ quê lên thành phố, chầu chực xếp hàng từ trường nọ đến trường kia trong suốt mấy ngày qua.

Chạy đi khắp nơi tìm kiếm thông tin giữa Sài Gòn rộng lớn hẳn là một điều không dễ dàng với nhiều người chỉ mới lần đầu đặt chân lên thành phố.
Đi từ khuya, đến trường lúc sáng sớm, cửa vẫn đóng im ỉm. Nhiều thí sinh và phụ huynh ngồi co ro chờ trước cổng trường.

Cửa mở, họ vội vàng vào xếp hàng, bụng đói nhưng không dám đi ăn sáng vì sợ mất vị trí xếp hàng. Trưa vật vạ ở các trường chờ đến buổi chiều để rút hồ sơ, nhiều người mua vội ổ bánh mì ăn cho qua bữa…

Nhiều người quá mệt mỏi, buông xuôi nộp hồ sơ xong rồi về. Nhiều người vẫn quyết tâm nấn ná lại Sài Gòn để theo dõi thông tin tin xét tuyển mà ứng phó kịp thời.

Nhiều phụ huynh nói rằng, đời họ khổ có cực thêm một chút cũng không sao, miễn con họ được học hành đàng hoàng.

Họ muốn chia sẻ nổi khổ trước mắt với con, cháu mình với hy vọng cuộc đời sau này của chúng sẽ  đỡ vất vả hơn.

Trong khi đó, không ít thí sinh giờ vẫn còn mông lung lắm. Không còn cơ hội ở trường đăng ký ban đầu, giờ rút hồ sơ ra nhưng vẫn chưa biết nộp vào đâu. Cái cảm giác lo sợ rớt ĐH đè nặng lên đôi vai họ…

Và tất cả vẫn đang bần thần lo âu... chờ đợi kết quả trong những ngày tới.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150818/xet-tuyen-kieu-tay-ba-va-5-nguyen-nhan-tuyen-sinh-roi-ram/953526.html