Một số khóa học qua mạng đại trà miễn phí trên Coursera đang được Hội đồng Giáo dục Mỹ giới thiệu với các trường ĐH để cấp tín chỉ.

Cấp tín chỉ qua mạng “Bước đầu tiên”

Hội đồng Giáo dục Mỹ (ACE) hồi đầu tháng 2 thông báo cơ quan này đang giới thiệu cấp tín chỉ (credit) cho 5 khóa học qua mạng đại trà (MOOC) của công ty giáo dục Mỹ Coursera, theo AP.

ACE có thẩm quyền giới thiệu các khóa học phi truyền thống, trong đó có những khóa đào tạo qua mạng, cho khoảng 2.000 trường cao đẳng và đại học ở Mỹ xem xét cấp tín chỉ. Các trường sẽ xem xét đề nghị của ACE để quyết định có cấp tín chỉ cho khóa học thuộc các dạng nói trên hay không. Nếu được cấp tín chỉ, học viên có thể dùng nó để theo học một chương trình cấp bằng ở các trường ĐH khác.

Việc xác minh học viên tham dự MOOC để cấp tín chỉ vẫn còn gặp nhiều trở ngại
Việc xác minh học viên tham dự MOOC để cấp tín chỉ vẫn còn gặp nhiều trở ngại
- Ảnh: NDLA.NO

Coursera nói rõ trên trang mạng của mình: “Bạn có thể tìm được sự đề nghị công nhận tín chỉ từ ACE bằng cách đăng ký học một khóa học theo Signature Track (chương trình cấp chứng nhận hoàn tất khóa học có xác minh và tính phí) và đến cuối khóa làm một bài thi tín chỉ qua mạng được giám sát. Chúng tôi đang làm việc với một nhà cung cấp dịch vụ bên thứ 3, ProctorU, về việc giám sát thi tín chỉ qua mạng để sinh viên bất kỳ nơi nào trên thế giới có thể làm các bài thi qua webcam”.

Năm MOOC được giới thiệu cấp tín chỉ đầu tiên trên Coursera cũng là các khóa đầu tiên nằm trong chương trình cấp chứng nhận hoàn tất khóa học có xác minh và tính phí của Coursera. Thật ra, hiện hơn 220 MOOC do 33 ĐH hàng đầu cung cấp qua Coursera đều miễn phí. Tuy nhiên, những sinh viên nào muốn lấy tín chỉ cho các MOOC từ Coursera phải đóng từ 100 đến 190 USD cho phí xác minh danh tính, làm bài thi qua webcam có giám sát và nhận bản sao đề nghị cấp tín chỉ từ ACE.

Nhà đồng sáng lập Coursera Andrew Ng chia sẻ với AP: “Có nhiều người đang làm việc mà không có bằng ĐH. Tôi hy vọng sự tiện lợi của khóa học qua mạng có thể là bước đầu tiên cho những người này trở lại trường để kiếm bằng ĐH”. Chủ tịch ACE Molly Corbett Broad, khẳng định quyết định nói trên “là bước quan trọng đầu tiên trong việc ACE xem xét tiềm năng lâu dài của MOOC và liệu cách tiếp cận đầy sáng tạo này có thể thu hút sinh viên trên toàn quốc (Mỹ) và thế giới hay không”.

 

Một số trở ngại


Tuy có được sự giới thiệu của ACE,  Trưởng khoa Học từ xa Gary W.Matkin thuộc ĐH California (UC), thành phố Irvine cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua trước khi trường cấp tín chỉ cho một khóa học về toán mà trường này đang cung cấp trên Coursera.

“Chúng tôi phải bảo đảm rằng ban học thuật của chúng tôi nhất trí về điều kiện xác định danh tính… và chúng tôi phải kiểm soát môi trường học một cách hợp lý để đảm báo nó đáp ứng tín chỉ UC”, báo Silicon Valley Business Journal dẫn lời ông Martin nói rõ. Còn Hiệu trưởng Peter Lange của ĐH Duke khẳng định Duke sẽ không cấp tín chỉ cho những học viên theo học 2 chương trình MOOC của trường trên Coursera mà đã được ACE giới thiệu cấp tín chỉ. “Chúng không được dạy theo cách mà chúng tôi dạy các khóa ở Duke”, báo Wall Street Journal dẫn lời Giáo sư Lange cho hay.

Còn Phó chủ tịch Alex Hwu phụ trách đào tạo qua mạng ở ĐH Humboldt dẫn lời một số nghiên cứu cho hay MOOC có tỷ lệ học viên tiếp tục theo lớp rất thấp. Ông Hwu chỉ ra: “Vài khóa học có tới 17.000 học viên. Tuy nhiên, tôi nghĩ tới 90% trong số này không hoàn thành khóa học”. Một vấn đề khác, theo ông Hwu, là việc bảo đảm học viên nhận tín chỉ khi tham gia khóa học, vì bất kỳ ai cũng có thể lên mạng, nên việc xác minh học viên không phải là chuyện dễ. “MOOC là một nguồn rất tốt cho học viên… Tuy nhiên, để hướng chúng tới việc hoàn tất một văn bằng, có nhiều thứ phải suy nghĩ”, ông Hwu nhận định.