Năm 2021, nhiều trường đại học dự kiến tuyển sinh thêm ngành mới. Đáng chú ý, những ngành này lần đầu tiên xuất hiện, chưa từng có tên trong danh mục mã ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT.

tuyển sinh 2021

Nhiều trường đại học dự kiến tuyển sinh thêm ngành mới trong năm 2021

Có trường dự kiến mở 5 - 7 ngành mới

Bên cạnh sự ổn định về cách thức xét tuyển thì điểm đặc biệt được nhìn thấy ở phương thức tuyển sinh năm 2021 của các trường Đại học là bổ sung thêm nhiều ngành học mới. Trong đó, có những trường dự kiến tuyển thí sinh cho 5 - 7 ngành mới trong năm học tới đây.

Theo phương án tuyển sinh dự kiến Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã công bố, trường này có thêm 6 ngành mới trong năm 2021. Cụ thể gồm các ngành: Robot và hệ thống điều khiển thông minh, Quản lý đô thị thông minh và bền vững (xét tổ hợp A00, A01, C01, D90), Kỹ thuật hóa phân tích (xét tổ hợp A00, B00, D07, D90), Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Quản trị nguồn nhân lực, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (xét tổ hợp A01, C01, D01, D96). Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường này, mỗi ngành mới trường dự kiến tuyển từ 80 - 100 chỉ tiêu.

Đại học Công nghiệp TPHCM công bố phương án tuyển sinh 2021

Đại học Công nghiệp TPHCM công bố phương án tuyển sinh 2021

Theo phương án tuyển sinh 2021, Đại học Công nghiệp TP.HCM dự kiến tuyển sinh chuyên ngành mới liên quan đến quản lý đô thị thông minh và bền vững.

Quy định về tên gọi ngành đào tạo

Theo Thông tư 22/2017 của Bộ GD-ĐT quy định về mở ngành đào tạo trình độ Đại học, ngành đăng ký phải phù hợp với nhu cầu xã hội và người học, yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng miền và cả nước; phù hợp chức năng, nhiệm vụ của nơi đào tạo.

Tên ngành đăng ký đào tạo cần có trong danh mục giáo dục đào tạo theo quy định. Trường hợp ngành đăng ký chưa có trong danh mục này, cơ sở đào tạo phải làm rõ luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này (trong đó có ít nhất 2 ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 2 cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo).

Trường Đại học Đà Lạt cũng dự kiến mở thêm nhiều ngành học mới trong kỳ tuyển sinh năm 2021. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết trường đã được Hội đồng trường thông qua chủ trương, dự kiến sẽ có 5 - 7 ngành mới trong năm sau. Cụ thể gồm: Hóa dược, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Thống kê và khoa học dữ liệu, Dân số và phát triển, Văn hóa du lịch, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa…

Trong đề án tuyển sinh năm 2021, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM có thêm 5 ngành mới gồm Robot và trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhân sự, Quan hệ công chúng, Quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, trường còn dự kiến tuyển sinh 2 ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng.

Lý giải việc mở các ngành mới, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, cho rằng đây đều là những ngành có nhu cầu nhân lực khá lớn trong nền kinh tế hội nhập, nhưng hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo. Trong đó, các ngành robot và trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu được coi như những mũi nhọn trong thời đại 4.0.

Đại học Công nghệ TPHCM công bố 4 phương thức tuyển sinh 2021

Đại học Công nghệ TPHCM công bố 4 phương thức tuyển sinh 2021

Năm 2021, Trường Đại học Công nghệ TPHCM sẽ xét tuyển theo 4 phương thức. Trong đó, 65% chỉ tiêu lấy từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Những ngành học đón đầu xu hướng

Có 2 xu hướng chung trong việc mở ngành mới của các trường Đại học năm tới: Những ngành mới đi trước đón đầu và những ngành đang có nhu cầu cao trong thị trường lao động.

Chia sẻ về việc mở ngành mới của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết có 2 nhóm. Trong đó, một nhóm ngành rất mới được mở ra đào tạo nhân lực đón đầu sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, chẳng hạn ngành Quản lý đô thị thông minh và bền vững. Đây là ngành kết hợp giữa công nghệ thông tin và quản lý môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị thông minh trong tương lai của các thành phố tại Việt Nam. “Ngành này hiện đang được đào tạo tại một trường Đại học của Tây Ban Nha, trong nước hiện chưa được đào tạo ở bậc Đại học. Ngay trong mã ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT cũng chưa có tên nên phải sử dụng mã ngành mở rộng của nhóm ngành theo quy định của Bộ”, ông Nhân cho hay.

Ngoài ra, trường cũng mở một số ngành không mới nhưng nhu cầu lao động cao: Quản trị nguồn nhân lực, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng… “Khi mở ngành, trường không chỉ đảm bảo quy trình và điều kiện đào tạo mà còn thực hiện khảo sát nhu cầu từ phía doanh nghiệp sử dụng”, ông Nhân chia sẻ.

Tương tự, Dân số và phát triển cũng là một ngành học mới toanh trong hệ thống ngành đào tạo đại học hiện nay. Theo tiến sĩ Trần Hữu Duy, đây là ngành thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ về chiến lược dân số của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới theo đề nghị của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. “Chiến lược dân số trong bối cảnh mới không còn là kế hoạch hóa gia đình mà là phát triển để nâng cao chất lượng dân số. Do đó, việc đào tạo cán bộ để phù hợp với chiến lược dân số trong giai đoạn tới là nhu cầu cấp thiết”, ông Duy cho hay.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết trường dự kiến mở 4 ngành trong năm tới. Trong đó, một số ngành có tên gọi khá mới như: Hóa dược và hợp chất thiên nhiên, Kinh doanh thời trang và dệt may, Quản trị kinh doanh thực phẩm. Trong đó hiện mới có 2 ngành có mã ngành gồm: Kinh doanh thời trang và dệt may, Marketing.

Các ngành học mới khối sức khỏe

Một số trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe cũng dự kiến mở thêm ngành mới trong năm nay. PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trường đang làm thủ tục mở ngành phục hồi chức năng. Còn Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng dự kiến tuyển sinh thí sinh cho ngành y học cổ truyền trong năm tới.

Theo Thanh Niên