Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội dự định khôi phục kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh THPT với mục tiêu sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh đại học.
Hội nghị nội bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội bàn về công tác tuyển sinh
Đại học Quốc gia Hà Nội đã lên phương án tuyển sinh đại học cho năm học 2021 - 2022 với dự kiến 2 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển.
Với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, hội đồng tuyển sinh các đơn vị đào tạo xây dựng quy định cụ thể về đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển công bố công khai trên website của đơn vị đào tạo, của Đại học Quốc gia Hà Nội, trên trang thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng. Hội đồng tuyển sinh các đơn vị đào tạo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng và tổ chức xét tuyển thẳng theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với phương thức xét tuyển, hội đồng tuyển sinh các đơn vị đào tạo sẽ dựa vào một trong các căn cứ sau để xét tuyển:
- Xét tuyển đối với các thí sinh có kết quả thi THPT năm 2021.
- Học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và có điểm thi SAT hoặc ACT theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ quốc tế A-Level theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL,..), kết hợp với điểm 2 môn thi trong tổ hợp xét tuyển của ngành/chương trình đào tạo (trong đó bắt buộc phải có môn toán hoặc ngữ văn).
- Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực học sinh THPT do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo.
- Thí sinh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam học tập THPT tại nước ngoài thì xét tuyển theo quy định riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội về xét tuyển người nước ngoài.
Như vậy, năm 2021, về phương thức tuyển sinh, điểm mới của Đại học Quốc gia Hà Nội là khôi phục lại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực. Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì đây là một kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đại học. Các đơn vị đào tạo sẽ phải cân nhắc, xác định rõ tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực.
Theo dự thảo đề án thi đánh giá năng lực học sinh THPT của Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau 3 tuần kể từ ngày dự thi.
Năm 2021, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được tổ chức thi tại Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội với quy mô khoảng 10.000 thí sinh. Kỳ thi sẽ được tổ chức thành 4 - 5 đợt, từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội có thể mở rộng quy mô thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác.
Theo Thanh Niên