Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022 là 98,57%, riêng đối với thí sinh THPT cao hơn, đạt 99,16%. Kết quả đối sánh năm nay cho thấy, điểm số giữa thi tốt nghiệp và học bạ ở hầu hết các môn đều vênh nhau rất lớn.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc là gần 99% - Ảnh 1

Điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 được đánh giá như thế nào ?

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc là gần 99%

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục được duy trì và giữ ổn định so với năm 2021 với tỷ lệ tốt nghiệp 98,57%, đối với thí sinh hệ THPT đạt 99,16%.

Tại Hà Nội, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%). Toàn thành phố có 104 đơn vị, trường học có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%. So với năm 2021, số đơn vị đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%, cao hơn 11 đơn vị. Đáng chú ý, trong số các đơn vị, trường học có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, đã xuất hiện một số trường học ở các huyện và còn nhiều khó khăn.

Báo cáo phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD-ĐT cho thấy: cả nước có 5.590 điểm 10 ở 9 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, giảm khoảng gần 4,4 lần so với năm ngoái (năm 2021 có tổng số 24.555 bài thi điểm 10). Giáo dục công dân tiếp tục là môn có nhiều điểm 10 nhất với 2.836 bài, dù vậy mức này giảm mạnh so với con số 18.680 của năm ngoái.

Môn ngoại ngữ (gồm tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung, Nhật, Hàn) và sinh học cũng ghi nhận lượng điểm 10 giảm mạnh. Trong đó, điểm tuyệt đối ở môn ngoại ngữ giảm hơn 4.000, chỉ còn bằng số lẻ của năm ngoái. Môn sinh học còn 5 thí sinh đạt điểm 10 thay vì gần 600; các môn có số điểm 10 giảm khác gồm toán, địa lý.

Trong khi đó, số điểm tuyệt đối ở các môn ngữ văn, vật lý, hóa học và lịch sử tăng. Đặc biệt, môn lịch sử tăng mạnh nhất với 1.779 bài thi đạt tuyệt đối (năm 2021 con số này chỉ là 266). Kế đến là vật lý với 154 bài, tăng 11 lần so với năm ngoái. Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu cả nước về có nhiều bài thi điểm 10 nhất, với 411 bài. Sau Thanh Hóa là Hà Nội, với 389 bài thi điểm 10.

Địa phương có điểm thi tốt nghiệp trung bình cao nhất cả nước năm nay thuộc về Nam Định (năm 2021 là Bình Dương), với điểm trung bình 9 môn thi là 7,047.

Ở nhóm có điểm trung bình thấp nhất, Hà Giang tiếp tục là địa phương “đội sổ” với 5,617 điểm. Có 5 tỉnh khác cũng không thể đạt mức 6 điểm trung bình tất cả môn thi tốt nghiệp THPT, gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Trà Vinh, Ninh Thuận.

Theo kết quả phân tích điểm thi của Bộ GD-ĐT, ở 9 môn thi, cả nước có 1.094 bài thi bị điểm liệt, tiếng Anh có số lượng nhiều nhất với 423 bài, tiếp đó là ngữ văn 194 bài và toán 165 bài. So với năm ngoái, tổng bài thi bị điểm liệt giảm hơn 100 bài.

Điều đáng buồn là môn tiếng Anh có số bài thi bị điểm liệt nhiều nhất với 423 bài, tăng 309 bài so với năm ngoái trong khi các môn khác đều có xu hướng giảm điểm liệt. Điểm trung bình môn tiếng Anh cũng giảm so với năm ngoái, từ 5,84 xuống 5,15.

Riêng môn lịch sử, năm nay điểm trung bình tăng từ 4,97 lên 6,34. Số điểm liệt môn này cũng giảm đáng kể, từ 540 bài năm ngoái xuống còn 83 bài.

Nhiều năm gần đây, kết thúc mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ gần 100%, dư luận lại đặt câu hỏi liệu có cần duy trì việc tổ chức kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia với rất nhiều tốn kém cả về kinh phí lẫn nguồn nhân lực từ T.Ư đến địa phương?

Bất bình thường sự chênh lệch lớn giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT

Ngoài kết quả điểm thi THPT 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có dữ liệu đối sánh trung bình điểm học bạ từng môn của các địa phương để điều chỉnh việc dạy học ở các trường phổ thông. Kết quả đối sánh năm nay cho thấy, điểm số giữa thi tốt nghiệp và học bạ ở hầu hết các môn đều vênh nhau rất lớn. Đa số các địa phương dẫn đầu cả nước về điểm học bạ lại không có điểm thi cao nhất, thậm chí một số địa phương còn xếp ở vị trí cuối bảng.

Hà Nội là một trong số những địa phương nằm top 10 điểm cao nhất cả nước về học bạ. Nhưng kết quả điểm thi nhiều môn xếp gần cuối bảng như Hóa học hay Sinh học đứng thứ 58/63. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số tỉnh thành khác.

Chuyên gia giáo dục cho rằng, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ là điều dễ hiểu vì đó là 2 cách đánh giá khác nhau và sự cho điểm giữa các địa phương cũng không giống nhau. Tuy nhiên, nếu sự vênh nhau quá lớn lại trở thành điều bất bình thường.

Với chiều ngược lại, một số địa phương lại có điểm học bạ cuối bảng nhưng điểm thi dẫn đầu.

Bằng tính toán xác suất thống kê, chuyên gia đã đưa điểm học bạ và điểm thi của năm nay về cùng một hệ quy chiếu để so sánh. Kết quả cho thấy, môn Ngoại ngữ không chỉ có nhiều điểm liệt nhất, mà còn là sự chênh lệch lớn, điểm học bạ hơn 4 điểm so với điểm thi.

Điều này sẽ gây khó khăn cho các trường đại học trong tuyển được sinh thí sinh phù hợp. Điển hình năm nay, một số trường đã tăng điểm xét tuyển bằng phương thức này, thậm chí có ngành học điểm chuẩn cao từ 29 đến trên 30 điểm.

Trong khi đó, theo chuyên gia đánh giá, những vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, độ vênh nhau về điểm số lớn hơn. Sự đối sánh này mang tính tương đối để các địa phương có phương án điều chỉnh việc dạy học và cách cho điểm số ở bậc phổ thông.

Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mở, Xây dựng Hà Nội công bố điểm sàn

Điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp, điểm nào phản ánh đúng học lực của học sinh?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp