Học sinh lớp 12 tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại Trường ĐH An Giang. Ảnh: MAI HẢI
Muốn học ngành báo chí
- Em thích học ngành quản trị du lịch khách sạn nhưng chưa rõ về ngành này. Sau khi tốt nghiệp ngành này, có dễ xin việc không?
Lâm Châu Anh (An Giang)
Theo chương trình của các trường ĐH, chuyên ngành này đào tạo sinh viên có khả năng làm việc trong hai lĩnh vực cơ bản của du lịch là lữ hành và khách sạn, nhà hàng. Chương trình giúp sinh viên am hiểu các mô hình quản trị trong du lịch và cấu thành nghiệp vụ của mỗi lĩnh vực quản trị. Đồng thời, giúp sinh viên phát triển các sáng kiến kinh doanh, lên kế hoạch tổ chức triển khai, kiểm soát và biết điều tra, nghiên cứu thị trường. Có kỹ năng giao tiếp, nắm các nguyên tắc dịch vụ phục vụ du khách… Ngành du lịch của nước ta đang phát triển và cần nguồn lao động rất lớn. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp, đòi hỏi em phải cố gắng học tốt. Trong quá trình học cần năng động, tận dụng cơ hội đi thực tập để trau dồi nghề nghiệp…
- Muốn học ngành báo chí cần có năng khiếu gì?
Thanh Phương (Củ Chi, TPHCM)
Báo chí - truyền thông có điểm đầu vào rất cao. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều sinh viên báo chí ra trường đã không trụ được với nghề với lý do đây là nghề khắc nghiệt, tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng khiếu và đam mê… Để trụ được bốn năm ở giảng đường và làm việc lâu dài trong nghề này, ngoài kiến thức, kỹ năng được rèn luyện, em cần phải có một số tố chất và năng lực đặc trưng như: Năng động, tháo vát, kiến thức rộng, diễn đạt rõ ràng, khúc chiết ý tưởng của mình bằng cả nói và viết… Tất nhiên, nghề này còn yêu cầu em phải có sức khỏe tốt và có thể làm việc ngoài giờ hành chính.
Ngành nào hút lao động?
- Nghe nói nhu cầu giáo viên mầm non đang tăng cao, vậy nếu muốn trở thành giáo viên mầm non, nên thi vào ngành nào, trường ĐH nào tại TPHCM?
Hoàng Thị Bích Thủy (Củ Chi – TPHCM)
Em có thể thi vào ngành giáo dục mầm non của Trường ĐH Sài Gòn. Ngành này có đào tạo ở hệ CĐ và ĐH, tuyển sinh theo khối M bao gồm: Hát, kể chuyện, đọc diễn cảm. Em cũng có thể thi vào ngành giáo dục mầm non của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Trường chỉ tuyển sinh ở hệ ĐH với môn thi năng khiếu khối M là: Hát, lặp tiết tấu, thẩm âm, kể chuyện, đọc diễn cảm, phân tích tác phẩm. Em lưu ý điều kiện dự thi vào các ngành sư phạm của trường là không bị dị tật, không nói ngọng, không nói lắp; thể hình: nữ cao từ 1,50m; nam cao từ 1,55m trở lên.
- Xin cho biết trong những năm tới, nhu cầu nhân lực, thị trường lao động TPHCM và trong khu vực sẽ tập trung vào nhóm ngành nghề nào?
Nguyễn Thị Hiền (Gò Vấp – TPHCM)
Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, trả lời: Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, thị trường lao động khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chủ lực là TPHCM với nhu cầu nhân lực ngày càng yêu cầu cao về số lượng và chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong giai đoạn 2011-2015, với tốc độ tăng bình quân về chỗ làm việc từ 3% đến 3,5%/năm, TPHCM sẽ có nhu cầu chung về nhân lực là 280.000 đến 300.000 chỗ làm việc/năm. Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lực lượng lao động nhiều, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng nhu cầu nhân lực tại thành phố như: Quản lý kinh tế, Kinh doanh, Quản lý chất lượng, Du lịch, Nhà hàng - Khách sạn, Bán hàng, Marketing, Nhân viên kinh doanh, Dịch vụ và phục vụ, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Tư vấn, Bảo hiểm, Pháp lý, Luật, Nghiên cứu, Khoa học, Quản lý nhân sự, Tổ chức, Hành chánh văn phòng, Giáo dục, Đào tạo, Thư viện, Ngoại ngữ, Biên phiên dịch, Xây dựng, Kiến trúc, Công nghệ thông tin, Viễn thông, Truyền thông, Cơ khí, Sửa chữa ôtô, Xe máy, Điện, Điện tử, Điện công nghiệp, Điện lạnh, Giao thông - Vận tải, Thủy lợi, Cầu đường, Dầu khí...
Ban tư vấn
Hơn 3.000 học sinh tham gia chương trình tư vấn
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh 2011 do Báo SGGP tổ chức tại quận Bình Tân (diễn ra ngày 20-3) hiện đã thu hút hơn 3.000 học sinh lớp 12 ở các trường THPT trên địa bàn quận và các quận 12, huyện Bình Chánh đăng ký tham gia.
Tham gia tư vấn và giải đáp những thắc mắc chọn nghề, chọn trường cho học sinh tại buổi tư vấn gồm có: PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban Đại học và sau đại học ĐH Quốc gia TPHCM; PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM; Th.S Trần Đình Lý - Trường ĐH Nông Lâm TPHCM; NSƯT - đạo diễn Đào Bá Sơn; PGS-TS-DS Đặng Văn Tịnh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM; Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM…
Tham gia buổi tư vấn, mỗi học sinh sẽ được tặng ấn phẩm Báo SGGP có phần trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp và Cẩm nang chọn nghề 2011. Ngoài ra, ban tư vấn sẽ chọn ra những câu hỏi hay nhất của học sinh để tặng quà.