Hầu hết các phụ huynh đều muốn trẻ tiếp cận với Tiếng Anh từ sớm. Đặc biệt, cha mẹ thường mua nhũng quyển sách Tiếng Anh cho trẻ đọc mỗi ngày. Song, làm thế nào để trẻ em yêu thích việc đọc sách này? Sau đây là 6 kinh nghiệm đã được kiểm chứng để giúp con yêu đọc sách.
> Tổng hợp từ vựng tiếng Anh về Tết Trung Thu ý nghĩa nhất
> Mất gốc Tiếng Anh nên bắt đầu từ đâu?
Cha mẹ nên rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ từ sớm
1. Để trẻ tự chọn sách trẻ yêu thích
Khi chọn cuốn sách muốn đọc, con chắc chắn sẽ hào hứng hơn. Tuy còn nhỏ, việc trao quyền tự chủ cho con là cần thiết, giúp chúng trở nên tự tin hơn. Nhà mình có thói quen ra hiệu sách để con chọn sách, bao giờ con đọc xong thì lại đi mua sách mới. Với những cuốn có nhiều tập như Diary of a Wimpy Kid, sau khi mua vài tập và thấy con muốn đọc, mình có thể đặt hàng online để tiết kiệm thời gian.
2. Lên thời gian biểu cố định để đọc sách
Việc thiết lập thời gian cố định khá quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách cho con. Ví dụ, bố mẹ có thể đọc sách cho con trước khi đi ngủ và chọn một không gian cố định để đọc. Bình thường, khi phải đi học, con thường đọc sách sau khi làm xong bài tập. Đợt nghỉ dịch này, chúng đọc sách cả sáng, chiều và tối, nên lượng đọc cũng tương đối lớn.
3. Sử dụng audio đọc mẫu để hiểu thêm nội dung câu chuyện
Bố mẹ không giỏi tiếng Anh có thể sử dụng audio đọc mẫu và cùng con tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện. Những bố mẹ tiếng Anh đã tốt có thể đọc cho con nghe, lưu ý dùng ngữ điệu khi đọc để lời các nhân vật trở nên sinh động, tránh giọng đều đều. Điều quan trọng là trong quá trình đọc, bố mẹ nên hỏi con một số câu để xem chúng có hiểu không, và giải thích nếu cần thiết. Khi đọc sách có tranh, bố mẹ có thể dùng tranh để con phán đoán câu chuyện, hoặc đoán từ mới dựa trên ngữ cảnh.
4. Hướng dẫn trẻ những từ vựng mới
Trẻ nhỏ chưa biết đọc sẽ không hiểu mối liên hệ giữa "tiếng" và "chữ". Việc đọc cho con những mẩu sách đơn giản, vừa chỉ tay vào chữ vừa đọc cũng giúp con hiểu rằng chữ và tiếng có liên hệ, và dần nhận biết mặt chữ tốt hơn. Nếu chữ đó thường xuyên lặp lại trong bài, bố mẹ có thể đôi khi dừng lại và để con "thử" tự đọc chữ đó xem sao.
5. Áp dụng những bài đã học vào thực tế
Ví dụ trong mẩu truyện mình đọc cho con về "cleaning up", mình có thể giúp con liên hệ với bản thân con đã "clean up" (dọn dẹp) sau khi chơi đồ chơi chưa và có nên làm như vậy không.
6. Lựa chọn nhiều chủ đề để đọc
Khi mới đọc sách, quan trọng nhất là hứng thú nên bố mẹ cần lựa chọn những loại mà con thích. Về sau này, dần dần có thể hướng con đọc những loại sách "hàn lâm" hơn như khoa học, lịch sử, danh nhân. Khi chuyển đổi loại sách, mặc dù con có khả năng đọc tốt rồi, bố mẹ vẫn dành thời gian ngồi đọc, đồng hành cùng con.
Tiếng Anh là ngoại ngữ với trẻ, việc đọc mà không hiểu là rất bình thường. Do đó, nếu bố mẹ ngồi đọc và giảng giải trong thời gian đủ lâu, các con sẽ dần tò mò và ưa thích những loại sách mới này. Đây là tiền đề giúp chúng tự đọc về sau.
Theo VnExpress