Tỷ lệ giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 là 25,2%, cao nhất trong các khối phổ thông.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm học 2021-2022, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật giáo dục 2019 của các bậc học lần lượt là: tiểu học 25,2%, THCS 13,9%, mầm non 8,3% và THPT 0,1%.
Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Còn theo quy định trước đó, giáo viên tiểu học có bằng trung cấp sư phạm; giáo viên THCS có bằng cao đẳng sư phạm hoặc bằng cao đẳng và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Hơn 25% giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn
Theo Nghị định 71 năm 2020 về lộ trình nâng chuẩn trình độ của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, người được nâng chuẩn phải còn 7-8 năm công tác tính từ 1/7/2020 đến tuổi được nghỉ hưu; thuộc hai nhóm: giáo viên mầm non chưa có bằng cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.
Ước tính đến hết năm 2030, tổng số giáo viên phải nâng chuẩn là khoảng 250.000, trong đó mầm non 90.000, tiểu học 110.000 và THCS hơn 50.000.
Mục tiêu trong giai đoạn một (1/7/2020-31/12/2025), 60% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, 50% người bậc tiểu học và 60% bậc THCS học xong chương trình cử nhân. Trong giai đoạn hai (1/1/2026-31/12/2030), 100% giáo viên ba cấp hoàn thành chương trình được quy định tại giai đoạn một.
Việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên thực hiện theo Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, làm theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa địa phương với trường đào tạo, sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Thiếu giáo viên môn tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp.
Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.
Theo Bộ GD-ĐT, một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2022-2023 là tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cùng đó, tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định; Chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD-ĐT cũng xác định sẽ thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3.
> Học sinh TP.HCM tựu trường ngày 22-8, riêng mầm non ngày 31-8
> Vì sao Bộ GD-ĐT đề xuất chưa tăng học phí, trường vẫn tăng?
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp