1/ Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam được thành lập như thế nào? 
Ý tưởng thành lập trường: Nhà giáo ưu tú tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Nguyễn Phú Cường cùng hai nhà đầu tư muốn thực hiện "Sứ mạng của giáo dục thời kỳ hội nhập không còn là xóa mù hay phổ cập mà là cung cấp nền giáo dục có chất lượng cao" đồng thời muốn nhà trường cung cấp một chương trình học kết hợp hài hoà giữa các yếu tố lý thuyết, thẩm mỹ, sáng tạo và vận động để biến việc học thành những kinh nghiệm thú vị và bổ ích, khắc phục một số khiếm khuyết của giáo dục hiện tại nên tiến hành thành lập một mô hình giáo dục tiên tiến, với Slogan của trường làVới bạn - chúng tôi tận tâm. Với tri thức - chúng tôi trân trọng.

Về tên gọi trường quốc tế: Các nhà đầu tư muốn:

    + Học sinh ngoài việc học chương trình của Bộ Giáo dục Việt Nam còn có thêm nội dung có yếu tố nước ngoài như học tiếng Anh và các môn tự nhiên bằng tiếng Anh (theo chương trình quốc tế Singapore, hoặc theo chương trình thi O level, A level đều lấy bằng của Cambridge). Học sinh THPT (khi xin được phép) có thể học theo chương trình của Australia có học thêm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý VN.

    + Học sinh rèn luyện theo mô hình của các trường quốc tế, học các nội dung thiết thực với việc tham gia các câu lạc bộ và những hoạt động ngoài giờ, học sinh ăn nghỉ trưa giống như các trường nước ngoài (thời gian nghỉ ít, có đọc sách, vào mạng điện tử…)

    + Có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế: có khu học tập riêng biệt cho từng cấp học với số học sinh trên mỗi lớp không quá 25 em; có khu khoa học công nghệ và thư viện; có khu giáo dục thể chất với đầy đủ trang thiết bị thể thao trong nhà và ngoài trời (các loại sân bóng và bể bơi), có khu giáo dục thẩm mĩ và âm nhạc, có khu nội trú cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh…

     + Có học sinh và giáo viên người nước ngoài.

Các Quyết định pháp lí

     +  Quyết định thành lập trường của UBNDHT số 1030/QĐ-UBND ngày 23/4/2008.

     + Quyết định công nhận hiệu trưởng của sở GD&ĐTHT số 510/QĐ-TCCB ngày 05/5/2008.

     +  Quyết định công nhận HĐQT của UBNDHT số 642/QĐ-UBND ngày 09/7/2008.

2/ Logo  của trường có ý nghĩa gì?

Hình ( ) biểu thị quả địa cầu, nói lên tính chất quốc tế của trường. Chữ VIS là tên viết tắt của trường: Viet Nam Internatinal School, chữ VIS cứng cáp-khỏe phản ánh sự phát triển vững chắc, vươn tới tầm châu lục trong giáo dục và đào tạo, chữ V được cách điệu nhằm nhấn mạnh và tôn vinh tính Việt Nam trong trường.

Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam - Ảnh 1


3/ Địa điểm của trường đặt ở đâu và cơ sở vật chất của trường như thế nào?

Địa điểm số 1  Số 170 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: (04) 37920666. Fax: (04) 37920668. Webs www.vis.edu.vn  Email:[email protected]          

Tại địa điểm này, diện tích 1.500m2 đủ để làm một trường với qui mô nhỏ 15 lớp học với 360 học sinh (24hs/lớp). Khu học tập là toà nhà xây kiên cố, 3 tầng, mỗi tầng 5 phòng học, mỗi phòng 45 m2, có đủ máy điều hòa nhiệt độ, quạt, đèn, đủ ánh sáng. Khu hội trường 100 chỗ ngồi có lắp máy điều hòa nhiệt độ. Phòng thí nghiệm Hóa-Sinh-Lý-Công nghệ rộng 80m2. Phòng máy tính được trang bị 25 máy cấu hình cao kết nối Internet băng thông rộng với máy điều hòa nhiệt độ và quạt thông gió. Phòng hiệu trưởng rộng 20m2 với đầy đủ trang thiết bị. Phòng y tế 10m2. Khu thư viện xây kiên cố 02 tầng mỗi tầng 30m2, sẽ làm thư viện thông thường và thư viện điện tử, đủ cung cấp sách báo cho học sinh mượn đọc hay truy cập mạng trong giờ nghỉ trưa, tại khu này có văn phòng Đoàn – Đội. Khu làm việc của các phòng chức năng ngay sát đường Phạm Văn Đồng, đều lắp máy điều hòa nhiệt độ, gồm phòng tiếp khách, văn phòng, phòng thu ngân. Phòng hiệu phó và các trợ lý 40m2, đủ bàn làm việc và hệ thống máy tính. Phòng hâm nóng và chia thức ăn để học sinh ăn trưa. Có 02 sân chơi của học sinh và 1 nhà tập TDTT. Ngoài ra, trường còn mượn khu TDTT của Bộ Ngoại giao nằm trên đường Trần Quốc Hoàn để hàng ngày ô tô đưa học sinh sang hoạt động trong khoảng từ 15h00 đến 16h00.

Địa điểm chính thức: Khu đô thị Dương Nội, xã Dương Nội, Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Trường đã được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) cấp giấy chứng nhận đầu tư số 03121000305 ngày 08/7/2008 và quyết định số 2616/QĐ-UBND ngày 21/7/2008 về việc thu hồi 35.809,2m2 tại Dương Nội, Hà Đông giao cho trường thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường phổ thông quốc tế Việt nam.

            Hiện nay trường đang làm tiếp thủ tục đền bù đất, tiến hành xây tường bao và làm thủ tục xây dựng. Dự kiến khoảng 03-04 năm sẽ có ngôi trường mới khang trang đạt chuẩn quốc tế. Có 03 khu vực học tập dành cho TH, THCS, THPT; có khu khoa học công nghệ và thư viện; có khu giáo dục thể chất với đầy đủ các môn thể thao trong nhà và ngoài trời (các loại sân bóng và bể bơi), có khu giáo dục thẩm mĩ và âm nhạc, có khu nội trú cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh…

4/ Ban lãnh đạo của trường gồm những ai và năng lực thế nào?

- Chủ tịch Hội đồng quản trị và hiệu trưởng của trường là NGƯT Nguyễn Phú Cường, nguyên hiệu trưởng trường Phổ thông chuyên Ngoại Ngữ - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Lômônôxốp.

   Thầy là giáo viên Toán có kinh nghiệm, là nhà quản lý được nhiều phần thưởng của Nhà nước.

- Hội đồng quản trị của trường gồm 03 thành viên, là các nhà đầu tư tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, trong đó có người đã đầu tư thành công vào các trường mầm non và tiểu học, có người được đào tạo nghiêm chỉnh tại Úc, Anh và hiện nay đang điều hành một công ty trong lĩnh vực chứng khoán tài chính.

- Phó hiệu trưởng và các trợ lí của trường là các thầy dạy giỏi, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, có kinh nghiệm quản lí và đều tốt nghiệp Đại học trong nước và nước ngoài, đang độ tuổi sung sức.

5/ Giáo viên của trường được tuyển chọn như thế nào và họ có quyền lợi gì?

5.1. Đội ngũ giáo viên của trường

- Các giáo viên giảng dạy tại trường là những thầy cô rất yêu nghề, mến trẻ, có trình độ chuyên môn cao, là tổ trưởng bộ môn, giáo viên giỏi từ trường Phổ thông chuyên Ngoại Ngữ -Đại học Ngoại Ngữ, khoa Ngôn ngữ và văn hoá Anh-Đại học Ngoại Ngữ , trường THPT Lômônôxôp và nhiều trường khác… hàng năm được bổ sung từ  nguồn đào tạo tại nước ngoài, từ các lớp cử nhân tài năng tại các trường Đại học Sư Phạm trong nước.

- Những giáo viên người nước ngoài được đào tạo nghiêm chỉnh, đủ bằng cấp và kinh nghiệm dạy tiếng Anh, các môn toán và môn khoa học bằng tiếng Anh. Họ là những người Anh, Úc, Hoa Kì…dạy tiếng Anh, người Singapore, Philipine…dạy Toán và các môn Khoa học bằng tiếng Anh.

5.2. Quyền lợi của giáo viên

- Các giáo viên được hưởng đầy đủ các quyền lợi ghi trong luật Giáo dục của Quốc hội và Điều lệ trường phổ thông của Bộ GD&ĐT.

- Các giáo viên được tôn trọng và phát huy tất cả các ý tưởng sáng tạo, năng lực nghề nghiệp của mình, được tạo điều kiện để tu nghiệp tại nước ngoài.

- Các giáo viên có thể được bố trí thuê nhà ở tại trường khi vào địa điểm chính tại Dương Nội, Hà Đông.

- Các giáo viên của trường dạy bằng tiếng Việt có mức lương cao đủ để chuyên tâm giảng dạy  và gắn bó, quan tâm chăm sóc học sinh.

 - Các giáo viên nước ngoài được hưởng thù lao theo thỏa thuận từ 15USD/tiết tới 30USD/tiết.

6/ Giáo viên khi nào bị chấm dứt hợp đồng?

Các giáo viên khi công tác tại trường đều có hợp đồng lao động.

6.1. Nếu vi phạm những điều cấm của: Luật GD, thông tư của Chính phủ và Điều lệ trường Trung học của Bộ GD&ĐT sẽ phải buộc thôi dạy. Những điều cấm đó là:

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh, đồng nghiệp, hay của người khác.

2. Gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

3. Xuyên tạc nội dung giáo dục.
4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

5. Hút thuốc; uống rượu, bia khi đang tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường.

6.2. Nếu vi phạm hợp đồng, sau khi nhắc nhở và gặp gỡ trao đổi tới 03 lần, GV sẽ dừng dạy.

Điều này nói lên mong muốn của trường là các thày cô giảng dạy tại trường thực sự là các nhà sư phạm, yêu nghề, mến trẻ, gắn bó xây dựng nhà trường.

7/ Học sinh của trường được tuyển chọn như thế nào và họ có quyền lợi gì?

7.1. Học sinh của trường

- Học sinh của trường gồm các học sinh Việt Nam và học sinh là người nước ngoài trong độ tuổi qui định của Điều lệ trường Trung học của Bộ GD&ĐT.

- Các học sinh của trường là những học sinh khá giỏi, có hạnh kiểm tốt, được tuyển chọn qua các kì thi tuyển môn Toán, Ngữ Văn và tiếng Anh.

7.2. Quyền lợi của học sinh

- Học sinh được hưởng đầy đủ các quyền lợi ghi trong luật Giáo dục của Quốc hội và Điều lệ trường phổ thông của Bộ GD&ĐT.

- Học sinh có 10 điều được hưởng gồm:

  • Được học các thày cô dạy giỏi, tận tâm và có kinh nghiệm.
  • Được cung cấp kiến thức toàn diện.
  • Được đảm bảo các kết quả học tập sau khi đạt yêu cầu của chương trình.
  • Được học tập kỹ năng sống phong phú.
  • Được sống trong môi trường hội nhập tốt.
  • Được khám phá và phát triển khả năng lãnh đạo.
  • Được tham gia hoạt động ngoại khóa đa dạng.
  • Được được chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý.
  • Được giao lưu quốc tế rộng mở.
  • Được tư vấn để “săn” các học bổng nước ngoài.

8/ Việc tổ chức dạy, học, sinh hoạt ngoài giờ và ăn nghỉ của trường như thế nào?

8.1. Học sinh học tập từ 8h đến 15h hàng ngày, nghỉ thứ Bảy và Chủ Nhật.

       Tổng số tiết học trong tháng: 160 tiết, mỗi tiết 45 phút, được dạy tăng cường các môn tiếng Anh, Ngữ Văn và Toán học. Chia hai loại hình: lớp chất lượng cao và lớp chất lượng cao chuẩn bị du học.

8.2. Học sinh được tổ chức ăn trưa tại trường với cách ăn tự chọn có tổ chức, xuất ăn đảm bảo dinh dưỡng cao.

8.3. Trong thời gian học ở 170 đường Phạm Văn Đồng, hết giờ học văn hoá học sinh tham gia từ 15h đến 16h:

- Ngoại khóa bắt buộc 03 buổi /tuần: Bơi lội (mùa hè), khiêu vũ (các mùa khác)

- Ngoại khóa tự chọn 02 buổi /tuần: tham gia các câu lạc bộ (CLB) TDTT tại khu thể chất của Bộ Ngoại giao tại đường Trần Quốc Hoàn (có ô tô đưa đón), CLB quản lí trang Web, CLB người dẫn chương trình và tổ chức sự kiện, CLB thiết kế thời trang, CLB làm phim-chụp ảnh-vidio clip, CLB ghi-ta, CLB bóng đá, CLB bóng rổ, CLB bóng bàn…

- Bồi dưỡng tiếng Anh để thi lấy bằng IELTS chuẩn bị cho chương trình lớp 10 đến lớp 12 của Tây Úc (được cấp bằng của Bộ giáo dục Tây Úc khi kết thúc lớp 12) cũng như nhu cầu đi du học nước ngoài.

8.4. Hàng tháng học sinh được tổ chức giao lưu với các trường bạn, nhất là các trường quốc tế, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

8.5. Nhà trường tổ chức ô tô đưa đón tận nhà (xe Ford Transit – 16 chỗ ngồi), do Công ty Neway (thuộc Tổng công ty vận tải HN) đảm nhận. Những học sinh không có nguyện vọng có thể đi xe bus công cộng hay gia đình tự tổ chức đưa đón.

8.6. Tuyển ít học sinh và ít lớp, tổ chức chăm sóc tốt, giảng dạy hiệu quả. Lứa học sinh đầu tiên được ưu tiên tài chính cho cả khóa học.

9/ Những đóng góp kinh phí của cha mẹ học sinh cho lứa đầu tiên của trường (tuyển vào học kỳ 2 năm học 2008-2009) gồm những khoản nào và là bao nhiêu?

9.1 Học phí:

- Lớp chất lượng ca 2.200.000VND/tháng.

- Lớp chất lượng cao chuẩn bị du học ( HS được học thêm tiếng Anh, môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh do người nước ngoài dạy) 4.200.000VND/tháng.

9.2. Các khoản khác:

- Kinh phí hỗ trợ đầu tư phát triển trường (mua sắm trang thiết bị; bảo hành, bảo quản, sửa chữa cơ sở vật chất; phát triển công nghệ thông tin, thư viện…) 500.000 VND (cho HK2, 2008-2009 )

- Tiền ăn trưa dinh dưỡng cao, theo phương tức tự chọn, có tổ chức nghỉ ngơi dưới dạng đọc sách, vào mạng điện tử: 1.000.000 VND/tháng

- Kinh phí ô tô đưa đón tận nhà do Neway (thuộc tổng công ty vận tài HN) đảm nhiệm bằng xe Ford Transit-16 chỗ ngồi:  1.000.000 đ/tháng.

- Phí giữ chỗ 1.000.000VND. Phí này sẽ được chuyển tiếp cho các năm học tiếp theo (nếu học sinh không bị buộc thôi học) và được trừ vào học phí năm học cuối cấp. Hết năm học nếu HS chuyển trường sẽ được hoàn trả 100%.

9.3. Tổng hợp đóng góp 01 tháng

Hàng tháng, học sinh phải đóng (không kể phí hỗ trợ đầu tư và phí giữ chỗ):

- Lớp chất lượng ca 3,2 triệu đồng nếu không đi ô tô; 4,2 triệu đồng nếu có đi ôtô.

- Lớp chất lượng cao chuẩn bị du học: 5,2 triệu đồng nếu không đi ô tô; 6,2 triệu đồng nếu có đi ô tô.

10/ Những học sinh như thế nào sẽ bị đình chỉ học tập?

Khi nhập trường, cha mẹ học sinh và học sinh và phải ký những cam kết nhằm thực hiện luật giáo dục, giúp học sinh tu dưỡng rèn luyện để trở thành học sinh giỏi.

10.1. Nếu vi phạm những điều cấm của: Luật GD, thông tư của Chính phủ và Điều lệ trường Trung học của Bộ GD&ĐT sẽ phải buộc thôi học. Những điều cấm đó là:

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác;

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh;

3. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng;

4. Đua xe hay cổ vũ đua xe trái phép. Đi xe máy tới trường khi chưa đủ các điều kiện của luật

5. Hút thuốc, uống rượu, bia trong giờ học, khi đang tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.

6. Đánh bạc; vận chuyển, mang đến trường, tàng trữ, sử dụng ma tuý, hung khí, vũ khí, chất nổ, chất độc; lưu hành, sử dụng văn hoá phẩm độc hại, đồi truỵ; tham gia tệ nạn xã hội.

10.2. Nếu vi phạm các lỗi khác có hệ thống, sau khi giáo dục, nhắc nhở và gặp CMHS tới 03 lần, học sinh sẽ bị đình chỉ học tập.

            Điều này nói lên mong muốn của trường là với những học sinh luôn chịu khó, phấn đấu học tập, chịu tiếp thu GD của trường sẽ được ở lại trường và sẽ trưởng thành tốt, môi trường học tập và rèn luyện của học sinh sẽ lành mạnh. Để đi du học HS cần tự giác, sống độc lập và rèn luyện tốt, tập trung học ngoại ngữ mới du học có kết quả.

 
 
(kenhtuyensinh)