Cần quy hoạch nhân lực ngành sư phạm

Đó là vấn đề được mổ xẻ và xới lên ở TPHCM mới đây. Để giải bài toán thừa - thiếu giáo viên hiện tại và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành giáo dục trong tương lai, rất cần cái bắt tay giữa địa phương và các trường CĐ, ĐH đào tạo ngành sư phạm.

Thực hành quá ít, làm sao giỏi nghề?

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, sau khi đã tuyển dụng thêm nhiều nhân sự cho ngành, năm học 2012 - 2013 toàn TP vẫn thiếu trên 1.000 giáo viên tiểu học và THCS, 1.258 giáo viên mầm non. Ngược lại, giáo viên THPT lại thừa đến gần 1.500 người vì số lượng ứng viên dự tuyển vào ngạch giáo viên THPT gần 2.000 người nhưng chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có 525 người.

Trăn trở với thực trạng thiếu giáo viên mầm non thường xuyên, bà Trương Thị Việt Liên, Phó trưởng phòng Mầm non của Sở GD-ĐT TPHCM, nói: “Ngay cả số giáo sinh tốt nghiệp trường sư phạm được tuyển dụng vào làm việc ở trường mầm non cũng không muốn gắn bó lâu dài với nghề”. Ngoài thiếu lửa đam mê nghề, yêu trẻ hoặc cùng đường - miễn cưỡng chọn ngành sư phạm mầm non thì chuyện phải kiêm nhiệm cả công việc của bảo mẫu như dọn dẹp phòng ốc, rửa đồ chơi… đã khiến nhiều cô giáo trẻ sớm quay lưng với nghề.


TPHCM vẫn thiếu nhiều giáo viên mầm non

TPHCM vẫn thiếu nhiều giáo viên mầm non

Hình minh họa, nguồn Internet

Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng phải tạo môi trường cho sinh viên ngành sư phạm kiến tập, thực tập thật nhiều để họ “định vị” lòng yêu nghề của mình. Không chỉ than phiền về lòng yêu nghề của giáo viên trẻ ngày một mờ nhạt, nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở TP thẳng thắn nhận định: “Chất lượng đào tạo ngành sư phạm của các trường CĐ, ĐH hiện nay chưa đạt yêu cầu, trong đó nhiều giáo viên mới ra nghề thiếu kỹ năng sư phạm lẫn kỹ năng mềm, phương pháp giảng dạy còn hạn chế… Vì sao giáo viên từ bậc mầm non đến sư phạm kỹ thuật mới ra trường lại yếu kém đến khó tin?

Lý giải điều này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng mấu chốt của vấn đề bị kêu hoài, than mãi về chất lượng đào tạo nằm ở chỗ sinh viên ngành sư phạm có quá ít thời gian thực hành. Với thời lượng thực hành chỉ gói gọn trong 6 - 8 tuần thì làm sao giáo sinh ra trường biết hành nghề giáo thành thục như các trường mong muốn? Chính vì thế, không có cơ chế phối hợp thực tập cho sinh viên sư phạm và không tạo điều kiện cho họ làm quen với nghề từ năm thứ nhất thì chuyện kêu ca giáo sinh ra trường kém còn dài dài. Tiếp thu những ý kiến đóng góp này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cam kết sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Trường ĐH sư phạm đến các trường phổ thông của TP thực tập, kiến tập.

Với cái nhìn bài bản hơn, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TP, bức xúc đặt vấn đề: “TP rất cần đầu tư xây dựng một trường thực nghiệm sư phạm nhằm phục vụ công tác đổi mới giáo dục, triển khai các mô hình, ý tưởng mới về phát triển giáo dục; bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên…”.

Cung cầu chưa gắn kết

Do một thời gian dài đào tạo ngành sư phạm mang tính đại trà, thiếu quy hoạch gắn kết với nhu cầu phát triển của từng địa phương cũng như cả nước, nên nguồn cung giáo viên luôn dư thừa và ngược lại cũng có nhiều ngành học không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Thế nhưng, “cung - cầu lệch pha bao nhiêu, các trường CĐ, ĐH có đào tạo ngành sư phạm không thể hình dung nổi” - một hiệu trưởng nhận xét. Do dự báo một đằng, đào tạo một nẻo nên có những ngành nghề được đào tạo bài bản nhưng ít được sử dụng. Cụ thể giáo viên tư vấn tâm lý học đường rất cần cho các trường phổ thông nhưng sinh viên ra trường khó tìm được việc làm hoặc phải làm công việc trái chuyên môn. Chính vì thế, công tác dự báo, tuyển dụng và đào tạo nhân lực ngành sư phạm rất cần kết nối với nhau nhằm tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

Điều các trường muốn biết rõ là địa phương nào cần tuyển số lượng bao nhiêu, ngành học gì và tiêu chuẩn tuyển dụng ra sao để đào tạo theo đúng nhu cầu. Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, mặc dù địa phương nào, bộ ngành nào cũng có quy hoạch về nhân lực, nhưng riêng ngành giáo dục cần nguồn nhân lực đặc biệt – đào tạo con người thì chưa hề có quy hoạch. Trong thời gian tới, dân số của TPHCM sẽ tăng nhanh và nhu cầu tuyển giáo viên ở TPHCM cũng tăng theo ở các bậc học.

Để đáp ứng nhu cầu này, ngành giáo dục TP đã chủ động lên kế hoạch đặt hàng các trường CĐ, ĐH có đào tạo ngành sư phạm trên địa bàn. PGS-TS Nguyễn Xuân Tế, Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, cho rằng vị thế đầu tàu của TPHCM rất quan trọng và để nâng tầm phát triển thì phải coi trọng nguồn vốn nhân lực. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có đội ngũ thầy cô giỏi, có năng lực đào tạo chuẩn.

TPHCM vẫn thiếu nhiều giáo viên mầm non

Đồng quan điểm này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, nhấn mạnh rằng muốn có đội ngũ người thầy giỏi nghề thì phải coi trọng chuẩn đầu ra. Và để sinh viên ngành sư phạm đáp ứng chuẩn đầu ra thì phải khởi động cho họ làm quen phương pháp học mới, đào tạo mới năng động, thích ứng với việc thay đổi chương trình, nội dung giảng dạy theo hướng tiên tiến. Có như thế giáo viên mới có thể tác động giúp học trò bớt thụ động, năng động, sáng tạo trong học tập.

Trước yêu cầu cần phải quy hoạch nguồn nhân lực ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, ông Lê Ngọc Điệp kiến nghị cần có công trình nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá đúng về thực trạng đào tạo và sử dụng giáo viên hiện nay. Để những “cỗ máy cái” - sư phạm cho ra lò những sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với mong muốn của xã hội, các trường CĐ-ĐH có đào tạo ngành sư phạm phải chung sức gánh vác trọng trách đào tạo giáo viên theo chuẩn. Mới đây, tại hội nghị do Sở GD-ĐT TP tổ chức, các đại biểu đều thống nhất thành lập hội đồng các trường CĐ, ĐH khối ngành sư phạm. Theo định kỳ, hội đồng này sẽ họp với sở GD-ĐT các tỉnh, TP để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng giáo viên về số lượng, chất lượng cũng như tiêu chí đặt hàng cụ thể để đào tạo cho phù hợp.

Theo Sài Gòn Giải Phóng