TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC

Tư vấn tuyển sinh: Cùng con chọn tương lai

Sự xuất hiện cùng lúc của 630 học sinh Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang), hơn 200 học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu (Long An)... đã ngay lập tức làm sôi động các khu vực tự giới thiệu của các trường.Có tới 130 trường phổ thông tham dự ngày hội tư vấn. Sân Trường ĐH Bách khoa vốn rộng thênh thang, hôm nay chợt trở nên chật hẹp trước hàng ngàn gương mặt trẻ trung, khao khát và háo hức trước tương lai.

 

Tư vấn tuyển sinh 2013: Còn con chọn tương lai

Tư vấn tuyển sinh 2013: Còn con chọn tương lai

Và càng thấy như chưa đủ nữa khi lẫn giữa những mái tóc  xanh có thấp thoáng những mái đầu hoa râm, lẫn giữa những gương mặt non tơ ngơ ngác là những gương mặt hằn nét âu lo của các vị phụ huynh.

Đến sớm nhất khi đồng hồ chưa chỉ 6g sáng, Huỳnh Thanh Hằng (lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, Sa Đéc, Đồng Tháp) rụt rè theo mẹ bước vào khuôn viên Trường ĐH Bách khoa. Hai mẹ con đã bắt chuyến xe đò từ 3g khuya, vội vã ăn sáng khi xe dừng ở Tiền Giang để lên cho kịp giờ khai mạc ngày hội. Hằng bẽn lẽn kể: “Hôm cô giáo thông báo, em lưỡng lự chưa đăng ký.

Tối về suy nghĩ, sợ không được tư vấn sẽ lựa chọn sai, sẽ lỡ cơ hội, em đi đăng ký thì cô nói xe hết chỗ rồi. Vì vậy mẹ phải dẫn em đi”. Mẹ Hằng nhìn con âu yếm: “Nó thích ngành kinh tế. Hồi trước nó tính thi khối A, giờ lại nhắm thi khối A1 nên bữa nay lên đây nghe thử coi trường nào, ngành nào phù hợp với khả năng của nó. Đi để hỏi cho rõ thì lòng mới yên tâm”.

Vừa đến giờ khai mạc, bà Lê Thị Hoài Nhân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã kịp rảo quanh mấy gian trưng bày và gom về một xấp thông tin của các trường đại học. Cô con gái đang học lớp 12 Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang bận cắm trại ở trường. Chăm chú giở tờ thông tin của ĐH Ngoại thương, bà Nhân mỉm cười: “Con gái tôi nói thích làm nghề tổ chức sự kiện. Đến đây mới biết ngành con thích có cả chục trường để học. Thật mừng cho con. Bây giờ mẹ chỉ cần giúp con chọn lựa cho đúng và con gái cố gắng thực hiện ước mơ mà thôi”.

14g, tại gian tư vấn nhóm trường kinh tế, tài chính, ngân hàng, thương mại, một phụ nữ tóc điểm bạc, đeo kính lão, ngồi chăm chú ghi chép vào cuốn tập học trò bìa đã sờn cũ, chi chít chữ. Thỉnh thoảng có người đến bắt chuyện, bà lại xua xua tay, chỉ lên sân khấu. Bao nhiêu câu hỏi của học sinh, bấy nhiêu phần trả lời của thầy cô, chuyên viên tư vấn, bà đều cẩn thận ghi hết. Bà cho biết tên là Mỹ Anh, nhà ở khu Lữ Gia, quận 11: “Tui có mặt ở đây từ bảy giờ rưỡi sáng. Buổi sáng dự hết phần tư vấn bên nhóm ngành tự nhiên, nông lâm rồi, chiều sang đây. Mùa tư vấn năm sau tui lại đi nữa”.

Đây đã là năm thứ tư bà Mỹ Anh đến ngày hội tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ, năm nào cũng một mình. Bà buồn buồn: “Con tui đang học lớp 11. Tui muốn dẫn con đi, chỉ để nghe thôi, không bắt ép nhưng năm nào nó cũng bận... đi học! Giờ mình đi, ghi chép cẩn thận về để từ từ nói lại với nó. Làm cha mẹ thời này khó quá. Nhiều khi tôi muốn dạy con, muốn nói thật nhiều nhưng cũng phải nén lại. Tui ghi hết những điều muốn nói ra tờ giấy, để nói từ từ, mưa dầm thấm lâu...”..

Tiếp một giấc mơ

Ngồi ở một góc gian tư vấn Gỡ rối hướng nghiệp, chốc chốc lại lướt nhìn một vòng sân, các giảng đường, phòng học của ĐH Bách khoa, ông Trần Hạ Long (Q.Phú Nhuận) kiên nhẫn chờ con trai. Nghe một học sinh cầm micro kể về việc tranh luận trong chọn ngành nghề giữa mình và mẹ, ông thầm thì kể: “Xưa gia đình tôi ở Sóc Trăng, học tới đệ tứ (nay là lớp 9 - NV) thì được chuyển lên Sài Gòn. Vừa đi học, vừa đi làm thêm, bao nhiêu vất vả, cuối cùng tôi thi đậu vào khoa điện ĐH Bách khoa, được học trên dãy nhà này...”. Ông chỉ tay lên dãy lầu trước mặt, những nếp nhăn trên mặt giãn ra. Chưa được một năm, sau vì hoàn cảnh riêng việc học của ông phải giữa đường gãy gánh. “Phải nghỉ học, thật là đau” - ông nhăn mặt kể. Sau này, ông Long vẫn quay lại ngành điện - điện tử, hằng ngày tiếp xúc với các bo mạch điện và vẫn mang mặc cảm là không được học hành trường lớp đàng hoàng. Hôm nay, ông đưa con trai mới học lớp 11 đến đây, vừa làm quen ngưỡng cửa ĐH vừa chạm vào ngôi trường trong mơ ước, trong ký ức của cha. Cậu nao nức đi từ gian hàng này sang gian khác. Còn tới hơn một năm nữa...

Tư vấn tuyển sinh: Sửa lại sai lầm

Nghe từng câu hỏi, câu trả lời, ghi chép thật kỹ lưỡng vào một tờ giấy, bà Phạm Thị Kim Nhung (Hóc Môn, TP.HCM) giải thích: “Con trai út sáng nay bận đi thi lấy bằng lái xe máy, chiều cháu sẽ đến cùng với chị gái. Tôi đón xe buýt đi từ sáng sớm, tôi đi nghe để khỏi mắc lỗi với con nữa”. Con trai thứ hai của bà đã nghe lời mẹ thi vào ngành điện tử ĐH Công nghiệp và: “Học đến năm thứ ba, nó bảo không hợp ngành này, và cứ mỗi lần đến kỳ thi là lại cằn nhằn mẹ. Nhưng đã lỡ học rồi cũng không nỡ bỏ, nên nó lại cố, hết tháng này sẽ tốt nghiệp”. Cậu con trai quyết tâm sẽ chọn lại ngành mình thích bằng cách học văn bằng 2, lấy bằng điện tử để đi làm kiếm tiền đóng học phí. “Vậy nên tui phải đi nghe tư vấn cặn kẽ, về thảo luận với cả ba đứa con về định hướng cho thằng út. Không thể sai lầm lần nữa được” - bà Nhung quả quyết.

Ngồi bên cạnh, một cậu con trai được cả cha lẫn mẹ đưa đi nghe tư vấn, cả nhà mỗi người một quyển sổ, một cây bút, vừa nghe, vừa ghi. Len trong những hàng người, bên cạnh các cô gái, chàng trai nhí nhảnh vừa nghe tư vấn vừa tranh thủ chụp ảnh, tranh thủ giao lưu với các anh chị sinh viên là những cô gái rụt rè níu tay cha, những cô, chú đăm chiêu nghe, đọc, hỏi, ghi chép tất tần tật thông tin, từ yêu cầu của ngành học, nhu cầu việc làm, chỉ tiêu, điểm tuyển sinh cho đến học phí, cơ hội du học...

Đúng là lựa chọn ngành nghề không chỉ là lựa chọn cho một người, một đời...

Ngay từ sáng sớm, một “cô thỏ trắng” đi quanh ngày hội thu hút sự chú ý của nhiều học sinh. Đó là chị Masay Zheng (ảnh) đến từ Trường Tokyo Beauty Art College. Chị Zheng đến ngày hội trong bộ áo đầm trắng, đầu tóc nhuộm trắng, đội cặp tai thỏ trông khá ngộ nghĩnh.

Chị Tăng Thanh Mi - giáo viên của trường, người cùng đi với chị Zheng cho biết: “Khi biết tin báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP.HCM, trường chúng tôi đã đăng ký gian tư vấn để mang thông tin đến học sinh. Riêng chị Masay Zheng ở Nhật biết sự kiện này đến tìm hiểu vì chị chưa bao giờ thấy hoạt động tư vấn tuyển sinh như thế này”. “Cô thỏ trắng” đi mấy vòng quanh các gian tư vấn để tìm hiểu hoạt động tư vấn nhưng vẫn vui vẻ chụp hình chung với các bạn trẻ khi được đề nghị. (TRẦN HUỲNH)

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Tuổi Trẻ)