Nhiều trường ĐH, CĐ vẫn “ngóng” sinh viên

Đến chiều tối hôm qua, vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) cho những thí sinh trượt nguyện vọng 1, thế nhưng, gần hết đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS), nhiều trường ĐH, CĐ vẫn trong tình trạng “ngóng” sinh viên.

Tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tính đến hết ngày 3/9, trường này nhận được 1.544 hồ sơ cho tất cả các ngành, trong đó, có hơn 620 thí sinh đăng ký xét tuyển thông qua hình thức xét tuyển trực tuyến. Theo đó, trong đợt xét tuyển NVBS đợt 2 từ ngày 26/8 - 7/9, trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn 50% chỉ tiêu xét tuyển cho tất cả các ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển thêm là 3.800 thí sinh.

Ở bậc ĐH, ngành Dược học, trường nhận hồ sơ từ 18.75 điểm trở lên, các ngành khác từ 15 điểm. Bậc CĐ trường nhận từ 12 điểm đến nhỏ hơn 15 điểm cho tất cả các ngành. Riêng đối với ngành Kiến trúc, điểm thi môn năng khiếu từ 3 điểm trở lên; ngành Thiết kế Đồ họa, môn năng khiếu không bị điểm liệt. Như vậy, gần hết đợt tuyển sinh NVBS, trường này vẫn còn thiếu hơn 1/2 chỉ tiêu.

Tương tự, trường ĐH Công nghệ TPHCM tính đến nay nhận được gần 2.500 hồ sơ trong khi đợt xét tuyển NVBS lần này, trường tuyển 3.100 thí sinh. Ông Nguyễn Quốc Anh, trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông trường, cho biết: “Tính đến hiện tại, hồ sơ xét tuyển chủ yếu tập trung vào khối ngành Kinh tế, Du lịch, các ngành Ngôn ngữ…”. Còn tại trường ĐH Hoa Sen, đợt xét tuyển NVBS lần này tuyển 880 chỉ tiêu, hiện đã nhận được hơn 500 hồ sơ; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đợt này tuyển 1.900 chỉ tiêu NVBS, hiện trường đã nhận được gần 1.400 hồ sơ…

Đặc biệt, một số trường ĐH, CĐ còn thiếu hồ sơ trầm trọng, rất ít thí sinh đến nộp. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, trường ĐH Thái Bình Dương mới có hơn 200 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển cả 3 bậc ĐH, CĐ và TCCN (chỉ tiêu ĐH và CĐ là 1.000); Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định hiện đợt xét tuyển NVBS lần này trường cũng chỉ mới nhận được khoảng 300 hồ sơ…

Đối với các trường CĐ, hàng loạt trường phải tuyển thêm hàng ngàn chỉ tiêu như: CĐ Tài chính - Hải quan tuyển 2.000 chỉ tiêu, CĐ Công thương tuyển 1.500, CĐ Công nghệ thông tin tuyển 1.000, CĐ Kinh tế công nghệ tuyển 2.300, CĐ Bách Việt tuyển 1.420, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng tuyển 550...

Xét tuyển đợt 2: Các trường ĐH, CĐ đối phó với hồ sơ ảo

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 2 ĐH, CĐ, nhiều trường đang phải tìm cách đối phó với tình trạng hồ sơ ảo để đạt chỉ tiêu tuyển sinh.
Chỉ còn 4 ngày nữa sẽ kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 2 đại học, cao đẳng năm 2015. Nếu như ở đợt xét tuyển nguyện vọng 1, đây là thời điểm nước rút để thí sinh tăng tốc nộp hồ sơ thì ở nguyện vọng 2, không khí hoàn toàn ngược lại. Lượng hồ sơ nộp ít trong khi lượng hồ sơ ảo tương đối nhiều. Nhiều trường phải tìm cách đối phó với tình trạng hồ sơ ảo để đạt chỉ tiêu tuyển sinh.

Để đối phó với lượng hồ sơ ảo, nhất là những trường cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, với trường hợp xét tuyển bằng học bạ, trường chỉ nhận hồ sơ trực tiếp.

Thực tế cho thấy, chỉ có các trường ngoài công lập lớn mới xét tuyển được thí sinh và có cơ may đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển này. Lý do vì các thí sinh chờ sát ngày mới nộp hồ sơ để gia tăng khả năng trúng tuyển hoặc chờ đợi cho đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng năm sau. Trước diễn biến của đợt xét tuyển này, nhiều trường ngoài công lập khác đã lên kế hoạch cho đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

TP.HCM: Xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2 trầm lắng

Xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2 sẽ kết thúc vào ngày 7/9 tới, nhưng đến thời điểm này, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ tại các trường ĐH, CĐ ở TP.HCM vẫn tương đối ít.
Theo ghi nhận, đến thời điểm này, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 không có gì đột biến. Thậm chí, một số trường mới chỉ đạt 50% chỉ tiêu đề ra. Tình trạng này xảy ra là do kinh nghiệm từ đợt 1, chờ đến ngày cuối, chắc chắn khả năng đỗ, thí sinh mới nộp hồ sơ.

Trong khi đó, những em điểm cao không đỗ nguyện vọng 1 thường chờ cơ hội từ năm sau. Với thí sinh ở ngưỡng 15 - 18 điểm, các em thường chọn các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, vừa xét tuyển bằng điểm từ kỳ thi THPT Quốc gia, vừa bằng học bạ, để gia tăng khả năng trúng tuyển. Điều này vô hình chung làm gia tăng tình trạng thí sinh ảo.

Để khắc phục tình trạng thí sinh ảo, nhiều trường chọn hình thức tăng gấp rưỡi chỉ tiêu tuyển sinh 2015, chỉ nhận hồ sơ xét tuyển học bạ trực tiếp. Riêng một số trường công lập xét tuyển nguyện vọng bổ sung hệ cao đẳng lại lo lắng, nhiều em dù trúng tuyển nhưng không nhập học.

Ngày mai (4/9), Đại học Quốc Gia Hà Nội sẽ kết thúc đợt xét tuyển Đại học, Cao đẳng nguyện vọng 2.

Hiện nay, tình hình xét tuyển tại các trường Đại học, Cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục diễn ra. Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 2, các thí sinh không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển nhiều lần như đợt 1 mà chỉ được nộp hồ sơ tối đa vào 3 trường Đại học, Cao đẳng nên tình hình xét tuyển tương đối ổn định.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, cho đến ngày 1/9, 41 trường Đại học và 45 trường Cao đẳng phía Bắc, 29 trường Đại học và 54 trường Cao đẳng phía Nam vẫn còn nhiều chỉ tiêu như trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn 4.200 chỉ tiêu Đại học; Đại học Công nghiệp Việt Trì còn 1.200 chỉ tiêu Đại học; Đại học Đại Nam còn 900 chỉ tiêu; Đại học Tân Trào còn 1.074 chỉ tiêu Đại học và Cao đẳng. Thời gian hết hạn nộp hồ sơ đợt 2 là ngày 7/9.

Ngày mai (4/9), Đại học Quốc Gia Hà Nội cũng sẽ kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 2. Trong đợt xét tuyển này, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tuyển sinh trên 1.900 chỉ tiêu; các thí sinh dự thi đợt 1 vẫn được tham gia xét tuyển nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1, tuy nhiên cần phải đạt ngưỡng điểm ứng tuyển theo quy định cho từng ngành đào tạo.

Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh theo phương thức riêng, các thí sinh thực hiện bài thi đánh giá năng lực riêng. Đai học Quốc gia Hà Nội chỉ sử dụng kết quả của bài thi này để tuyển sinh vào các trường thành viên và các khoa trực thuộc của mình.

Trường phải cấp lại giấy báo trúng tuyển cho hàng trăm thí sinh

Sáng 3/9, hàng trăm thí sinh, phụ huynh đã đến ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM để xin cấp lại giấy báo trúng tuyển.

Lý do của việc hi hữu này vì khi tra cứu kết quả trúng tuyển ĐH, CĐ nhà trường công bố trên website, các thí sih này thấy có tên nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa nhận được giấy báo trúng tuyển.

Nhà trường còn thông báo thời gian nhập học của thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 31/8 đến 5/9. Hạn chót nhập học đợt 1 là ngày 16/9, sau ngày này nếu không nhập học thì kết quả trúng tuyển xem như không còn giá trị…

Trong số này có rất nhiều thí sinh, phụ huynh ở các tỉnh xa đã có mặt tại trường từ lúc 6h30.

Do số thí sinh đến xin cấp lại giấy báo trúng tuyển quá đông nhà trường phải in phiếu đề nghị cấp lại giấy báo trúng tuyển phát cho thí sinh. Đồng thời nhà trường cũng huy động sinh viên tình nguyện hướng dẫn cho thí sinh, phụ huynh làm thủ tục…

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh nhà trường đến 11g trưa 3/9, nhà trường đã cấp lại giấy báo trúng tuyển cho hơn 300 thí sinh.

Trăm dâu đổ đầu tân sinh viên

Ghi nhận của giới truyền thông, theo thông báo nhập học dành cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, hầu hết các trường đều thu các khoản bắt buộc bao gồm: học phí (tạm tính), bảo hiểm y tế, khám sức khỏe.

Bên cạnh đó, không ít trường còn thu các khoản lệ phí khác như phí làm thẻ sinh viên, phí sinh hoạt đầu khóa, phí vệ sinh, nước uống, phí chuyển đổi điểm liên thông, phí sử dụng thư viện, lệ phí nhập học, phí trả chuyển phát nhanh hồ sơ trúng tuyển, sổ tay sinh viên...

Không chỉ trường ngoài công lập, các trường công lập cũng có rất nhiều khoản phí khác nhau.

Một số trường gộp chung các khoản phí như thẻ sinh viên, sổ tay, khám sức khỏe... vào phí nhập học trong khi không ít trường, sinh viên ngoài đóng các khoản nói trên vẫn phải đóng phí nhập học.

Ví dụ tại ĐH Y Hà Nội, tân sinh viên phải đóng trên 10 loại phí và lệ phí khác nhau. Ngoài học phí và bảo hiểm, sinh viên còn phải đóng 100.000 đồng tiền “đón tiếp và làm thủ tục nhập học”.

Ngoài ra còn có phí phục vụ thư viện ngoài giờ 180.000 đồng đối với hệ bác sĩ và 120.000 đồng đối với hệ cử nhân (cả khóa học), phí thay đổi nhân khẩu 20.000 đồng (nếu sinh viên ở ký túc xá), phí làm hồ sơ và thẻ ký túc xá 40.000 đồng, phí trả chuyển phát nhanh hồ sơ trúng tuyển 20.000 đồng.

Hay như trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, sinh viên cũng phải đóng nhiều khoản phí và lệ phí khác nhau. Trong đó bao gồm các khoản phụ phí như thẻ sinh viên 50.000 đồng, phí xét bảo lưu và chuyển điểm liên thông (đối với sinh viên hệ liên thông) 2,7 triệu đồng, lệ phí nhập học 150.000 đồng, lệ phí kiểm tra tiếng Anh và tin học 300.000 đồng, phí sử dụng thư viện toàn khóa 400.000 đồng…

Lý giải điều này, các trường cho hay việc thu các khoản lệ phí không hẳn các trường tận thu mà để có kinh phí chi cho các hoạt động tiếp đón sinh viên, đầu tư cho các dịch vụ phục vụ sinh viên khi theo học tại trường. Vấn đề là có trường công khai các khoản thu ngay từ đầu, trước khi sinh viên nhập học, có trường lại thu khi sinh viên đến nhập học hoặc khi đã hoàn thành thủ tục nhập học.

Học phí bình quân tối đa 15,5 triệu đồng

Đây là mức học phí Trường ĐH Điện lực có thể áp dụng từ năm học 2015-2016 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Điện lực giai đoạn 2015-2016 có hiệu lực từ tháng 9.

Theo đó, Trường ĐH Điện lực được phê duyệt kế hoạch thu học phí theo lộ trình tăng dần như sau: mức thu học phí bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ ĐH, chính quy) năm học 2014-2015 là 13,5 triệu đồng, năm học 2015-2016: 15,5 triệu đồng, năm học 2016-2017: 17,5 triệu đồng.

Riêng đối tượng đã nhập học trước tháng 9-2015, trường chỉ được thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề. Được biết, mức thu học phí hiện tại của trường là 270.000 đồng/tín chỉ, tương đương mức học phí bình quân khoảng 9 triệu đồng/năm.

Theo quyết định này, trường cũng được quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần, trình độ thạc sĩ bằng 1,5 lần, cao đẳng bằng 0,8 lần mức học phí nêu trên.

Các khoản thu học phí và các khoản thu sự nghiệp trường sẽ được gửi tại ngân hàng thương mại và toàn bộ tiền lãi gửi được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên.

Để được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trường ĐH Điện lực chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lực và xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trường cũng phải bảo đảm để các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập tại trường bằng chính sách học bổng, học phí phù hợp.

ĐH Đà Nẵng mở thêm 2 ngành học mới

Ngày 4.9, theo ĐH Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT đã đồng ý cho ĐH Đà Nẵng mở thêm 2 ngành đào tạo mới trình độ ĐH, hệ chính quy là Khoa học và kỹ thuật máy tính, Quản trị và kinh doanh quốc tế.

ĐH Đà Nẵng mở thêm 2 ngành học mới Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Đà Nẵng
Hai ngành này sẽ xét tuyển dựa trên kết quả các môn học trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2015 do trường ĐH chủ trì, tổ hợp môn gồm: toán, lý, Anh. Điểm của thí sinh đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định Bộ GD-ĐT; điểm trung bình chung học tập các năm lớp 10, 11 và 12 phải trên 6,0.
Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh của 2 ngành này là: Khoa học và kỹ thuật máy tính 80 chỉ tiêu, Quản trị và kinh doanh quốc tế 120 chỉ tiêu; đào tạo trong năm học 2015-2016.
Hai ngành học này được phát triển trên cơ sở các chương trình đào tạo của các trường đối tác Vương quốc Anh, được đào tạo tại Viện Nghiên cứu-Đào tạo Việt-Anh thuộc ĐH Đà Nẵng. Bằng sẽ do ĐH Đà Nẵng cấp. Chương trình sẽ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển 2 ngành trên là từ nay đến ngày 15.9