Xung quanh câu chuyện tranh luận về xóa bỏ hội cha mẹ học sinh, trao đổi với TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Theo nữ tiến sĩ, ban đại diện cha mẹ học sinh chính là "bia đỡ đạn" của lạm thu trong trường học. Ban đại diện không cần thiết trong hệ thống giáo dục. Mặt khác, phần lớn họ chỉ có chức năng thu các khoản tiền tự nguyện, đóng góp, khi sự việc xảy ra ở lớp học họ lại không có mặt.
Không cần thiết có ban đại diện cha mẹ học sinh
- Tại sao bà lại đề xuất phương án bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh trên báo chí?
- Tôi cho rằng, dưới sự bảo trợ của ban đại diện cha mẹ học sinh, tình trạng xé rào để thu tiền núp bóng dưới các hình thức thu tự nguyện đã diễn ra nhiều năm nay.
Dù điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh quy định rõ là không được thu, hàng loạt khoản tiền vẫn được ban đại diện cha mẹ thu hộ như tiền: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, vệ sinh lớp học, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học…
Khi bị phát hiện, nhà trường chỉ cần “đá” trách nhiệm sang ban đại diện cha mẹ học sinh. Như vậy rõ ràng, ban này đang “tiếp tay” cho nạn lạm thu hoành hành và đổ gánh nặng lên nhiều gia đình.
- Mới đây, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ với báo chí rằng sẽ nghiên cứu bỏ quy định hội cha mẹ học sinh thu tiền để không có tình trạng lách luật. Theo bà, điều này có xử lý được tình trạng lạm thu?
- Việc xóa chức năng thu tiền không giải quyết được vấn nạn lạm thu khi nhà trường sử dụng danh nghĩa của họ để tuyên bố cần thu tiền và nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh thuyết phục các phụ huynh khác đóng góp.
Vấn đề không nằm ở việc ai là người đứng ra thu mà là tồn tại một mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với các nhân tố trung gian (giữa phụ huynh và ban giám hiệu) thì vẫn sẽ còn các khoản thu tự nguyện.
- Bà cho rằng bản chất của hội cha mẹ học sinh ở Việt Nam hiện nay là gì?
- Hiện tại, ban đại diện cha mẹ học sinh hầu như không phải là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Các thành viên ban phụ huynh thường ngại cô giáo nên đứng về phía giáo viên, nhằm hy vọng sự ưu ái cho con mình.
Vì thế, để có một cầu nối như mong muốn, ban phụ huynh hiện nay chắc chắn là không thực hiện được.
Những hội phụ huynh thật sự quan tâm và đứng ra giải quyết các vấn đề của mối quan hệ gia đình học sinh và nhà trường là rất ít. Phần lớn họ chỉ cật lực thu tiền các khoản đóng góp.
- Vậy còn những chức năng quy định trong Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng GDĐT: Ban đại diện phối hợp giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, tàn tật?
- Thực ra, khi xóa bỏ hội phụ huynh xong, chính bản thân những người làm cha mẹ sẽ thấy trách nhiệm của mình lớn hơn nên quan tâm đến con cái. Nếu có điều gì đó không ổn, họ sẽ kiến nghị thẳng với trường hoặc phòng, sở thậm chí Bộ GD&ĐT, không cần thông qua ban phụ huynh nữa.
Ban phụ huynh là tổ chức thực sự không cần thiết trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Thực tế đã 10 năm nay, tôi làm tư vấn giáo dục, chuyện trẻ con ở trường, lớp không thiếu, thậm chí tuần nào cũng có. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy có mặt ban phụ huynh trong những câu chuyện này cả.
Theo zing.vn