Các bậc cha mẹ nên có cách ứng xử phù hợp trước mặt con cái như không phàn nàn, không nói dối, cãi nhau,... để không làm ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.
Cha mẹ nên có cách hành xử đúng mực trước mặt con trẻ
Không phàn nàn về khó khăn
Người lớn ai cũng có nhiều căng thẳng trong cuộc sống, không thể tránh khỏi có lúc cáu kỉnh hay buồn bã. Tuy nhiên, nếu thường phàn nàn trước mặt con cái về công việc không thành công, sự bất mãn cuộc sống... họ vô tình gieo vào đầu con những áp lực cuộc sống sớm.
Cha mẹ hay phàn nàn sẽ tự làm bản thân mệt mỏi. Chưa kể, buồn bực trước mặt con sẽ khiến trẻ không được vui, không khí gia đình vì thế mà ảm đạm.
Cha mẹ thích phàn nàn, con cái cũng học cách kêu ca một cách vô nguyên tắc. Tính phàn nàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, khiến trẻ cảm thấy dễ bất mãn nếu có việc gì đó không như ý muốn, cũng như không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Thật khó có được hạnh phúc trong một cuộc sống hay than phiền, ngay cả khi bạn đã có một cuộc sống tốt đẹp. Những cha mẹ hiểu chuyện sẽ không để gia đình hạnh phúc mà họ đã dày công vun vén lại thất bại trước những lời phàn nàn vô ích và nhàm chán của họ.
Không cãi nhau trước mặt con cái
Cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái sẽ khiến trẻ bất an, lo sợ, buồn bã. Trẻ con không hiểu tại sao những người thân thiết lại dùng ngôn ngữ khó nghe để làm tổn thương nhau. Việc cha mẹ bất hòa, căng thẳng, thậm chí cãi nhau, đánh nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực.
Một nghiên cứu cho thấy, đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Trẻ từ 1 đến 19 tuổi có thể nhạy cảm với những xung đột trong hôn nhân của cha mẹ. Khi chứng kiến bố mẹ chúng cãi nhau công khai, em bé dù mới 6 tháng tuổi đã có phản ứng cảm xúc mạnh ví dụ như nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ. Còn trẻ ở lứa tuổi lớn có thể bị ảnh hưởng lớn hơn, đặc biệt thường có biểu hiện bên ngoài như hung hăng, thù địch và bạo lực hơn, còn bên trong thì lo lắng, buồn phiền và thậm chí có ý nghĩ tự tử.
Cha mẹ vô tâm luôn thích làm tổn thương con cái bằng những cảm xúc tồi tệ, trong khi cha mẹ hiểu chuyện sẽ dẫn dắt con cái bằng những cảm xúc tích cực và lạc quan.
Than nghèo trước mặt con
Vì tinh thần cần cù lao động từ xa xưa nên nhiều cha mẹ thích giáo dục con cái phải chăm chỉ, chịu khó trước, sau mới hưởng phúc. Bởi vậy nhiều gia đình sử dụng sự thiếu thốn để dạy dỗ con cái, mong con chi tiêu tiết kiệm, không còn đòi tiền ăn vặt, đồ chơi nữa.
Nhưng với cách dạy này, lâu dần trẻ trở nên thiếu tự tin, ít nói, thậm chí còn tỏ ra nịnh nọt, xu nịnh bạn bè chỉ để được ăn một chút đồ ăn vặt hay chơi một món đồ của bạn. Rõ ràng là một đứa trẻ ngoan, nhưng lại bị giáo dục bằng cách khóc lóc, kém cỏi, bị ép buộc thành tính cách tự ti, xu nịnh.
Cha mẹ thông minh không bao giờ than nghèo kể khổ với con cái mà thay vào đó, họ sẽ dạy con nỗ lực thoát nghèo. Vậy nên, dù gia đình có khó khăn đến đâu, ít nhất là đừng để tâm trí trẻ em phủ đầy bụi, mà làm cho bầu trời của chúng tươi sáng và rõ ràng.
Nói dối trước mặt con
Thế giới bên ngoài rất phức tạp nhưng đừng vì thế mà dạy con nói dối hay phải tiếp xúc với những lời nói dối khi còn nhỏ. Cha mẹ nên dạy con nói dối là một tính xấu và người không trung thực sẽ không được ai tin tưởng, yêu quý.
Trẻ không quan tâm mục đích nói dối là tốt hay xấu, chúng chỉ hiểu, nếu những người lớn thường dạy chúng về đạo đức mà có thể nói dối, thì chúng cũng có thể. Bên cạnh đó, bố mẹ sẽ đánh mất lòng tin nơi con cái.
Dù với bất kỳ lý do gì cũng không nên nói dối trước mặt con cái. Cha mẹ cần tạo cho con mình một đức tính trung thực và đáng tin cậy ngay từ đầu.
> Điểm danh 4 cách dạy dỗ con cái của Bill Gates
> 6 cách hành xử khiến con trẻ tổn thương mà cha mẹ nên tránh
Theo Vnexpress