Tuyển sinh “chui” ngành Điều dưỡng khi chưa được phép của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang “đẩy” hơn 100 SV… ra đường vì không được phép tiếp tục đào tạo và buộc phải chuyển giao những SV này cho các trường khác.

Tại buổi làm việc với ĐH Công nghiệp TP.HCM ngày 23.2.2013, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã đi đến kết luận: Buộc ĐH Công nghiệp TP.HCM dừng ngay việc đào tạo bậc CĐ ngành Điều Dưỡng và liên hệ với các cơ sở đào tạo thích hợp để bàn giao sinh viên cho cơ sở tiếp tục đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp theo quy định.

Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng nay, công tác bàn giao này vẫn… “dậm chân tại chỗ” do ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn chưa tìm được đối tác thích hợp. Trong khi đó, tương lai của hơn 100 SV ngành này cũng chưa biết sẽ đi đâu về đâu.

>> Đọc thêm bài: Đại học Công nghiệp Tp.HCM bị phản đối vì lạm thu học phí

Sẽ chuyển giao cho CĐ Y tế Huế, CĐ Y tế Thanh Hóa?

Liên quan đến vụ việc, NTNN có trao đổi với ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, ông Minh cho biết: “Hiện chúng tôi đã liên hệ với Trường CĐ Y tế Huế và CĐ Y tế Thanh Hóa để bàn giao các em SV này”. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình bàn giao, chuyển điểm… như thế nào mới đúng quy định của Bộ GD-ĐT”.

Với cách giải quyết này, hơn 100 SV ngành Điều Dưỡng đang theo học tại cơ sở 1 của ĐH Công nghiệp TP.HCM (12 Nguyễn Văn Bảo, P4, Q.Gò Vấp) sẽ phải lựa chọn ra Huế hoặc Thanh Hóa để tiếp tục học tiếp đến khi tốt nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, PV đặt câu hỏi: “Liệu SV có chấp nhận ra tới Huế, Thanh Hóa để tiếp tục học cho xong?”. Ông Minh cho biết: “Hiện chúng tôi chưa bàn cụ thể với các em SV về vấn đề này. Tuy nhiên, khảo sát thử một số SV thì các em rất đồng tình vì CĐ Y tế Huế là trường có chất lượng, hệ thống bệnh viện để các em thực tập rất nhiều và hiện đại”.

Cũng theo ông Minh: “Trường hợp SV không chịu ra Huế hoặc Thanh Hóa học thì chúng tôi sẽ liên hệ để chuyển các em về các trường ĐH dân lập tại TP.HCM có tổ chức đào tạo ngành Điều Dưỡng bậc CĐ hoặc sẽ cho các em chọn du học năm cuối ở Philippin vì chi phí ở nước này khá rẻ, hơn nữa bằng cấp các em lại được công nhận khá rộng rãi trong khu vực”.

“Tất cả các phương án đều đã có, chỉ chờ sự thông qua của Bộ GD-ĐT nên báo chí tạm thời đừng thông tin để tránh trường hợp các em hoang mang”, ông Minh nhắn.

Khó bàn giao

Dù đã nhận quyết định từ lâu song đến nay Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn chưa có thông báo chính thức đến các em SV ngành Điều Dưỡng về quyết định của Bộ GD-ĐT buộc trường phải “đóng cửa” ngành và chuyển giao lượng SV này về các trường khác.

Theo tìm hiểu của NTNN, hiện nhiều SV khoa Điều Dưỡng vẫn chưa được biết thông tin sẽ phải chuyển ra học tại Huế hoặc Thanh Hóa. Một SV đang theo học ngành Điều Dưỡng cho biết: “Em thấy khoa Điều Dưỡng bỗng nhiên sát nhập về Viện Sinh học Thực phẩm nhưng vẫn giảng dạy bình thường nên em cũng không để ý lắm. Bây giờ mà chuyển ra Huế hay Thanh Hóa thì sao em có thể đi được, hơn nữa gia đình em cũng chẳng chấp nhận vì… lạ nước lạ cái”.

Đồng quan điểm, một SV khác cũng bức xúc: “Trường phải có trách nhiệm với chúng em. Nếu như buộc phải ra Huế hoặc Thanh Hóa để học tới khi tốt nghiệp, em sẽ phải bỏ học vì không thể đi xa như thế, hơn nữa, nếu chấp nhận học ngành này tại các trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM thì học phí quá cao em không thể kham nổi. Bộ GD-ĐT hãy cứu chúng em”.

Được biết, trong kế hoạch giải quyết lượng SV ngành Điều Dưỡng này, Bộ GD-ĐT đã “mở hướng” cho Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chuyển giao về các trường như: CĐ Y tế Huế; CĐ Y tế Thanh Hóa… Tuy nhiên việc chuyển giao hiện nay gặp nhiều khó khăn do sự bất tương đồng về chương trình, chuẩn đào tạo, thậm chí cả điểm chuẩn đầu vào.

Chẳng hạn, tại CĐ Y tế Huế điểm trúng tuyển ngành Điều Dưỡng năm 2012 là 13 điểm, cao hơn điểm trúng tuyển ngành Điều dưỡng của ĐH Công nghiệp TP.HCM (chỉ bằng điểm sàn) nên việc chuyển giao cho nhau cũng khiến các bên e dè.

Cô Lê Thị Thu Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Huế, cho biết: “Có tiếp nhận lượng SV này hay không thì chúng tôi còn đang xem xét vì việc tuyển sinh đào tạo của cả hai đơn vị rất khác nhau. Chúng tôi đã liên hệ với Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM yêu cầu họ chuyển điểm, chuyển chương trình, chuẩn đào tạo… để chúng tôi xem xét nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào của trường này cả”.

Tương tự, ông Lê Trọng Hùng, Trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Y tế Thanh Hóa cũng khẳng định: “Chúng tôi cũng chỉ mới nhận được sự ‘ngỏ ý’ của Bộ GD-ĐT về việc chuyển giao các SV trên về trường chúng tôi. Còn kế hoạch cụ thể để chuyển giao thế nào thì chúng tôi vẫn chưa biết được”.

Nhiều “bất công” đối với SV trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

- Đóng học phí vượt trần: Mới đây, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) đã phát hiện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thu học phí “vượt trần” đối với SV từ năm học 2010-2011. Theo đó, từ 3 năm trước SV trường này dù “mang tiếng” là học trường công nhưng vẫn phải đóng học phí cao hơn so với quy định của Bộ GD-ĐT dưới hình thức “tín chỉ lý thuyết” và “tín chỉ thực hành”.

- Thay đổi địa điểm học không theo ý muốn: Bộ GD-ĐT vừa chính thức quyết định chấm dứt tuyển sinh năm 2013 tại các địa điểm Đồng Nai, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An. Như vậy, tất cả những SV hệ ĐH-CĐ chính quy thuộc các cơ sở này buộc phải chuyển về TP.HCM học năm cuối để thực tập và tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo phòng đào tạo nhà trường thì: Số lượng SV ở các cơ sở này là không nhiều (!?)

 

Tin bài gốc: Danviet

 

Thông tin cần biết:

 

Kenhtuyensinh

Theo: danviet