Bài viết làm thế nào để việc học tập đạt hiệu quả sẽ giúp chúng ta suy xét và phân tích lại cách thức chúng ta vẫn dùng để học những môn học khó khăn đó.
Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái – Henry Brooks Adams. Bài viết này sẽ giúp chúng ta suy xét và phân tích lại cách thức chúng ta vẫn dùng để học những môn học khó khăn đó…
Để tìm được cách học tập đạt hiệu quả nhất, bạn cần hiểu rõ về:
– Bản thân mình.
– Khả năng học của bạn.
– Cách học hiệu quả mà bạn đã từng dùng.
– Đam mê, kiến thức và môn bạn muốn học.
Có thể bạn học Vật lí khá dễ dàng nhưng lại gặp khó khăn khi học môn Giảng văn (hoặc ngược lại). Tuy nhiên, mọi việc học đều có điểm chung: đó là chúng bao gồm bốn bước cơ bản sau. Nhưng trước tiên, hãy để đầu óc bạn thư giãn chút rồi ta bắt đầu xây dựng cách học cho mình qua việc trả lời các câu hỏi dưới đây.
1. Bắt đầu với những kinh nghiệm đã có
– Trước đây bạn đã học như thế nào? Bạn có:
+ Thích đọc không? Giải toán? Ghi nhớ? Diễn thuyết? Dịch? Nói trước đám đông?
+ Biết cách tóm tắt?
+ Tự đặt câu hỏi cho những gì bạn đã học?
+ Ôn tập kiểm tra?
+ Biết cách thu nhặt các thông tin từ các nguồn khác nhau?
+ Thích yên tĩnh hay thích học theo nhóm?
+ Cần nhiều tiết học ngắn hay chỉ một tiết học dài?
– Thói quen học của bạn là gì? Những thói quen đó đã bao giờ thay đổi chưa? Phương pháp nào hiệu quả nhất? Kém hiệu quả nhất?
– Bạn cảm thấy thoải mái với cách trình bày kiến thức nào nhất? Qua bài kiểm tra viết, bài thi học kỳ hay thi vấn đáp?
2. Liên hệ với việc học hiện tại
– Tôi thích học môn này đến mức nào?
– Tôi muốn dành bao nhiêu thời gian cho việc học môn này?
– Điều gì có thể chi phối thời gian của tôi?
– Những điều kiện hiện tại có thuận lợi để hoàn thành mục tiêu học tập của tôi không?
– Tôi có thể kiểm soát được gì và điều gì tôi không kiểm soát được?
– Liệu tôi có thể thay đổi những điều kiện hiện nay để học tốt không?
– Điều gì ảnh hưởng đến sự đam mê của tôi cho môn học này?
– Tôi đã có một kế hoạch cụ thể nào chưa? Và kế hoạch học tập đó có tính đến những kinh nghiệm đã có và hiện tại chưa?
3. Cân nhắc, xem xét quá trình và vấn đề
– Tiêu đề bài học là gì? Có ý nghĩa gì?
– Các key word có xuất hiện ra ngay không?
– Tôi có hiểu không?
– Tôi đã có những hiểu biết gì về vấn đề (bài học) này?
– Tôi có biết các vấn đề liên quan không?
– Những nguồn thông tin nào sẽ hữu ích?
– Liệu tôi nên dựa vào một nguồn (ví dụ: sách giáo khoa) hay không?
– Liệu tôi có cần các thông tin khác nữa không?
– Khi tôi học, tôi có dừng lại và hỏi là liệu mình có hiểu những gì vừa học không?
– Nên tiếp tục làm nhanh hơn hay chậm lại?
– Khi tôi không hiểu, tôi có hỏi tại sao không?
– Tôi có dừng lại và tóm tắt những gì mình đã nắm được hay không?
– Tôi có dừng lại và xem những gì mình hiểu có logic (hợp lý) hay không?
– Tôi có dừng lại và đánh giá (tán thành hoặc bất đồng quan điểm) hay không?
– Hay tôi nên dành thời gian để suy nghĩ thêm và đọc lại sau?
– Liệu tôi có cần thảo luận với bạn cùng học để “tiêu hóa” các thông tin này không?
– Liệu tôi có cần sự giúp đỡ của một người hiểu biết, ví dụ: thầy cô giáo, thủ thư hay là một chuyên gia trong lĩnh vực này hay không?
4. Cùng nhìn lại
– Tôi đã học đúng cách chưa?
– Tôi đã có thể làm tốt hơn những gì?
– Kế hoạch có tính đến sở trường hay sở đoạn của tôi chưa?
– Tôi đã chọn điều kiện thích hợp chưa?
– Công việc có thể coi là trót lọt chưa? Và tôi có nghiêm khắc với bản thân mình hay chưa?
– Tôi đã thành công? (Trong trường hợp này, nếu câu trả lời là có thì, bạn nên… ăn mừng đi!)
Sau khi đã tự trả lời hết những câu hỏi trên, tin rằng bạn cũng đã hiểu rõ cách thức mình học từ trước đến giờ, có hiệu quả hay chưa, có đúng và phù hợp chưa, từ đó bạn có thể nghĩ và vạch ra những thay đổi, điều chỉnh trong cách học của bạn để việc học của mình hiệu quả hơn.
Theo Thuvienkyna.vn