Sự kiện: Thông tin tuyển sinh

Năm nay, nhiều trường cao đẳng (CĐ) bội thu hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT). Theo đó, bên cạnh nhóm ngành kinh tế vẫn hút, khối ngành kỹ thuật cũng được nhiều thí sinh lựa chọn.

Kỹ thuật “nóng” trở lại

Bà Trần Ái Cầm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành, cho biết trường nhận được 14.780 hồ sơ ĐKDT, tăng gần 1.000 bộ so với năm 2010. Thí sinh vẫn tập trung ĐKDT vào khối ngành kinh tế (như tài chính ngân hàng nhận được 3.034 bộ, quản trị kinh doanh 2.300 bộ).

Trường cao đẳng có lợi thế - Ảnh 1


Bên cạnh đó, ngành điều dưỡng cũng hút thí sinh khi nhận được 1.400 hồ sơ ĐKDT. Ngoài ra, năm nay khối ngành kỹ thuật cũng được thí sinh quan tâm như công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thuật điện, đều nhận được từ 700 – 1.000 hồ sơ/ngành.

Ông Bùi Mạnh Tuân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Công Thương TPHCM, cho biết trường này nhận được 23.336 hồ sơ ĐKDT, tăng 45% (năm ngoái nhận được 16.546 bộ). Trong đó, khối ngành kinh tế vẫn chiếm đa số, tuy nhiên khối ngành kỹ thuật số lượng hồ sơ cũng tăng hơn so với mọi năm. Ông Trần Tấn Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng cho biết trường nhận được 16.300 hồ sơ, tăng 3.000 hồ sơ so với năm 2010. Trường CĐ Bách Việt nhận được 8.000 hồ sơ, tăng 3.000 hồ sơ…Ngoại lệ của năm nay rơi vào Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM khi chỉ nhận được 17.763 hồ sơ ĐKDT, giảm hơn 12.000 bộ so với năm 2010. Theo ông Nguyễn Hồng Hà, phó trưởng phòng đào tạo của trường, thí sinh vẫn có xu hướng chọn ngành kinh tế nhưng đối với những trường năm ngoái điểm chuẩn cao như Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM thì thí sinh đã biết lượng sức để tránh rủi ro. Theo ông Hà, số lượng hồ sơ ĐKDT giảm nhưng sẽ không ảnh hưởng đến đầu vào của trường và nhiều khả năng hồ sơ ảo sẽ giảm so với mọi năm.

“Hút” vì đầu ra tốt

Theo ông Tuân, thí sinh có xu hướng chọn trường CĐ để ĐKDT cho thấy thí sinh đã có sự lựa chọn kỹ hơn, dựa vào khả năng của mình để chọn hướng đi cho tương lai chứ không nhất thiết cứ phải vào ĐH như trước đây. Bên cạnh đó, việc các trường CĐ có đào tạo liên thông lên ĐH cũng là một thuận lợi trong việc thu hút thí sinh. Cũng theo ông Tuân, việc các trường CĐ mở rộng địa bàn tư vấn tuyển sinh tới nhiều tỉnh, thành cũng có tác động đáng kể đến nhận thức của thí sinh và phụ huynh.

Theo bà Cầm, dù mới tốt nghiệp tháng 4-2011 nhưng 55% sinh viên Trường CĐ Nguyễn Tất Thành đã có việc làm ngay với mức lương 2 triệu đồng/tháng trở lên. Trong đó, nhiều ngành kỹ thuật 100% có việc làm ngay như công nghệ kỹ thuật điện, công nghệ may… Ông Tuân cũng thông tin rằng 80% sinh viên khối kinh tế tốt nghiệp Trường CĐ Công Thương TPHCM có việc làm ngay, riêng khối kỹ thuật 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Theo đại diện các trường, đầu ra tốt chính là yếu tố quan trọng để thí sinh chọn ĐKDT vào các trường CĐ.

Dù số lượng hồ sơ tăng cho thấy thí sinh đã quan tâm đến các trường CĐ nhưng đại diện các trường CĐ có số hồ sơ ĐKDT tăng ngoài dự kiến lại đang đứng trước nỗi lo về công tác tổ chức thi. Theo ông Bùi Mạnh Tuân, trường sẽ khó khăn hơn trong việc tìm địa điểm thi cũng như quy trình tổ chức thi sẽ phát sinh nhiều việc. Hiện nay, trường đang liên hệ để thuê các địa điểm thi trong khi mặt bằng giá phòng thi đã tăng khoảng 30% so với năm trước.

Vẫn lo thí sinh ảo

Dù số lượng hồ sơ ĐKDT tại nhiều trường CĐ tăng nhưng đại diện các trường vẫn cho rằng khó giảm hiện tượng thí sinh ảo. Theo đại diện các trường, thí sinh có 3 nguyện vọng, tuy nhiên nếu đậu cả ĐH và CĐ thì chắc chắn thí sinh sẽ chọn ĐH. Năm 2010, tỉ lệ thí sinh dự thi tại nhiều trường CĐ đạt 70%-80% nhưng tỉ lệ thí sinh nhập học chỉ đạt 50%-60%.

Đăng ký nhận thêm thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.