>> Giáo dục, du học, tư vấn du học, học bổng du học, du học nhật

Thời gian vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng có bài phóng sự nói về thực trạng của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản với nhiều thông tin mô tả cuộc sống vất vả của học sinh, sinh viên khi đi du học tự túc. Để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh, Văn phòng APU Việt Nam trình bày một số ý kiến như sau:

Du học tự túc?

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là bài phóng sự kể về cuộc sống của những sinh viên tới Nhật theo hình thức du học tự túc mà hoàn toàn không có học bổng hay bất kì hình thức hỗ trợ tài chính nào từ nhà trường. Đến với các trung tâm tư vấn du học, các gia đình và bản thân học sinh dễ bị lầm tưởng vào một con đường du học trải đầy hoa hồng với đầu vào quá dễ dàng, công việc làm thêm ngay sau khi du học Nhật Bản với mức lương tháng tính bằng đôla. Phụ huynh của một học sinh trong phóng sự có đề cập tới việc con mình thi trượt đại học nên gia đình cố gắng lo đủ một khoản tiền để đóng vào trung tâm du học cho con sang Nhật. Vô hình chung, điều này tạo nên một cái nhìn lệch lạc về việc đi du học khi cứ có tiền là đi du học được, hoặc không đỗ đại học thì đi du học.

Về thực trạng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản: Góc nhìn khách quan

Trên thực tế, các sinh viên của ĐH APU đều nhập học dựa vào năng lực của bản thân mình. Văn phòng APU Việt Nam tại Hà Nội là một trong mười Văn phòng đại diện chính thức của ĐH APU trên toàn thế giới.  Hơn nữa, đa số sinh viên Việt Nam theo học tại ĐH APU đều được nhận học bổng miễn giảm học phí của nhà trường. Nói cách khác, gần như không có sinh viên du học tự túc tại ĐH APU. Cũng cần phải nhìn nhận rằng một khi đã lựa chọn con đường du học tự túc thì không chỉ riêng ở Nhật Bản mà còn ở tất cả các quốc gia khác trên thế giới, sinh viên sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách, đặc biệt là về tài chính.

Việc làm thêm cho sinh viên tại Nhật Bản

Lầm tưởng lớn nhất của sinh viên đi du học tự túc là gia đình chỉ mất khoản phí đầu vào nộp cho trung tâm tư vấn du học, còn bản thân sinh viên sẽ tự trang trải được sinh hoạt phí và học phí sau khi sang Nhật. Điều này có thể đúng, với điều kiện sinh viên phải có vốn tiếng Nhật đủ để có thể đi làm thêm. Câu chuyện thật đơn giản, không một nhà hàng, khách sạn hay cửa hàng tiện lợi nào sẽ nhận một người nước ngoài hoàn toàn không giao tiếp được bằng ngôn ngữ bản địa vào làm. Tìm việc làm thêm đã khó, tìm việc làm thêm với mức lương nghìn đô còn khó hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn có nguyện vọng tìm được một công việc làm thêm với mức lương cao như vậy thì có lẽ bạn đến Nhật Bản với mục đích làm việc chứ không phải với mục đích học tập rồi. Sinh viên Việt Nam tại ĐH APU thường đi làm thêm từ năm thứ 2, sau khi các em đã làm quen với môi trường mới và trang bị được cho mình vốn tiếng Nhật nhất định.

Nhà trường tạo rất nhiều điều kiện cho sinh viên làm thêm ngay trong khuôn viên trường với những công việc như trợ giảng cho các lớp tiếng Anh và lớp chuyên ngành; trợ lý trong thư viện, phòng máy tính, nhà ăn hay quản lý tầng trong kí túc xá. Làm thêm tại trường giúp sinh viên tiết kiệm được khoảng thời gian di chuyển và có cơ hội giao lưu, học tập từ các giáo sư cũng như các sinh viên khác.

Đặc biệt, cộng đồng sinh viên Việt Nam với khoảng hơn 300 sinh viên đang theo học tại APU cũng luôn giúp đỡ các sinh viên mới sang trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp ngoài khuôn viên trường. Nhìn chung, nếu sinh viên làm thêm khoảng 4 buổi trong tuần, mỗi tuần 3 – 4 tiếng thì có thể tự độc lập tài chính về sinh hoạt phí với gia đình. Về học phí, cha mẹ thường hỗ trợ các em phần học phí còn lại sau khi đã được học bổng của ĐH APU để các em có thể yên và tâm học tập. Còn nếu mỗi đầu kì học chúng ta đều phải đau đầu vì cả tiền học phí lẫn sinh hoạt phí hàng tháng thì việc du học hẳn là một nỗi lo lớn các em nhỉ?

Chia sẻ của sinh viên tại thành phố Fukuoka

Dưới đây là chia sẻ trên trang cá nhân của một sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nishi-nippon Junior College, thành phố Fukuoka, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Mời các vị phụ huynh và các em học sinh cùng đọc tâm sự của bạn ấy nhé!

Mình cũng mới ở Nhật một năm rưỡi, từng ở cả khu thành phố tấp nập đèn hoa và miền quê đồng ruộng, sống ở nhà host lẫn ký túc, cũng có rất nhiều bạn bè đang học ở Nhật nữa nhưng thật sự là chưa thấy ai than phiền về những vấn đề ghi trong bài báo, và bản thân cũng chưa từng chứng kiến nên thấy một bản tin của VTV đưa những thông tin như thế này thật sự làm mình suy nghĩ rất chủ quan là “Những gia đình trong clip liệu có quen biết với đài truyền hình không nữa ? Và VTV được gì khi đăng thông tin này?”.

Đầu tiên rõ ràng là các trung tâm tư vấn du học “dởm” này không có tâm và cũng mang tính chất lừa đảo, và đó là lỗi của họ. Nhưng mình đặt lỗi của chính những gia đình và học sinh như thế này lên trước hết, khi vấn đề là họ không có chính kiến và sự tìm hiểu thông tin đầy đủ trước khi đi. Kiếm một công ty để “chọn mặt gửi vàng” không chỉ nghe tư vấn của nhân viên, mà tự mình còn phải tìm hiểu thêm từ những người đã từng đi trước, chủ động hỏi han về quy định, môi trường sống mà họ sắp sang ở. Nhưng rõ ràng ở đây tư tưởng rất thụ động đấy là “Công ty tư vấn lo cho mình hết”, “yeah sắp xuất ngoại”. Vâng, xin chúc mừng tiền đề hoàn hảo cho công cuộc du học của các bạn.

Mình thật ra rất may mắn khi cũng được anh chị em cô bác trong nhà tìm hiểu giúp đỡ, hậu thuẫn cho rất nhiều trước khi đi, nhưng xin nói thật là mình cũng thấy tự thế là chưa đủ, rồi cũng tự đi tìm mua sách về văn hoá, các quy tắc ứng xử “manners”, tự liên lạc với các anh chị đi cùng chương trình, thậm chí cả tập Karaoke tiếng Nhật vì đấy là văn hoá người ta và có thể mình sẽ phải giao lưu một lúc nào đấy. Sang nước người ta là đã shock văn hoá, không chuẩn bị mà tin tưởng người thứ 3 thiếu uy tín thì lại càng shock nữa, lỗi đấy là của tự những sinh viên này.

Tiếp theo là cuộc sống thật sự ở Nhật như thế nào?

Hiện giờ mình đang ở miền quê Nhật, cuộc sống thật sự là tương đối buồn chán với một thằng choai choai suốt ngày thích đi chơi, nhưng đó chỉ là về mặt giải trí. Tất cả, từ kí túc tới cơ sở vật chất trường lớp đều rất tốt, con người thì khỏi nói. Những thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto thì còn tuyệt hơn nữa khi cái gì cũng thuận tiện lại còn tấp nập, xôm nữa. Và dĩ nhiên, để sống được ở Nhật thì cần phải biết tiếng Nhật. Những du học sinh Việt Nam thường bị theo một tư tưởng rất rõ đấy là, thích ở tập trung với người Việt cho đỡ lạ nước lạ cái, lúc ốm đau có nhau bên cạnh, nên thời gian nói tiếng Việt thậm chí còn nhiều hơn nói tiếng Nhật. Bạn Nhật không chơi cùng, hàng ngày ngoài giờ học tiếng ra thì về nhà đi chợ nấu cơm hoàn toàn bằng tiếng Việt hết nên khả năng thích nghi môi trường mới bị hạn chế rất nhiều.

Tiếng Nhật là tiếng có tốc độ nói rất nhanh, thậm chí với một người học tiếng Nhật lâu năm ở Việt Nam thời gian đầu cũng không thể nghe hiểu được gì ngoài mấy âm thanh xì xào như kiểu. Nhưng chỉ cần 6 tháng đến một năm tập trung, mau mồm mau miệng nói chuyện “chém gió” với người bản địa là tốc độ của chúng ta cũng sẽ như kiểu… Thế nên khi tiếng chưa vững thì bỏ ra vài tháng tập trung để học tiếng rồi hãy nghĩ tới việc làm thêm từ năm thứ 2.

Làm thêm cũng rất đa dạng và có cái giá rất riêng của từng việc.

Tiếng Nhật khá thì đi dịch nói, dịch viết, lương trung bình 20.000 yên (~210$) 1 ngày. Một tháng đi dịch chơi chơi dăm bảy ngày kiếm kinh nghiệm là cũng đã có đủ tiền tiêu vặt rồi. Ngoài ra thì việc được ưa chuộng nhất vẫn là bồi bàn, vừa được luyện tiếng, lương cũng khoảng 800 yên (~9$) 1 tiếng, và cũng chả tới mức nặng nhọc lắm. Và dĩ nhiên làm gì cũng đều cần tiếng Nhật nên tiếng chưa vững thì nên đầu tư vào để học, không thì chỉ có thể kiếm được chân nhân viên dọn vệ sinh hay làm trong nhà máy cơm hộp hàng ngày xếp đũa với đóng nắp hộp cơm cả nghìn lần với lương lèo tèo ~500 yên/h.

Cuối cùng là dòng than thở rất “hợp tình hợp lý” bí quá thì trộm cắp. Có những khi đi vào khu phố thấy cả biển viết bằng tiếng Việt là “Xin vui lòng không trộm cắp”, mình cũng chỉ nghĩ “Google dịch dạo này làm việc tốt phết, ngữ pháp quá chuẩn :D ” cho vui vẻ. Nhưng trộm cắp không phát sinh từ cái thế bí đấy, và cái thế bí ấy tự do các bạn tạo ra, và kể cả có bí cũng không bao giờ được trộm cắp. Nên lí do về thế bí để trộm cắp nó không hợp lý lắm thì phải.

Dĩ nhiên Nhật Bản cũng có những sự khác biệt văn hoá mà mình thấy nhiều tình huống rất khó xử (như việc người Nhật quá khéo léo, nói bóng gió và cực kì quy củ về manners), và bản thân mình cũng thích văn hoá phương Tây hơn , nhưng đây là môi trường rất tốt, từ giáo dục tới con người. Đi du học là phải chấp nhận thiệt hơn ở nhà, thiệt tới mức độ nào thì tự mỗi du học sinh phải biết cách để mà thích ứng với môi trường mới, tự chuẩn bị thông tin hành trang và nhất là phải có gan để mà chấp nhận cái khác biệt của họ. Chúng ta vẫn hay nói Trung Quốc là đi đâu cũng túm năm tụm ba, nhưng thật sự nó cũng tương đối đúng với nhiều du học sinh Việt Nam hiện nay. Mình chỉ xin được khẳng định lần nữa là thông tin trong clip này mình chưa từng nghe thấy hay nhìn thấy, và nó hoàn toàn là do lỗi chủ quan của chính những bạn du học sinh ấy.”

Thay lời kết

Du học Nhật Bản đang dần dần không còn trở nên xa lạ với học sinh, sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước quyết định đi du học, các em học sinh hãy cân nhắc thật kỹ về con đường mình lựa chọn nhé. Hi vọng bài viết mang đến một cái nhìn chi tiết và khách quan hơn cho các bậc phụ huynh và các em học sinh về những khác biệt giữa du học tự túc và du học có học bổng tại Nhật Bản.

Bạn có thể đăng ký nhận thông tin học bổng du học hoặc đặt các câu hỏi, thắc mắc với các trung tâm tư vấn du học trực tiếp tại ô bên dưới. hoặc tham khảo những câu hỏi thường gặp về: Tư vấn du học Mỹ, tư vấn du học Anh, tư vấn du học Úc, tư vấn du học Singapore, tư vấn du học Canada .... tại mục Hỏi đáp du học

Theo Văn phòng APU Việt Nam