Trong kỳ tuyển sinh 2019, 22 đơn vị sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học quốc gia TPHCM tổ chức để xét tuyển. Mỗi trường dành những chỉ tiêu xét tuyển khác nhau.

> Bài thi mẫu đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM năm 2019

Thí sinh đăng ký dự thi THPT từ đầu tháng 4

22 đơn vị xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM, thống kê từ ĐH này cho thấy đã có 22 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH này để xét tuyển trong năm 2019.

Trong đó, riêng ĐH Quốc gia TP.HCM có tất cả 8 đơn vị thành viên đều sử dụng kết quả này để xét tuyển, gồm các trường ĐH: Bách khoa, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên, Kinh tế - Luật, Công nghệ thông tin, Quốc tế, Khoa Y và Phân hiệu tại Bến Tre.

Ngoài ra, đến thời điểm này còn 14 trường ngoài hệ thống đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển gồm các trường ĐH: An Giang, Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Nguyễn Tất Thành, Lạc Hồng, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Thủ Dầu Một, Nha Trang, Kiến trúc Đà Nẵng, Bình Dương, Công nghệ TP.HCM, Hùng Vương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng.

Số lượng trường đăng ký tham gia sử dụng kết quả kỳ thi này có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Kỳ thi đánh giá năng lực

Bài thi đánh giá năng lực thường không gắn với một chương trình đào tạo cụ thể nào

Cùng phương thức, chỉ tiêu xét tuyển khác nhau

Xét tuyển đại học năm nay, các trường dành chỉ tiêu cho phương thức dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực từ 5 - 40% chỉ tiêu.

Theo PGS-TS Trần Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, trường dự kiến dành tới 40% chỉ tiêu xét tuyển cho 25 ngành theo phương thức này (không sử dụng cho 14 ngành đào tạo sư phạm của trường).

Tương tự, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang, thông tin: “Trường dự kiến dành tối đa 30% chỉ tiêu tất cả các ngành để xét bài thi năng lực, tương đương khoảng 2.500 chỉ tiêu. Kể cả một số ngành sức khỏe như: điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm và dự kiến mở thêm ngành bác sĩ răng - hàm - mặt trong năm nay”.

Trong khi đó, theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trường này chỉ dành 10% tổng chỉ tiêu (tương đương 350 thí sinh - TS) để xét phương thức này và chỉ áp dụng thí điểm cho một số ngành “nóng” như: công nghệ thực phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, cơ khí…

Theo thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng phòng Truyền thông và marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường dành 10% chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến 5.700), áp dụng tất cả các ngành trừ y khoa và y học dự phòng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Phó trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cũng thông tin trường sẽ dành 10% chỉ tiêu tất cả các ngành để xét tuyển kỳ thi năng lực. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dành 5% chỉ tiêu cho phương thức này ở tất cả các ngành.

Có giới hạn số lượng nguyện vọng?

Trong khi ĐH Quốc gia TP.HCM quy định mỗi TS xét tuyển vào các đơn vị thành viên bằng kết quả kỳ thi này chỉ được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng, thì các trường ngoài hệ thống có những quy định khác nhau.

PGS-TS Trần Văn Đạt cho biết Trường ĐH An Giang sẽ không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký của TS vào trường mình. Trong đợt thi thứ 2 vào ngày 7.7 của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH An Giang sẽ làm một trong các điểm thi của kỳ thi này.

Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh cũng nói: “Trường không hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường bằng phương thức này. Trong thang điểm tối đa 1.200 của bài thi này, nhà trường sẽ tặng học bổng cho TS có điểm bài thi từ 600 trở lên”.

Tuy nhiên, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến chỉ cho phép TS đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường bằng kết quả bài thi năng lực.

Về cách thức xét tuyển, đại diện các trường đều cho biết sẽ thực hiện theo lịch chung của ĐH Quốc gia TP.HCM. Sau khi có kết quả thi ở mỗi đợt, các trường sẽ tiếp nhận hồ sơ xét tuyển của TS theo 3 cách: trực tiếp tại trường, qua bưu điện hoặc đăng ký trực tiếp trên cổng thông tin điện tử từng trường.

“Tổng điểm bài thi năng lực là 1.200, có thể trường sẽ nhận hồ sơ với TS có điểm bài thi từ 600 - 700 điểm”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, dự kiến.

“Kết quả của bài thi đánh giá năng lực này có giá trị sử dụng trong 2 năm. TS cũng có thể thi nhiều đợt khác nhau và chọn lựa đợt có kết quả tốt nhất để thực hiện xét tuyển vào các trường”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn lưu ý.

Theo Thanh niên