Khối thi là cơ sở xét tỉ lệ trúng tuyển

Một điểm mới của tuyển sinh quân đội năm nay là ở một số trường ĐH, học viện, việc xét tỉ lệ trúng tuyển được xác định theo khối thi. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo (cũng là chỉ tiêu để xác định điểm trúng tuyển) tại Học viện Quân y sẽ là 1/4 tổng chỉ tiêu dành cho khối A và 3/4 cho khối B. Tại Trường Sĩ quan chính trị, chỉ tiêu khối A là 1/3, chỉ tiêu khối C là 2/3 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013.

Một thay đổi quan trọng khác trong xác định chỉ tiêu trúng tuyển là thay vì áp 10% chỉ tiêu tuyển sinh là nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân cho các ngành kỹ sư quân sự ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông tại Học viện Kỹ thuật quân sự như trước đây, thì năm 2013 Bộ Quốc phòng quy định học viện có thể tuyển tối đa 10% chỉ tiêu này hoặc có thể thấp hơn. Riêng ngành bác sĩ quân y tại Học viện Quân y, quan hệ quốc tế về quốc phòng và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự vẫn giữ nguyên việc tuyển 10% chỉ tiêu là nữ.

Thực tế, việc tuyển 10% là nữ tại Học viện Quân y khiến tỉ lệ “chọi” với nữ thí sinh dự thi vào trường cũng như điểm trúng tuyển dành cho nữ luôn ở mức rất cao. Đó là điểm thí sinh nữ cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định đăng ký dự thi vào Học viện Quân y. Năm 2012, nếu xét theo chỉ tiêu đã quy định, nữ thí sinh đạt 26 điểm cũng chưa đủ để đỗ vào trường.


Học viện An Ninh Nhân Dân

Trường quân đội xét tỉ lệ trúng tuyển theo khối thi

Trường quân đội xét tỉ lệ trúng tuyển theo khối thi

 

Nộp ảnh dự thi đã chỉnh sửa là không hợp lệ

 

Thực tế việc sơ tuyển bảo đảm đủ tiêu chuẩn sức khỏe để thi vào các trường quân đội rất quan trọng. Bản thân thí sinh nếu không nghiêm túc thực hiện, có biểu hiện gian lận thì ngay cả khi đã trúng tuyển cũng sẽ không được theo học như nguyện vọng. Thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh cho biết năm 2012, toàn hệ thống các trường quân đội có 45 thí sinh dù đã trúng tuyển nhưng sau khi vào trường kiểm tra lại sức khỏe không đạt tiêu chuẩn đã phải dừng ngay việc học tập tại hệ quân sự. Những thí sinh này sau đó đã phải chuyển sang hệ dân sự hoặc chuyển việc xét tuyển sang các trường ngoài quân đội.

Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh, để tránh những sai sót có thể xảy ra, việc sơ tuyển và đăng ký dự thi ở các đơn vị, địa phương đều được yêu cầu tổ chức chặt chẽ. Ban tuyển sinh quân sự quy định năm 2013 sẽ quy trách nhiệm với người đứng đầu ban tuyển sinh quân sự huyện (quận, thị xã), đơn vị và cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh nếu làm thủ tục đăng ký dự thi cho thí sinh không đủ tiêu chuẩn, hoặc để cho gia đình thí sinh và thí sinh lợi dụng làm sai lệch hồ sơ nhằm mục đích cho người vào thi hộ, thi kèm hoặc các hiện tượng tiêu cực khác xuất phát từ việc làm sai lệch hồ sơ dự thi.

Theo đó, ban tuyển sinh cấp huyện, đơn vị được khuyến khích tổ chức chụp ảnh tập trung tại nơi tiếp nhận hồ sơ. Những nơi không chụp ảnh tập trung sẽ chỉ nhận hồ sơ khi thí sinh trực tiếp mang đến nộp, làm căn cứ cho việc đối chiếu ảnh và người thật. Ảnh đã qua xử lý photoshop hay các phần mềm khác đều không được chấp nhận. Ban tuyển sinh quân sự cũng quy định tiêu chuẩn đạo đức: thí sinh đủ điều kiện dự thi vào các trường quân đội khi không có hình xăm da (bằng kim) mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực, gây phản cảm trên cơ thể.

Năm 2013, ngay khi nhập học các trường sẽ phải tổ chức kiểm tra lại sức khỏe. Nếu kết quả đối chiếu kiểm tra sức khỏe tại nhà trường có khác biệt so với sơ tuyển, chứng thực thí sinh không đủ tiêu chuẩn sức khỏe, nhà trường sẽ có thông báo loại thí sinh vào hệ quân sự trước ngày 10-9. Các trường cũng được yêu cầu phải kiểm tra, đối chiếu chữ viết của thí sinh khi nhập học với chữ viết trong bài thi phải trùng khớp là một người để hoàn tất thủ tục vào học.

 

50 chỉ tiêu cử tuyển cho chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ tại Trường Sa

 

Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh, Bộ Quốc phòng luôn dành những ưu tiên đặc biệt trong tuyển sinh theo chế độ cử tuyển, xét tuyển đối với hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa và các đảo được hưởng chính sách như đảo Trường Sa. Theo ban tuyển sinh quân sự, năm 2012 chỉ tiêu cử tuyển với đối tượng này là 25 người, nhưng năm 2013 Bộ Quốc phòng đã tăng số lượng ưu tiên lên 50 người.

Ông Vũ Xuân Tiến - thư ký tuyển sinh quân đội - cho biết các hạ sĩ quan, binh sĩ được xét cử tuyển theo diện này sẽ phải học dự bị một năm, sau đó xét tuyển vào các trường từ trung cấp đến CĐ, ĐH tùy năng lực, trình độ của cá nhân.

 

Thông tin tuyển sinh mới nhất của các trường quân đội 2013

 

Quyền lợi của thí sinh trong các trường quân đội - an ninh

 

Những thí sinh trúng tuyển vào đào tạo sĩ quan được quân đội bảo đảm về ăn, ở, mặc, phụ cấp hàng tháng, không phải đóng học phí, được bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng học tập.

Trong các trường quân đội, ngoài học tập, học viên được rèn luyện toàn diện cả phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, nếp sống, sinh hoạt chính trị theo điều lệnh quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao khi ra trường. Học viên phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ của quân đội và quy định của nhà trường.

Sau từng năm học, những học viên được xếp loại xuất sắc, loại giỏi được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Học viên được hưởng chế độ nghỉ hè, nghỉ Tết theo quy định.

Học viên tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp bằng đại học thuộc hệ thống văn bằng quốc gia (mẫu văn bằng do Bộ GD và ĐT phát hành) và được Bộ Quốc phòng phong quân hàm sĩ quan cấp thiếu úy.

Đối với những học viên tốt nghiệp loại khá trở lên và có đủ các tiêu chuẩn khác theo quy định của Bộ Quốc phòng về rèn luyện, phẩm chất, năng lực… được phong quân hàm cấp trung úy. Việc phong quân hàm căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của học viên trong cả quá trình đào tạo và kết quả thi tốt nghiệp ra trường.

Tất cả học viên sĩ quan đều phải nghiêm chỉnh chấp hành việc phân công sau khi tốt nghiệp. Bộ Quốc phòng phân công công tác căn cứ vào mục tiêu đào tạo và nhu cầu của từng đơn vị. Những học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi được ưu tiên xét tuyển nguyện vọng khi phân công công tác.

Kenhtuyensinh

Theo: Biettuot