Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, khoa giáo

Với sự hỗ trợ của công nghệ, ngày nay giáo viên có nhiều thuận lợi khi chuyển tải kiến thức đến học sinh. Thế nhưng, cần phải sử dụng đúng cách, hiệu quả cao, còn không sẽ có những tác dụng ngược.

Thích thú nhưng dễ sao nhãng

Sử dụng giáo án điện tử, máy chiếu... giáo viên không mất nhiều thời gian ghi lên bảng, học sinh hứng thú vì nghe, xem, cảm nhận với những hình ảnh, đoạn phim sinh động, màu sắc. Tuy nhiên, có không ít trường hợp, vài tiết lên lớp không nhiều, giáo viên lo loay hoay thao tác với máy móc, ít nhiều xao nhãng nội dung. Về phía học sinh, đôi khi bị hình ảnh, âm thanh thu hút mà quên ghi chép.

mặt tích cực ứng dụng công nghệ trong dạy học

Mặt tiêu cực của việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục

Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thông tin: “Dạy học với sự hỗ trợ của công nghệ khá hấp dẫn, nên có trường hợp học sinh mải mê với những hình ảnh trên màn hình mà không tập trung vào các việc khác như làm bài tập, phát biểu”.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú TP.HCM), cho rằng bài giảng điện tử có tính tổng hợp cao, giáo viên thường chỉ tóm tắt, thiếu các chi tiết hệ thống. Do đó học sinh hiểu ngay tại chỗ nhưng sau đó quên rất nhanh.

Ông Nguyễn Tuấn Minh kể sau những lần dự giờ các tiết giảng sử dụng giáo án điện tử, ông thấy học sinh thường thích thú, chỉ chỏ, bàn luận về các hình ảnh trên màn hình gây mất trật tự và mất tập trung. Đó là chưa kể, lớp học đông, những học sinh ngồi cuối lớp sẽ không nhìn rõ màn hình.

Dễ rập khuôn, sao chép

Theo tiến sĩ Phạm Thế Bảo, Phó trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, giáo viên chỉ nên coi bài giảng điện tử là một công cụ trong quá trình chuyển tải thông tin chứ không phải là cây đũa thần có thể thay thế được mọi thứ. Ông Bảo cho biết: “Trong một tiết học sẽ diễn ra các tình huống sư phạm khác nhau đòi hỏi giáo viên phải xử lý. Ngoài ra, giờ học cũng không thể thiếu sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, lúc đó bảng phấn là công cụ cần thiết để hai bên thể hiện suy nghĩ trực tiếp”.

Có thực trạng là hiện nay không ít giáo viên có thể tải từ trên mạng những bài giảng có sẵn để làm giáo án cho riêng mình mà không chỉnh sửa hay thêm bớt điều gì. Ông Bảo lo ngại điều này dẫn đến khả năng thui chột tư duy sáng tạo của người dạy và học vì những bài giảng rập khuôn. “Không cẩn thận thì chúng ta chuyển từ chế độ đọc - chép truyền thống sang chế độ nhìn - chép hiện đại, nếu như thầy trò phụ thuộc vào các bài giảng điện tử”, ông Phạm Thế Bảo lưu ý.

Chính vì thế ông Tuấn Minh cho rằng với những tiết học có nội dung đơn giản, sách giáo khoa đã có đầy đủ rồi, thì không cần thiết phải làm bài giảng điện tử. Chỉ kiến thức nào khó, cần phải có sự bổ trợ của hình ảnh, âm thanh cho học sinh dễ hình dung, thì nên đưa vào. “Tùy vào môn học, chẳng hạn các môn văn, sử, địa rất thích hợp dùng giáo án điện tử còn môn toán thì không cần”, ông Minh nêu quan điểm.

Phản tác dụng nếu không chuẩn bị kỹ

Để có được một bài giảng điện tử hay, chính xác, đúng yêu cầu, trước hết giáo viên phải có sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó cần nhiều thời gian và công sức để thiết kế bài giảng. Giữa vô vàn hình ảnh, thông tin trên mạng, giáo viên phải lựa chọn những tư liệu đúng, có nguồn đáng tin cậy để tránh sai sót về kiến thức.

Một giáo viên dạy lịch sử ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết: “Để chuẩn bị cho một bài giảng, tôi phải nhờ sự trợ giúp của ông xã về các thao tác công nghệ thông tin, để thể hiện sao cho đẹp mắt, khoa học. Trước đó thì tôi phải tìm kiếm tư liệu trên mạng, lựa chọn những hình ảnh đắt, những thông tin trùng khớp với nội dung sách giáo khoa. Nói chung là phải mất vài buổi mới xong một bài giảng”. Lo ngại điều này, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Chúng tôi không yêu cầu giáo viên phải thường xuyên dùng bài giảng điện tử. Chỉ những bài nào thực sự phù hợp thì giáo viên đăng ký. Còn lại vẫn sử dụng phương pháp dạy truyền thống”.

Theo tác giả Mỹ Quyên, báo thanh niên