Liệu đang tồn tại những bất cập và chênh lệch ra sao trong việc xã hội hóa nền giáo dục Việt Nam?

Xã hội hóa giáo dục phải đi từ hình thức đến nội dung

Dường như xã hội hóa giáo dục hiện nay chỉ mới đáp ứng được về mặt hình thức, còn nội dung chính vẫn chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Đầu ra của giáo dục hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của xã hội, dẫn đến việc cung – cầu không gặp được nhau. Xem ra thì việc xã hội hóa hiện thời chỉ mới thay đổi một phần giáo dục của Nhà nước thôi, chứ thực chất nội dung đào tạo chẳng đổi khác là bao.

Xã hội hóa giáo dục – bất cập giữa cung cầu – Phần 1 - Ảnh 1

Xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam hiện có ba hình thức chủ yếu. Một là xã hội cùng nhau góp kinh phí cho giáo dục, kể cả ở trường công thì học sinh vẫn phải đóng tiền học dưới các hình thức khác nhau. Thứ hai, Nhà nước cho phép các cá nhân trong xã hội được đứng ra xây dựng trường tư thục hay dân lập. Thêm nữa là song song với việc mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, chúng ta cũng chấp thuận để nhà đầu tư nước ngoài đến đây xây trường, liên kết mở tại Việt Nam thêm nhiều trường quốc tế.

Tuy nhiên, ngoại trừ các trường dạy cho học sinh nước ngoài thì các cơ sở giáo dục còn lại đều được Nhà nước quy định về nội dung giảng dạy. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng ban ngành có liên quan quy định tất cả, từ vấn đề tuyển sinh, tuyển giáo viên, chọn môn học, tiêu chuẩn cấp bằng và tốt nghiệp, luôn cả vấn đề quản lý tài chính.

Những trường dân lập và tư thục dường như chỉ được “xã hội hóa” một phần rất nhỏ, chứ bản chất bên trong về nội dung giảng dạy vẫn bị lệ thuộc. Cho nên, rất khó trách rằng tại sao đã xã hội hóa giáo dục mà đầu ra vẫn bất cập, bởi vì chúng ta chỉ mới xã hội hóa về mặt đóng góp tài chính (thu phí) và vật chất (cho xây trường dân lập…) chứ chưa xã hội hóa về nội dung giảng dạy. Nghĩa là nền giáo dục chưa đưa vào giáo án những yêu cầu cấp thiết của xã hội, những kiến thức cập nhật của một nền kinh tế hội nhập, khiến sinh viên bỡ ngỡ và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường khi ra trường.

Xã hội hóa giáo dục – bất cập giữa cung cầu – Phần 1 - Ảnh 2

Dường như ở các trường đại học, không có những giờ học giúp học viên nắm bắt tình hình xã hội và giảng viên cũng không dám đưa thực tiễn đời sống đang diễn ra để học sinh tiếp cận và nắm bắt. Những gì mà thế hệ trẻ đang học đều đã xảy ra từ lâu, chứ không tiếp cận được những sự kiện mới nhất liên quan đến chuyên ngành của mình thì làm sao đầu ra có chất lượng?

Khi nói đến xã hội hóa giáo dục ở những bậc học cao như đại học hoặc trung học phổ thông, chúng ta dễ thấy tiêu chuẩn xét tốt nghiệp tú tài hay cử nhân đều do Bộ GD-ĐT và các cấp quản lý giáo dục quy định. Đầu ra này bị chi phối hoàn toàn, nhưng những sinh viên tốt nghiệp này khi bước ra ngoài xã hội lại không đáp ứng được nhu cầu của công việc thực tế.

Sản phẩm đào tạo của ngành giáo dục nước ta – nguồn cung – chưa đủ chất lượng để đáp ứng đúng nhu cầu mà xã hội đang cần và mong đợi. Thế nên dù công cuộc xã hội hóa giáo dục đã được tiến hành từ lâu nhưng cung và cầu vẫn chưa thể gặp nhau.

Vì sao lại có sự chênh lệch bất ổn này? Ắt hẳn không phải do trình độ và trí tuệ của con em chúng ta kém cỏi, bởi sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá cao khi hòa nhập trong môi trường giáo dục quốc tế. Câu trả lời chỉ có thể là vì nội dung giáo dục nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Xã hội hóa giáo dục – bất cập giữa cung cầu – Phần 1 - Ảnh 3

Có bao giờ ngành GD-ĐT tự nhìn lại mình, xem nội dung giảng dạy hiện có theo kịp xu hướng thời đại và cập nhật đúng những yêu cầu thiết thực từ cuộc sống không? Học sinh, sinh viên có đang được học những kiến thức phù hợp, những điều đang diễn ra ở xã hội hằng ngày hay chỉ học lại các lý thuyết tồn tại khô khan trong sách vở, đã lỗi thời và lạc hậu so với sự phát triển năng động của đất nước?

Nên chăng cần sớm sửa đổi nội dung giảng dạy để phù hợp với cuộc sống hiện nay? Bài toán này đã được đề cập nhiều lần nhưng dường như không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi vậy, vấn đề cần làm ngay bây giờ là phải sửa đổi tận gốc nền giáo dục thì nhiều năm sau mới mong thấy được kết quả khả quan. Nếu không, bất cập giữa cung và cầu sẽ còn tiếp diễn, như chuyện của vài chục năm trước chúng ta từng cải cách giáo dục nhưng vì không tiến hành triệt để nên vẫn còn lấn cấn đến tận giờ.

Theo: tuoitre