>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


30/7 - Hạn chót phúc khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Các thí sinh phát hiện bất kỳ sai sót nào trong bài thi của mình có thể nộp đơn xin phúc khảo từ nay đến ngày 30/7.
Đến tối 24/7, các Sở GD&ĐT và các cụm thi mới nhận được mẫu đơn phúc khảo từ Bộ GD&ĐT và hiện vẫn chưa có công văn hướng dẫn nên các sở và các cụm thi đang dựa vào Hướng dẫn tuyển sinh ĐH - CĐ để chấm phúc khảo cho thí sinh.

Các thí sinh có thể nộp đơn đề nghị phúc khảo tại Sở Giáo dục & Đào tạo, trường THPT hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - nơi nhận hồ sơ đăng ký dự thi hoặc trực tiếp tại trường đại học nơi tổ chức thi.

Theo thông tin từ Cục Khảo thí, thí sinh không phải nộp bất cứ khoản lệ phí nào kèm theo đơn phúc khảo. Hạn chót nộp đơn phúc khảo là 30/7. Công tác chấm phúc khảo sẽ hoàn tất vào ngày 15/8. Sau đó, thí sinh chỉ còn 5 ngày để nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Nhiều ý kiến cho rằng thời gian như vậy là quá gấp.

Trước ngày 16/8: Các hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo (từ 1/8 đến 16/8), hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.

Bộ GD&ĐTvừa công bố mẫu đơn phúc khảo kỳ thi THPT quốc gia 2015. Theo đó, thí sinh có nguyện vọng phúc khảo bài thi gửi đơn về các cụm thi và Sở GD&ĐT. Trong đơn phúc khảo thí sinh cần ghi rõ phòng thi và điểm bài thi vào dòng của các môn thi đề nghị phúc khảo. Lệ phí phúc khảo là 30.000 đồng/môn.

Các đơn vị sẽ nhận đơn phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ khi công bố kết quả thi chính thức. Sau đó Sở GD&ĐT tập hợp và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến hội đồng thi.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo (từ 1/8 đến 16/8), hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo. Các cụm thi có thể công bố kết quả sớm hơn.

404 bài thi xét tuyển đại học, cao đẳng đạt điểm 10

Chiều 26-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố biểu đồ điểm thi các thí sinh dự thi tại cụm thi do các trường đại học chủ trì, dùng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Theo đó, trong số các thí sinh thi ở các cụm thi do trường đại học chủ trì có 3.328 thí sinh có bài thi bị điểm 0. Đối với số thí sinh đạt điểm cao, có 404 thí sinh có bài thi đạt điểm 10.
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, ngày 28-7 sẽ đưa ra tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường ĐH, CĐ tổ chức xét tuyển. Các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1 đến 20-8. Thí sinh dự xét tuyển nguyện vọng 1 được đăng ký tối đa vào bốn ngành của một trường. Sau thời gian xét tuyển nguyện vọng 1, nếu các trường chưa xét tuyển đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng hai, ba... Thời hạn kết thúc việc xét tuyển sinh năm 2015 là ngày 31-10 đối với trường ĐH và 20-11 đối với trường CĐ.

Kết quả thi THPT Quốc gia tại cụm thi do ĐH chủ trì: Hơn 17.000 điểm liệt môn Toán

Chiều tối 26/7, Bộ GD&ĐT đã công bố tổng hợp kết quả thi của các thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường Đại học chủ trì và đăng ký lấy kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Qua phân tích dữ liệu, có thể thấy, môn Toán là môn có thí sinh bị điểm liệt nhiều nhất với con số là trên 17.800 em, chiếm tỷ lệ gần 3%. Xếp thứ 2 là môn Lịch sử, với 1.200 em bị điểm liệt. Riêng môn Ngoại ngữ, chỉ có 530 em thi ở các trường ĐH, CĐ bị điểm liệt, ít hơn nhiều so với thống kê toàn quốc. Điều này cho thấy điểm liệt môn Ngoại ngữ chủ yếu rơi vào các em dự thi chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT.

Tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên 8 nhiều nhất rơi vào môn Hóa học. Đây cũng là môn có số thí sinh đạt điểm 10 nhiều nhất.

Tuy nhiên, bảng tổng hợp do Bộ GD&ĐT đưa ra chưa có những phân tích cụ thể. Thí sinh cần tự xem xét và phân tích kỹ lưỡng những môn thuộc khối thi của mình.

Các em học sinh hy vọng trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể sớm đưa ra phổ điểm các khối thi cơ bản nhất. Phổ điểm này sẽ giúp thí sinh dễ dàng hơn nữa trong việc đưa ra quyết định của mình khi tham gia xét tuyển ĐH, CĐ.

Các trường đại học top giữa tuyển sinh khó

Dù được duyệt nguồn tuyển sinh dồi dào trong năm 2015, song đến với một số trường ĐH nằm ở top giữa như trường ĐH Vinh, ĐH Kinh tế Nghệ An, ĐH sư phạm kỹ thuật Vinh… đợt xét tuyển nguyện vọng 1 của Nghệ An khá khó khăn, do sức cạnh tranh giữa các trường trong việc thu hút thí sinh.

ĐH Vinh là một trong 16 trường ĐH trọng điểm của cả nước công bố điều kiện xét tuyển vào ĐH chính quy năm 2015. Theo đó, trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì để xét tuyển. Điểm trúng tuyển vào từng ngành của ĐH Vinh sẽ cao hơn ngưỡng ít nhất 2 điểm, đảm bảo chất lượng đầu vào. Đặc biệt, trường đã quy định xét ngành nguyện vọng 1 trước. Kết thúc xét tuyển đợt 1, tại mức điểm trúng tuyển vào từng ngành, nếu còn chỉ tiêu, trường mới xét tuyển tiếp đợt bổ sung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi có danh sách trúng tuyển, trường sẽ kiểm tra hồ sơ, học bạ để công nhận trúng tuyển. Nếu thí sinh không đạt điều kiện đăng ký xét tuyển sẽ hủy kết quả trúng tuyển.

Năm 2015, trường Đại học Vinh có 5.100 chỉ tiêu, dành cho 43 ngành. Những năm trước, thí sinh nhập học vào trường gần 90% là thí sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Riêng năm nay, cụm thi Vinh có số lượng thí sinh đông nhất cả nước, nhưng đến thời điểm này nhà trường vẫn không thể xác định được sẽ có bao nhiêu thí sinh nộp hồ sơ vào nguyện vọng 1 của nhà trường. Với những trường thuộc top đầu, việc tuyển sinh không quá khó vì chắc chắn lượng thí sinh nộp hồ sơ vào sẽ cao. Thế nhưng với những trường ĐH nằm top giữa như ĐH Vinh, việc làm thế nào để vừa tuyển đủ thí sinh, lại vừa đảm bảo chất lượng là điều không hề dễ dàng.

Chính vì thế, dù chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mỗi trường đại học dành 70% chỉ tiêu cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, nhưng riêng trường ĐH Vinh sẽ dành khoảng 80%. Để tạo thuận lợi cho thí sinh, ĐH Vinh đã xây dựng phương án xét tuyển khá “mở”. Đơn cử, trước đây trường chỉ có khối thi truyền thống như A, B, C, D… Năm nay trường có nhiều tổ hợp môn thi mới và có những ngành cùng một lúc xét tuyển đến 4 tổ hợp. Cụ thể: Nhóm ngành Kinh tế (Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh tế đầu tư) thí sinh có thể đăng ký theo 3 tổ hợp: Toán - lý - hóa, toán - lý - Anh, toán - văn - Anh. Hay như ngành Luật, thí sinh có thể đăng ký theo các tổ hợp như: Toán-lý-hóa, toán - lý - Anh, văn - sử - địa, toán - văn - Anh. “Để tạo nên một thế hệ sinh viên mới "vừa hồng vừa chuyên", trường Đại học Vinh đang tập trung chuẩn đầu ra với chương trình đào tạo ngắn gọn, phù hợp với xu thế hội nhập. Hiện nhà trường tiến hành xây dựng phương thức đào tạo mới nhằm tạo mọi điều kiện cho sinh viên trong quá trình theo học như học một lúc hai ngành, đào tạo theo tín chỉ”, đại diện trường cho biết.

Với trường ĐH Kinh tế Nghệ An, năm nay trường dành 70% chỉ tiêu đại học và 70% chỉ tiêu cao đẳng để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, với tổ hợp các môn thi đạt ngưỡng tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. 30% chỉ tiêu còn lại, trường sẽ dành xét tuyển cho thí sinh tốt nghiệp THPT và kết quả học tập bậc THPT. Điều kiện tuyển sinh của nhà trường cũng không quá khó: Thí sinh được công nhận tốt nghiệp và có điểm bình quân 3 môn của khối xét tuyển ở lớp 11 và kỳ I ở lớp 12 (3 kỳ) đạt từ 6,0 điểm trở lên.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả thi năm nay tốt hơn so với các năm trước. Với phổ điểm như vậy, việc xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ sẽ rất khó khăn vì học sinh đạt từ 7 - 8 điểm trở lên ít, còn mức 5 - 6 lại rất nhiều. Các trường ở top trên tuyển được học sinh giỏi, nhưng các trường ở mức khá, trung bình và top dưới sẽ phải lấy chung một mức điểm chuẩn. “Với hình thức tuyển sinh hiện nay, giữa các trường đại học sẽ có sự cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo, sự uy tín”, lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Nghệ An phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Vinh đưa ra lời khuyên: Thí sinh cần phải xem xét kỹ quy định xét tuyển của các trường, xem xét chỉ tiêu các ngành, các khoa, trên cơ sở đó, căn cứ vào điểm thi của mình, để lựa chọn đăng ký nguyện vọng cho phù hợp. Trong quá trình nhận hồ sơ, các trường sẽ liên tục cập nhật điểm của thí sinh, vì vậy thí sinh có thể theo dõi vị trí điểm của mình trên tổng thể thí sinh chung. Nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác với khả năng trúng tuyển cao hơn. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý là khi các em đã trúng tuyển vào một ngành ở trường đại học nào rồi thì không còn tham gia xét tuyển ở những đợt tiếp theo, bởi vậy thí sinh cần cân nhắc, lựa chọn trường, ngành đăng ký phù hợp nhất ở ngay đợt xét tuyển đầu tiên.

Tổng hợp