Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh
Việc áp dụng xét tuyển vào lớp 10 thay cho thi tuyển đã khiến các trường THPT tư thục ở Quảng Nam trầy trật cầm cự vì không có học sinh
Kể từ khi tỉnh Quảng Nam áp dụng phương thức tuyển sinh vào lớp 10 bằng cách xét tuyển, hầu hết học sinh đều chọn các trường công. Vì thế, các trường tư không còn “cửa sống” khi số học sinh tuyển được quá ít. Điển hình là Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) chỉ tuyển được 43 học sinh cho cả 3 khối lớp (lớp 10 và 11 cùng có 15 học sinh, lớp 12 có 13 học sinh).
Lãnh đạo kiêm... đánh trống
Với số học sinh ít ỏi này, Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng chật vật để duy trì. Với khoản học phí là 400.000 đồng/học sinh/tháng, tổng thu mỗi tháng chỉ khoảng 16 triệu đồng, trong khi trường phải bảo đảm chi trả lương cho 19 cán bộ, giáo viên. “Kể từ năm 2013, lương của thành viên HĐQT cũng như lãnh đạo nhà trường chỉ còn 800.000 đồng/tháng. Phần còn lại đều để dành cho giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học cũng như khích lệ tinh thần của các thầy cô đã công tác tại trường lâu năm” - ông Võ Ngọc Hoàng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng, bùi ngùi.
Cũng vì quá khó khăn, lãnh đạo nhà trường phải kiêm thêm việc để bớt gánh nặng chi trả. Hiện hiệu trưởng nhà trường kiêm dạy bộ môn văn, chủ tịch HĐQT kiêm thêm việc đánh trống báo hết tiết học. Theo ông Hoàng, tiền thuê nhân viên đánh trống mỗi tháng tốn khoảng 800.000 đồng nên ông đã xung phong đảm nhiệm. Ngoài ra, nhà trường cũng vận động giáo viên chấp nhận giảm tiền thù lao giảng dạy từ 40.000 đồng/tiết còn 28.000 đồng. Do chỉ có 3 lớp học một buổi/ngày nên Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng đã dành 3 phòng học trống cho công nhân một công ty xây dựng thuê với giá 8 triệu đồng/tháng để có thêm chi phí.
Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng phải cho công nhân thuê phòng để có nguồn thu
Trường THPT Tư thục Hà Huy Tập nằm ngay trung tâm TP Tam Kỳ thành lập gần 15 năm nay. Từ khi ra đời, có giai đoạn trường tuyển được khoảng 700 - 800 học sinh. Thế nhưng, đến năm học 2013-2014, toàn trường chỉ còn 10 lớp học với tổng cộng 400 học sinh (khối 10 và 11 chỉ có 140 học sinh). Dự kiến, đến năm học sau, số lượng học sinh của trường chỉ còn khoảng hơn 100 em. Lãnh đạo Trường THPT Tư thục Hà Huy Tập cho biết để tạm thời giải quyết khó khăn, trường đã phải cho 15 giáo viên hợp đồng nghỉ việc, đồng thời cắt giảm 25% lương tháng. Tính đến hết tháng 6-2014, trường vẫn còn nợ lương hơn 100 triệu đồng.
***Các trường tư thục chờ khai tử
Khó theo xã hội hóa
Hai trường tư thục còn lại của tỉnh Quảng Nam gồm THPT Hoàng Sa và THPT Quảng Đông (cùng thuộc huyện Điện Bàn) cũng đang nằm trong tình cảnh tương tự.
Ông Võ Ngọc Hoàng cho biết Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng vẫn đang cố gắng xoay xở , tìm mọi cách giữ trường. Trường hợp không thể cầm cự nổi thì buộc phải giải thể. Điều mà ông Hoàng lo lắng là số giáo viên đã gắn bó với nhà trường hơn 10 năm nay và có tâm huyết sẽ đi đâu, về đâu...
Hầu hết lãnh đạo các trường tư thục nói trên đều cho rằng việc áp dụng xét tuyển vào lớp 10 thay cho thi tuyển đã đẩy các trường tư thục vào thế bí. Các trường công lập được phép tuyển từ 93%-95% học sinh lớp 9. Số ít ỏi còn lại phân bổ vào trường nghề rồi mới đến trường THPT tư thục.
Đại diện lãnh đạo các trường kiến nghị cần thay đổi hình thức xét tuyển bằng thi tuyển và giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công vì số học sinh lớp 9 ngày càng giảm. Ông Võ Ngọc Hoàng cho rằng Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng cũng như các trường tư thục khác là đều được thành lập theo chương trình xã hội hóa giáo dục. “Vạn bất đắc dĩ phải giải thể trường nhưng vấn đề sâu xa là sau đó còn ai dám đi theo chủ trương xã hội hóa giáo dục để rồi gặp tình trạng sống dở, chết dở như vầy” - ông Hoàng chua xót.
Theo tác giả Bích Vân, NLĐ