Đa số giảng viên đại học, cao đẳng ngành sư phạm là sinh viên giỏi được giữ lại trường để nghiên cứu, giảng dạy nhưng chưa có một ngày dạy trực tiếp.

> Tuyên dương hơn 1.000 nhà giáo mẫu mực thủ đô năm 2020

> Kiên quyết giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém

Đây là vấn đề được thầy Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng THCS Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông”, diễn ra sáng 10/11 tại Đại học Hùng Vương (Phú Thọ).

Thầy Nguyễn Phú Chiến cho biết ý kiến trên xuất phát từ việc thầy từng có thời gian công tác và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản. Tại đây, ngay cả các tiến sĩ cũng không được giữ lại trường làm giảng viên ngay, mà cần có thời gian đi dạy thực tế tại trường học hoặc làm trong các công ty, doanh nghiệp sau đó mới quay lại giảng dạy.

Thời gian thực tập của sinh viên sư phạm quá ít

Thầy Nguyễn Phú Chiến cho rằng các trường đại học sư phạm lớn hiện nay được xem như “máy cái” đào tạo giáo viên cho cả nước nên tạo điều kiện cho giảng viên có thêm thời gian, cơ hội trải nghiệm tại trường phổ thông một cách thực thụ trước khi trở thành giảng viên để dạy chính những sinh viên sẽ trở thành giáo viên ở bậc phổ thông.

“Nhiều giảng viên đại học sư phạm hiện nay là các sinh viên giỏi được giữ lại trường để làm giảng viên, đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông, nhưng họ lại chưa có một ngày dạy trực tiếp tại các trường phổ thông, liệu có đảm bảo tính thực tiễn?", ông Chiến đặt câu hỏi.

Thầy giáo này cho rằng các trường như Đại học Sư phạm Hà Nội có các trường thực hành THCS, THPT Nguyễn Tất Thành, thầy cô làm giảng viên đại học có thể được mời thỉnh giảng tại các trường này. Tuy nhiên, họ chưa thể tham gia đầy đủ hoạt động tại trường như giáo viên cơ hữu. Do đó, ông nghĩ nên có thêm thời gian trải nghiệm ở bậc phổ thông một cách đúng nghĩa cho các giảng viên trước khi đứng lớp đào tạo bậc đại học trong các trường sư phạm.

Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng hiện nay, sinh viên sư phạm có thời gian kiến tập 2 tuần và thực tập 6 tuần, được dạy nhiều nhất cũng chỉ từ 6-8 tiết tại các trường phổ thông. Thời gian này còn quá ngắn để sinh viên sư phạm có trải nghiệm thực tế.

Từ những thực tiễn trên, theo thầy Nguyễn Phú Chiến, các trường Đại học sư phạm có trường THPT thực hành hoặc có thể liên kết với trường THPT khác để tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm được thường xuyên học từ thực tế giống như sinh viên trường Y học lâm sàng hiện nay.

Thầy Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ - ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội

Theo thầy Nguyễn Phú Chiến, sinh viên ngành Sư phạm nên được thực hành thường xuyên như sinh viên ngành Y

Sinh viên sư phạm cần được “tắm mình” trong môi trường phổ thông

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết mô hình đào tạo giáo viên hiện nay theo 2 hướng, gồm đào tạo song song giữa khoa học cơ bản và khoa học nghiệp vụ.

Mô hình 2 là tiếp nối, đào tạo khối kiến thức khoa học, tức là đào tạo cho sinh viên môn học sẽ dạy ở phổ thông, sau đó mới đào tạo nghiệp vụ để dạy các môn học này.

Thầy Đinh Quang Báo cho rằng quá trình đào tạo sư phạm hiện nay cần thay đổi về cấu trúc, tức đào tạo tích hợp lý thuyết đại cương với các kiến thức chuyên ngành, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa khoa học cơ bản với khoa học nghiệp vụ.

“Để đổi mới theo hướng đó, cần thiết kế mô hình đào tạo giáo viên trong tư thế tác nghiệp, tức họ phải tắm mình trong nhà trường phổ thông, trải nghiệm lâm sàng giống với mô hình đào tạo bác sỹ tại các trường Y. Đây là hướng đào tạo giáo viên tiên tiến để khi sinh viên ra trường có thể thực hành nghề luôn mà không bỡ ngỡ. Chúng ta cần tránh việc thử, khi thấy sai lầm rồi mới làm lại. Việc thử sai có thể áp dụng với bất cứ ngành nào, nhưng với giáo dục thì không nên thử”, GS Báo nêu ý kiến.

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội

GS Đinh Quang Báo cho rằng sinh viên phải được đào tạo trong tâm thế vừa học, vừa tác nghiệp ở trường phổ thông

Cũng theo GS Đinh Quang Báo, hiện nay, thời gian thực tập của sinh viên sư phạm quá ít. Các trường phải thiết kế chương trình đào tạo sao cho sinh viên được sớm tiếp cận trường phổ thông. Ngay khi dạy các môn khoa học cơ bản ở năm thứ nhất, giảng viên có thể liên hệ cho sinh viên hiểu những kiến thức lý thuyết này được dạy ở bậc phổ thông ra sao, từ đó sinh viên vừa được học kiến thức, vừa được tiếp cận việc giảng dạy.

“Việt Nam nổi tiếng về đào tạo bác sĩ, các trường Y đào tạo lâm sàng cho sinh viên, để các em được tiếp cận bệnh viện, bệnh nhân, xử lý tình huống thực tế. Trong sư phạm cũng vậy, giáo viên cũng cần được tắm mình trong các nhà trường phổ thông để có kinh nghiệm”, GS Báo nói.

Theo Zing News