>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, nguyện vọng 2
Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đợt 1 kỳ tuyển dụng GV năm 2013 -2014 TPHCM đã tuyển gần 1.900 GV các bậc học. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu GV hiện nay của TPHCM vẫn còn thiếu khoảng 1.200 GV nên TPHCM bắt buộc phải đẩy mạnh việc tuyển dụng ở đợt 2. Trong đó, Sở GD&ĐT đã chính thức có văn bản đề nghị UBND TP cho phép tuyển dụng GV diện KT3 dạy bậc MN, TH ở huyện ngoại thành. Vậy vì sao tình trạng thiếu GV của TPHCM vẫn cứ kéo dài trong khi không ít địa phương đang khủng hoảng thừa một lượng SV Sư phạm rất lớn.
Năm nào cũng thiếu giáo viên
Tình trạng thiếu GV của TPHCM vẫn cứ kéo dài trong khi không ít địa phương đang khủng hoảng thừa một lượng SV Sư phạm rất lớn.
Theo thống kê, tại TPHCM hiện có gần 10 trường ĐH, CĐ có đào tạo sư phạm, mỗi năm cho ra trường hàng ngàn GV. Tuy nhiên, các trường mầm non, phổ thông tại TP năm nào cũng kêu thiếu GV. Theo các nhà quản lý giáo dục, một phần do số lượng học sinh tăng, nhưng còn nguyên nhân sâu xa hơn. Trong đợt khảo sát vừa qua của UBMTTQ TPHCM về tình hình chuẩn bị năm học mới 2013 - 2014 tại một số quận, huyện cho thấy hầu hết đều đang thiếu GV, nhất là GV mầm non và tiểu học, GV các môn năng khiếu.
Cụ thể, huyện Hóc Môn vẫn đang thiếu 54 GV mầm non, tiểu học và GV các bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục thể thao bậc THCS. Tương tự, trong năm học mới này Q.11 cũng thiếu 52 GV mầm non trong khi chỉ có 17 GV đăng ký xét tuyển. Còn tại Q.4, ông Trần Minh Ngôn, Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: “Q.4 thiếu đến 108 GV, trong đó 28 GV mầm non, 52 GV tiểu học và 28 GV THCS. Trong khi đợt tuyển dụng mới đây chỉ tuyển được 6 GV mầm non, 9 GV tiểu học và 11 GV THCS. Chắc chắn quận phải tiếp tục đăng ký tuyển dụng trong đợt tới mà vẫn chưa chắc đã đủ”.
Không nằm ngoài tình trạng này, số GV cần bổ sung trong năm học mới của quận Bình Thạnh là 190 người nhưng quận chỉ mới xét tuyển được 130 GV. Tất cả các trường đều đang đợi GV để phân công nhiệm sở, chuẩn bị năm học mới sắp tới. Quận 12 cũng thiếu khá nhiều GV bậc TH, GV dạy các môn Nhạc họa, Thể dục…
Theo ông Bùi Ngọc Âu, Phó trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD&ĐT TPHCM: “Thực tế là GV THPT và THCS không thiếu lắm. Chỉ có bậc mầm non và tiểu học mới “khát” GV mà thôi”.
Ông Âu cho biết thêm, đã thiếu GV, mà còn có tình trạng đã được phân công nhưng có người không thích hoặc vì điều kiện đi lại không thuận lợi nên họ bỏ việc ngay từ đầu. Cho nên, mặc dù đợt 1 đã tuyển dụng xong nhưng chắc chắn Sở phải tuyển tiếp đợt 2, sau khi số giáo sinh của đợt 1 được phân công nhiệm sở xem thế nào.
Giáo viên đào tạo xong đi đâu?
Được biết, năm 2012, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có gần 1.800 cử nhân tốt nghiệp, trong đó đến gần 1.300 là Cử nhân sư phạm. Đến năm 2013, tổng chỉ tiêu hệ sư phạm của trường đã nâng lên 2.300. Tương tự, Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo T.Ư TPHCM đào tạo khoảng 400 giáo sinh mầm non. Tuy nhiên, hai trường này không chỉ đào tạo riêng cho TPHCM mà còn cho nhiều tỉnh, thành nên việc thiếu GV mầm non, tiểu học cũng là điều dễ hiểu... Cũng có nhận định, phần lớn học sinh chọn ngành Sư phạm là người các tỉnh, nên đương nhiên khi ra trường các em phải về địa phương, TPHCM không thiếu mới lạ. TP đã có chủ trương tuyển GV KT3 nhưng mới dạy các huyện ngoại thành, vì thế cũng khó thu hút.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT, TPHCM đã thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành Sư phạm, hội đồng này có nhiệm vụ đào tạo và kết nối đầu ra khối ngành sư phạm trên địa bàn TP. Hy vọng rằng với giải pháp này, trong thời gian tới TPHCM sẽ có nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, tránh tình trạng thừa thì cứ thừa, thiếu thì cứ thiếu như lâu nay.
Tại hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành Sư phạm trên địa bàn TPHCM mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nếu số sinh viên tốt nghiệp hằng năm bao nhiêu cũng vào dạy học ở các trường bấy nhiêu thì không thể có chuyện thiếu GV như hiện nay, chỉ tiếc là một phần trong số này cứ “chảy” đi dần dần. Một phần bỏ nghề, một phần không thể xin được việc vì không có hộ khẩu nên họ về quê. Nhưng nguyên nhân lớn có lẽ là lực hút ngành Sư phạm đã không còn lớn khi thực tế dạy học ngày một đòi hỏi cao và nhiều vất vả hơn.
Theo ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 12, phần lớn sinh viên tốt nghiệp Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thể thao nhưng không đi dạy, hoặc đi dạy một thời gian, có chỗ này chỗ kia mời đi biểu diễn, làm thêm, họ thấy thu nhập khá hơn nên dần dần bỏ dạy luôn. Đặc biệt là GV môn Tiếng Anh, các giáo sinh tốt nghiệp ra trường thường “bay” đến các doanh nghiệp vì mức thu nhập rất cao, nếu có làm GV đi nữa cũng chỉ là tạm thời, các trường rất khó giữ chân họ được… Đây là một thực tế không thể chối cãi, chính thu nhập của GV quá ít nhưng khối lượng công việc nhiều nên chỉ có những GV yêu nghề mới bám trụ.
Để giải quyết nghịch lý về tình trạng thừa – thiếu GV trên địa bàn TPHCM như hiện nay, Sở GD&ĐT đã ký thỏa thuận hợp tác với 9 trường ĐH, CĐ có khối ngành đào tạo sư phạm trên địa bàn TP. Việc hợp tác nhằm gắn kết các cơ sở đào tạo với sử dụng GV, phối hợp triển khai thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội nói chung và nhân lực ngành giáo dục TP nói riêng.
Theo Báo Giáo dục thời đại