Tuyển sinh bổ sung đợt 3: “Nhặt” từng bộ hồ sơ

Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, đợt 2 có 170 trường có nhu cầu tuyển sinh với tổng chỉ tiêu 131.000. Đến thời điểm này các trường đã nhận được 99.000 lượt hồ sơ đăng ký xét tuyển, tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng ước lượng tỷ lệ hồ sơ “ảo” gắp rưỡi hồ sơ thật nên chỉ tiêu còn trống rất nhiều.

Xét tuyển đại học, cao Đẳng năm 2015: Nhiều trường ngóng chờ thí sinh

Thí sinh nộp hồ sơ đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Học viện Báo chí tuyên truyền, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy

Thống kê cụ thể đến sát ngày 20.9, có 21 trường ĐH, 19 trường CĐ phía Bắc và 6 trường ĐH, 26 trường CĐ phía Nam với hàng chục nghìn chỉ tiêu còn thiếu. Cụ thể, phía Bắc không chỉ trường dân lập, rất nhiều trường công lập cũng còn trống nhiều chỉ tiêu, như: ĐH Lâm nghiệp thiếu gần 1.000 chỉ tiêu; ĐH Công nghiệp Việt – Hung 1.000 chỉ tiêu; ĐH Thái Nguyên thiếu 2.530 chỉ tiêu hệ ĐH và 978 chỉ tiêu hệ CĐ; ĐH Dân lập Phương Đông 800 chỉ tiêu ĐH, 80 chỉ tiêu CĐ; ĐH Công nghiệp Việt Trì: 1.000 chỉ tiêu ĐH, 250 chỉ tiêu CĐ; ĐH Sao Đỏ cũng còn 1.000 chỉ tiêu cả hai hệ; ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh 1.100 chỉ tiêu; đặc biệt ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn 3.400 chỉ tiêu cho cả 2 hệ.

Tương tự, phía Nam chỉ tiêu còn thiếu tập trung chủ yếu vào các trường ĐH vùng như: ĐH Phú Yên, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu; ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An; ĐH Đồng Nai…

Hầu hết các trường còn chỉ tiêu đều đưa ra mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GDĐT, tuy nhiên lãnh đạo các trường đều cho biết, họ phải “nhặt” từng bộ hồ sơ vì lượng thí sinh đến gửi hồ sơ rất ít.

Nói về khó khăn trong việc xét tuyển, ông Cao Quốc An – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Lâm nghiệp cho biết, cán bộ tuyển sinh của trường phải trực cả thứ 7, Chủ nhật để nhận hồ sơ của thí sinh nhưng cũng không được bao nhiêu. Dự kiến, nếu hết các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 2, 3 mà không đủ, trường sẽ kiến nghị cho phép kéo dài thêm thời gian tuyển sinh”. Cũng thuộc khối nông – lâm nghiệp, trong tổng số hơn 2.538 chỉ tiêu còn thiếu của ĐH Thái Nguyên thì Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên đã chiếm 916 chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu trường này năm 2015 là 2.240). Trong đó, một số ngành mới chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu như: Phát triển nông thôn, kinh tế nông nghiệp, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, khoa học quản lý môi trường… Lãnh đạo trường này cho biết, hàng năm ngành nông, lâm vẫn là ngành khó tuyển, tuy nhiên các trường được chủ động về hồ sơ tuyển sinh nên bớt khó khăn và căng thẳng hơn năm nay.

Thí sinh đi đâu?

"Sau 3 đợt xét tuyển lượng hồ sơ trường nhận được vẫn rất thấp so với chỉ tiêu, đặc biệt đợt 3 số lượng hồ sơ nhận được lèo tèo. Với 1.114 giáo viên thì việc không tuyển sinh đủ sẽ là gánh nặng đối với trường trong việc duy trì bộ máy giảng dạy và các chi phí khác”.

Ông Vũ Văn Hóa – Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ

Giải thích về việc nguồn tuyển dồi dào nhưng nhiều trường vẫn không thể tuyển đủ sau gần 2 tháng vật vã xét tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng Vụ ĐH cho biết, theo tính toán của Bộ GDĐT, số thí sinh được điểm từ 15 trở lên là 530.000 em, từ 12 điểm trở lên là 620.000 em, trong đó có 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh 2015 hệ ĐH và 150.000 chỉ tiêu hệ CĐ lấy theo điểm của kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, số dư xét tuyển sẽ gấp đôi chỉ tiêu. Nhưng tại sao các trường lại không “bói” ra thí sinh để tuyển sinh?

Theo bà Phụng, lý do một số trường vẫn xét tuyển không đủ chỉ có thể là vì thí sinh đã được phân luồng, các em đủ điểm xét tuyển nhưng không gửi hồ sơ vì đã chọn theo con đường khác. “Thông tin về số lượng cử nhân thất nghiệp được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ra đời tạo công ăn việc làm ngay khiến các em có sự cân nhắc việc có nhất thiết phải vào ĐH hay không. Tỷ lệ 30% học sinh chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp năm nay cũng thể hiện rõ sự phân luồng” – bà Phụng nói. Ngoài ra cũng theo bà Phụng, uy tín và chất lượng đào tạo của các trường cũng là một trong những yếu tố quyết định việc trường có thu hút được thí sinh không?

Ở khía cạnh khác, nhiều thí sinh năm nay cho rằng, thời gian xét tuyển quá dài cũng là yếu tố khiến các em chán nản và bỏ cuộc. Em Nguyễn Thái An (Bình Lãng, Tứ Kỳ, Hải Dương) được 18 điểm khối A, đã nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp đợt 1 nhưng không đỗ, em quyết định không tiếp tục xét tuyển. “Trong khi các bạn đều đã nhập học thì mình vẫn loay hoay với hồ sơ, thời gian chờ đợi các đợt xét tuyển thì lâu và căng thẳng nên bố mẹ khuyên em nên đi làm để năm sau thi lại vào trường mình thích. Bây giờ nếu xét tuyển tiếp, có đỗ cũng chỉ… học bừa, tốn tiền, mất thời gian” – An nói.

Theo Dân việt, tin gốc: http://danviet.vn/tin-tuc/xet-tuyen-dai-hoc-cao-dang-nam-2015-nhieu-truong-ngong-cho-thi-sinh-628453.html