Vào lò luyện thi chỉ để… hỏi

Chuyên gia luyện thi và thủ khoa cho rằng, nhiều học sinh nhầm lẫn về cách thức học ở lò luyện thi. Vào lò luyện thi chỉ để hỏi thầy cô giáo chứ không phải… học nhồi nhét.

Bứt tốc bằng cách nào?

Băn khoăn lớn nhất của thí sinh đại học, cao đẳng (ĐH- CĐ) là có nên đăng ký học tại các lò luyện thi cấp tốc. Thạc sỹ Nguyễn Thu Hồng - Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương cho rằng, luyện thi cấp tốc cũng có thể làm nên cú bứt phá cho kỳ thi ĐH: “Tôi không phản đối ôn thi cấp tốc, bởi rất nhiều người đạt kết quả cao nhờ luyện thi. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi chỉ được 3 điểm môn sử. Nhưng sau một tháng ôn thi ở trung tâm, kết quả thi tuyển sinh ĐH môn này là 7 điểm”.

Theo Ths. Hồng, phương pháp giảng dạy ở lò luyện thi cũng có ưu điểm riêng giúp ích cho người học. “Giờ tôi cũng đi luyện thi môn văn cho học sinh. Thầy cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy, ôn luyện phải là người cùng học với học sinh, cùng tìm hiểu để đưa ra lời giải cho các vấn đề chứ không phải cứ rót, cứ nhồi kiến thức”.

Vì vậy, thạc sỹ Hồng đưa lời khuyên:  Để ôn luyện hiệu quả, học sinh phải tìm hiểu kỹ lưỡng trung tâm luyện thi và người dạy, sao cho phù hợp trình độ và khả năng tiếp thu của bản thân. Đề thi những năm gần đây rất cơ bản. Thay vì đến lò luyện thi, học sinh có thể theo học chính thầy cô giáo dạy mình ở THPT, nếu thấy phương pháp giảng dạy đó vẫn phù hợp với mình.

PGS.TS Phạm Xuân Quế - nguyên Chủ nhiệm khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, lượng kiến thức  trong mỗi buổi ôn cấp tốc ở lò luyện không nhiều. Vì thế, học sinh phải có kế hoạch cụ thể. “Phải tự đánh giá mình đang ở trình độ nào, từ đó đưa ra kế hoạch ôn thi cụ thể hàng ngày, hàng tuần. Cái gì đã đạt được, cái gì chưa biết, muốn có cái gì ở lò luyện thi… Đến lò luyện để hỏi chứ không phải để nghe. Phải trao đổi với bạn bè và nhờ thầy giáo làm rõ những điều mình chưa biết. Cái chính vẫn là tự học”.

Một giáo viên của trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Nội  đưa lời khuyên: “Nếu các em không nắm chắc kiến thức cơ bản thì vào lò luyện cũng không ăn thua đâu. Học thật chắc kiến thức, vào lò luyện mới nhanh vỡ vạc. Giờ này vẫn chưa nắm chắc kiến thức, vắt chân lên cổ vào lò chỉ lãng phí thời gian!”.

Tiếng nói thủ khoa

Được hỏi về kinh nghiệm ôn luyện thi đại học, một sự trùng hợp thú vị là đa số thủ khoa, á khoa  thú nhận…  không đi học ở trung tâm. Đinh Quang Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia sư thủ khoa (Hà Nội) cho biết: “Em dành phần lớn thời gian để tự học ở nhà. Hồi thi ĐH, em từng học lò luyện một thời gian ngắn nhưng không phù hợp nên lại thôi. Em nghĩ cái chính là do mình. Mình được năm phần, gặp thầy giỏi cũng chỉ giúp nâng lên đến bảy phần, chứ không thể nâng lên mười được”.

Hoàng Thị Thao, Á khoa Đại học Sư phạm Hà Nội đồng quan điểm: Không cần đến lò luyện thi. “Từ bé đến giờ, em chưa đi học thêm buổi nào. Kể cả khi ôn thi ĐH cũng chỉ ở nhà tự học thôi. Lò luyện thi giúp hệ thống hóa và khắc phục lỗ hổng kiến thức, nhưng cũng có thể “ngốn” không ít tiền và thời gian của người học. Thậm chí, còn gây áp lực cho bạn, làm hỏng cả kiến thức đúng đắn mà bạn đã có”, Thao chia sẻ.

Tự học là điều cần thiết nhất

Tự học là điều cần thiết nhất để mỗi người  rút ra những kinh nghiệm cho mình, rèn khả năng tư duy và giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Đó chính là bí quyết ôn luyện của Nguyễn Chí Long, Thủ khoa ĐH Y Thái Nguyên, Á khoa ĐH Ngoại Thương Hà Nội. “Mình thấy nhiều thầy cô dạy thiên về “chém gió”. Vẽ vời tên bài giảng rất “siêu sao” nhưng không cần thiết. Có khi họ dành ra hai ba ngày chỉ để dạy một mẹo nhỏ luyện thi. Mà mình thấy nhiều khi học sinh rủ nhau đi học ôn theo kiểu trào lưu, ham vui nên không hiệu quả”.

“Đừng vì bạn bè rủ rê hay đọc quảng cáo trên mạng, nghe tin đồn mà đăng ký học. Bạn phải biết chắc chắn người dạy mình là ai, chương trình như thế nào, điều kiện ôn luyện ra sao rồi hãy quyết định”, Hoàng Thị Thao, Á khoa Đại học Sư Phạm Hà Nội.

( Kênh Tuyển Sinh ) - Theo biettuot.vn