Sự kiện: Thông tin tuyển sinh 2011
Nên chọn phần đề riêng phù hợp
Ông Trần Văn Kiên, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Như vậy, TS nắm vững kiến thức cơ bản ở mức thuộc bài có thể đạt điểm trung bình”.
Hình minh hoạ, chủ đề thông tin tuyển sinh 2011.
Đề thi các môn Văn, Toán, Lý, Sinh, Địa đều có 2 phần: Phần chung cho tất cả TS sẽ được ra theo nội dung giao thoa giữa 2 chương trình chuẩn và nâng cao. Phần riêng sẽ được ra theo từng chương trình, TS được phép lựa chọn một trong hai phần riêng để làm bài. Riêng đề thi môn Ngoại ngữ chỉ có phần chung cho tất cả TS với nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Ông Kiên lưu ý: “Mặc dù không yêu cầu phải chọn phần đề riêng ứng với chương trình được học như những năm trước, song Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo các TS nên chọn phần đề riêng ứng với chương trình mình được học và ôn tập để có kết quả bài thi cao nhất”.
Trong quá trình học, chương trình nâng cao rõ ràng có những phần nội dung kiến thức khó hơn chương trình cơ bản. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định: “Người ra đề phải tính toán, cân nhắc sao cho mức độ khó giữa 2 phần riêng tương đương nhau để khi vào phòng thi TS khó nhận ra được phần nào dễ hơn”.
Không nên quá đà vì đề “mở”
Điểm mới trong cách ra đề thi năm nay là có tới 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Bộ GD-ĐT xem đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng học thuộc lòng, học vẹt của một bộ phận học sinh hiện nay. Tuy nhiên, các giáo viên giàu kinh nghiệm đã khuyến cáo TS đừng nghĩ rằng đề ra theo hướng mở là có thể viết gì tùy thích.
Bà Nguyễn Như Hương, giáo viên dạy Văn trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình) Hà Nội nêu kinh nghiệm: “Phần nghị luận chính là phần nội dung yêu cầu TS làm bài một cách sáng tạo, bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng nhiều TS “thoải mái” một cách thái quá trong cách trình bày, nhiều khi đưa cả những nội dung không liên quan gì vào bài thi”. Chính vì vậy, bà Hương cho rằng: “Phải lưu ý về quy định số chữ trong phần nghị luận để chọn diễn đạt những ý “đắt” nhất, tránh tình trạng viết dài, viết lan man, mất rất nhiều thời gian mà vẫn không đạt điểm cao, thậm chí còn bị trừ điểm vì bị đánh giá là không đọc kỹ đề”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Lịch - giáo viên môn Địa lý trường THPT Hà Nội - Amsterdam, nói: “Với từng câu hỏi, TS cần dành thời gian phác thảo đề cương vạch ra các ý chính trả lời. Đề cương nên viết dạng “mở”, các ý cách nhau một đoạn để sẵn sàng điền tiếp ý khác khi chợt nghĩ ra. Cách làm này giúp học sinh không bị sót ý hoặc sa đà vào những vấn đề không cần thiết”. Nhiều giáo viên cũng lưu ý với các bài thi trắc nghiệm, TS nên chọn những câu dễ làm trước, khó làm sau hoặc câu hỏi định tính làm trước, câu hỏi cần tính toán làm sau.
Chú ý khi thi môn trắc nghiệm
Trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, có 3 môn thi theo hình thức tự luận là Toán, Văn, Địa; 3 môn thi theo hình thức trắc nghiệm là Ngoại ngữ, Sinh học, Vật lý. Thời gian làm bài của các môn Văn, Toán là 150 phút, môn Địa là 90 phút; các môn thi theo hình thức trắc nghiệm đều có thời gian làm bài 60 phút.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, nếu không chú ý TS sẽ rất dễ lấn sang cả 2 phần đề riêng. Số lượng câu hỏi trong đề thi các môn trắc nghiệm (trừ môn Ngoại ngữ) của kỳ thi tốt nghiệp THPT phân bổ như sau: Phần chung từ câu 1-32; phần đề riêng sẽ ghi rất rõ: TS chỉ được làm một trong hai phần đề riêng (A hoặc B). Phần A ra đề theo chương trình chuẩn (từ câu 33-40); phần B ra đề theo chương trình nâng cao (từ câu 41-48)
Thông tin tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh 2011
Đăng ký nhận thêm thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.
Kenhtuyensinh (Nguồn Thanhnien)