>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015

Khá nhiều thí sinh ở cụm thi ĐH An Giang bị điểm liệt

Ngày 18-7, ông Hoàng Xuân Quảng, hiệu phó ĐH An Giang, cho biết hội đồng thi cụm ĐH An Giang (tổ chức thi cho hai tỉnh An Giang, Kiên Giang) đã hoàn tất việc chấm thi.
Tin tức tuyển sinh 2015 nổi bật ngày 19/7
Thí sinh An Giang, Kiên Giang phấn khởi sau buổi thi - Ảnh: Đức Vịnh

Qua kết quả chấm thi cho thấy phần lớn thí sinh (TS) có điểm số các môn nằm trong khoảng 4,5-8 điểm. Với điểm số như vậy, việc xét tuyển vào các đại học cỡ “tầm trung” sẽ có nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên do khá nhiều thí sinh bị điểm liệt nên kết quả tốt nghiệp THPT sẽ không cao như mọi năm, ước chỉ khoảng 90%.

Môn toán chỉ có một TS đạt điểm 10, số TS đạt điểm từ 5 trở lên tỉ lệ 50,24%; điểm liệt từ 1 trở xuống là 411 TS (2,18%), trong đó 37 trường hợp bị điểm 0.

Môn văn cao nhất 9,5 điểm (một TS), từ 5 điểm trở lên chiếm 85,89%; từ 1 điểm trở xuống 13 TS, trong đó điểm 0 là tám TS.

Môn sử có năm TS đạt điểm 10, từ 5 điểm trở lên chiếm 68,19%; từ điểm 1 trở xuống 25 TS, trong đó 11 TS bị điểm 0.

Môn địa có hai TS điểm 10, từ 5 điểm trở lên chiếm 87,71%; từ 1 điểm trở xuống 16 TS, trong đó ba trường hợp bị điểm 0.

Môn vật lý có hai TS đạt điểm cao nhất là 9,5 điểm, từ 5 điểm trở lên chiếm 76,2%.

Môn hóa điểm cao nhất là 9,75 (hai TS), từ 5 điểm trở lên chiếm tỉ lệ 73,5%.

Môn sinh có hai TS đạt 10 điểm, từ 5 điểm trở lên chiếm 54,6%.

Ba môn lý, hóa, sinh không có điểm liệt.

Về môn tiếng Anh, phần trắc nghiệm chỉ có một TS đạt điểm 8/8; đạt từ 5 điểm trở lên chỉ 9,4%, từ 3 điểm trở lên đạt 66,1%.

Điểm thi THPT Quốc gia: Dưới 21 điểm nên đăng ký trường nào?

Với 3 môn xét tuyển, các thí sinh có điểm dưới 21 nên đăng ký vào những trường, ngành nào?

Đến chiều nay (17/7), hầu hết các cụm thi do trường ĐH chủ trì đã chấm thi xong. Ngày 20/7 là hạn cuối các cụm thi phải gửi kết quả về Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) để công bố đồng thời.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ 2015, các thí sinh cần thận trọng đăng ký. Ngoài ra, với mức 21 điểm (3 môn), thí sinh nên nộp hồ sơ vào những trường thuộc top khó tuyển sinh hoặc những ngành kém "hot" nhưng thị trường vẫn có nhu cầu cao.

Đối với mức điểm 18-20, các thi sinh nên nộp đơn vào trường tốp 2 hoặc trường có đề án tuyển sinh riêng; cần nghiên cứu kỹ đề án riêng trước khi quyết định nộp hồ sơ.

Ngoài ra, căn cứ vào điểm các môn thi THPT Quốc gia, thí sinh cần cân nhắc là lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển là cao nhất.

Thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp. Có 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên các thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.

Về việc rút hồ sơ nộp trường khác hay quyết tâm bám trụ, thí sinh phải cân nhắc nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số thí sinh cùng đăng ký vào ngành.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh có thể chọn nhiều ngành phù hợp với nguyện vọng của mình trong một trường.

Điểm chuẩn 2015 sẽ như nào?

Điểm chuẩn 2015 các trường tốp trên sẽ tăng, các trường tốp dưới ít có thay đổi so với năm ngoái.

Ông Trần Văn Nghĩa, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT nhận định, điểm chuẩn 2015 của một số trường tốp trên sẽ tăng so với năm ngoái.

"Tôi nghĩ rằng, năm nay, khoa Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội sẽ phải từ 28,5 điểm hoặc khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương HN không dưới 26 điểm, trong khi năm ngoái chỉ 24-25 điểm.

Do đó, nếu thí sinh muốn vào khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại Thương, ít nhất phải được 27, 28 điểm mới chắc ăn. Còn nếu chỉ bằng hoặc hơn 1-2 điểm so với năm 2014 thì không chắc chắn.

Chắc chắn điểm chuẩn của những trường top trên, có thương hiệu, sẽ còn cao hơn, và những trường top dưới, chuẩn đầu vào thấp sẽ còn thấp hơn mọi năm.

Có 2 lý do. Thứ nhất, đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT và dễ hơn đề thi ĐH, CĐ mọi năm. Do đó, điểm thi dự kiến sẽ cao hơn từ 1-1,5 điểm so với 2014. Đến thời điểm này, mặc dù chưa chấm hết các bài thi, nhưng đánh giá sơ bộ ban đầu của các cụm thi là điểm thi sẽ cao hơn từ 1 điểm trở lên. Thứ hai khiến chuẩn đầu vào của một số trường top trên sẽ còn cao hơn năm trước đó là do các em đã biết điểm thi của mình. Những em đạt điểm cao sẽ tự tin nộp vào các trường, khoa đắt giá" - ông Nghĩa cho hay.

Trao đổi với báo chí về lo ngại sẽ diễn ra việc thí sinh vất vả khi rút - nộp hồ sơ ở đợt 1, ông Nghĩa phân tích: "Năm nay, quy chế tuyển sinh đã tạo điều kiện tối đa nhất cho các em. Phải so sánh với năm ngoái mới thấy những thuận lợi của việc xét tuyển năm nay. Mọi năm, các em phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường từ khi chưa làm bài thi, chưa biết điểm thi.

Nhiều thí sinh đã trượt oan vì nộp đơn vào ngành có điểm tuyển quá cao, trong khi điểm thi của mình hoàn toàn đủ điều kiện vào các ngành học khác. Hoặc có những thí sinh để chắc ăn cứ đăng ký vào nhóm ngành thấp, vừa vừa, khi biết điểm thi của mình cao thì lại thấy tiếc".

Đặc biệt, thay vì chỉ có tối đa 2 nguyện vọng (nếu các em thi 2 khối), nay các em có tối đa 4 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển. Do đó, cơ hội vào ĐH, CĐ của các em nhiều hơn. Tuy nhiên, dù cho phép mỗi em có 4 nguyện vọng, song Bộ không khuyến khích các em “nhắm mắt, nộp bừa” hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ rồi lại rút ra, nộp lại thoải mái. Có thể nói, Bộ hết sức tạo điều kiện cho các em, nhưng chính bản thân các em phải có trách nhiệm với chính lựa chọn của mình. Cân nhắc, tính toán kỹ trước khi quyết định. Tất nhiên, nếu trượt nguyện vọng 1, các em vẫn còn 3 nguyện vọng dự phòng, đó là cơ hội thứ hai. Nhưng đừng lạm dụng cơ hội rút ấy, phải tính toán làm sao một cú ăn ngay, không phải rút. Những em không tính toán kỹ, không biết mình muốn gì, ào ào rút ra rút vào cuối cùng, sẽ mất đi cơ hội tốt nhất".

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sau khi có điểm thi THPT Quốc gia 2015: "Từ ngày 1/8, thí sinh sẽ nộp đơn xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng sau khi có giấy báo kết quả. Tuy nhiên, với một giấy báo kết quả, thí sinh sẽ được nộp 3-4 nguyện vọng khác nhau. Trong quá trình xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng. Bộ đã quy định cứ 3 ngày, các trường phải thông báo số liệu nộp hồ sơ xét tuyển.

Các thí sinh sẽ theo dõi những thông tin này trên trang điện tử của trường để biết mình có đỗ hay không, từ đó quyết định rút hồ sơ hay tiếp tục nộp hồ sơ vào trường đó. Như vậy, thí sinh nên hết sức bình tĩnh và cân nhắc lựa chọn trường. Bởi nếu thí sinh quyết định thay đổi nguyện vọng thì phải đích thân thí sinh hoặc người nhà rút hồ sơ thì mới lấy được giấy báo kết quả để nộp vào trường khác.

Như vậy, việc rút hồ sơ sẽ phức tạp hơn. Các thi sinh cần lưu ý, trong đợt xét tuyển bổ sung thứ 2, mỗi thí sinh có tới 3 giấy báo kết quả thi nên số đơn ảo rất lớn, khó cho thí sinh lựa chọn trường và ngành phù hợp. Tôi có lời khuyên với các thí sinh là suy nghĩ cẩn thận, lựa chọn trường vừa tầm phù hợp kết quả thi của mình ngay từ lần xét tuyển đầu tiên".

Hoàn tất chấm thi, nhiều điểm liệt môn Toán

Theo thống kê sơ bộ, tại nhiều cụm thi, số thí sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm) môn Toán chiếm tỷ lệ cao. Nhiều cụm thi đánh giá, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ giảm.

Ngày 17/7, nhiều cụm thi tại phía Bắc đã hoàn thành công tác chấm thi. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, tất cả các cụm thi này sẽ không công bố kết quả ngay mà gửi dữ liệu về Bộ. Theo đánh giá chung, tại nhiều tỉnh thành, phổ điểm thi năm nay thấp hơn năm ngoái.

Tại Phú Thọ, ông Cao Văn – Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương - cho biết: “Hiện tại, cụm thi Đại học Hùng Vương đã hoàn thành công tác chấm thi. Trong đó, phổ điểm trung bình từ 5-7. Môn Địa lý có phổ điểm cao nhất, đa số học sinh đều đạt điểm 6 trở lên. Môn Lịch sử, nhiều em bị dưới điểm trung bình. Đặc biệt, ở môn thi Toán, hàng trăm thí sinh bị điểm liệt”.

Tại Bắc Giang, ông Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc Sở GD&ĐT thống kê: Thí sinh đạt điểm cao nhất môn Toán là 6,5. Trung bình các em chỉ đạt 3 điểm, số điểm liệt (dưới điểm 1) không hiếm. Với mức điểm này, ông Hiền cho rằng, tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm so với những năm trước.

Tại Vĩnh Phúc, ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, tỷ lệ thí sinh bị điểm liệt tăng cao, với 250 bài thi, trong đó chủ yếu là môn Toán.

Tại cụm thi Đại học Bách khoa, Hà Nội, môn Toán có phổ điểm tương đối cao, trên 75% số bài thi đạt từ điểm 5 trở lên; 10,5% bài thi đạt 8 điểm trở lên. Tuy nhiên, số bài thi bị điểm liệt cũng rất nhiều, với khoảng 200 bài, chiếm 1,5%.

Trong ba môn xã hội, Địa lý có số điểm cao hơn cả. So với năm ngoái, số thí sinh đạt điểm 10 và khoảng 7-8 nhiều hơn. Số lượng thí sinh đạt điểm dưới 5 ít hơn. Vì vậy, phổ điểm sẽ có sự biến chuyển.

Hiện tại, khâu chấm thi của cụm này đang được hoàn tất.

Tại cụm thi Đại học Vinh, Nghệ An, công tác chấm thi cũng cơ bản hoàn tất, đang vào điểm. GS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Đại học Vinh, cho biết, không có bài thi điểm 10 môn Ngữ văn. Môn Địa lý có nhiều thí sinh đạt điểm 10 nhất.

Thầy Khoa cũng cho biết, cụm thi này này không có bài thi Toán bị điểm 0. Trường sẽ công bố điểm thi cho thí sinh trong những ngày tới.

Các cụm thi phía Nam cũng đã hoàn thành tương đối công tác chấm thi. Tại cụm do Đại học công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Trưởng phòng Đào tạo Thái Doãn Thanh cho biết, đã chấm thi xong và gửi thông tin và phổ điểm cho Bộ GD&ĐT. Năm nay, tại cụm thi của trường, 198 thí sinh bị điểm liệt môn Toán, trong khi những môn còn lại, khoảng 10 bài thi bị điểm liệt. Trừ môn Vật lý, tất cả những môn khác đều có thí sinh đạt điểm 10.

Theo đại diện Sở GĐ&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, cụm thi của tỉnh này đã hoàn tất việc chấm và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT, phổ điểm tập trung 3-6. Toán là môn có nhiều thí sinh bị nhiều điểm liệt nhất.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, tỷ lệ thí sinh bị điểm liệt cao nhất là môn Toán, với 760 học sinh, chiếm 3,44%; các môn khác có tỷ lệ như sau: Ngữ văn 1,09%; Lịch sử 4,35%; Địa lý 2,61%.

Trong đó, 1 thí sinh đạt điểm 10 Lịch sử và 14 thí sinh đạt điểm 10 Địa lý.

Tại cụm thi Đại học Đà Nẵng, Hiệu trưởng Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam cho biết, trường đang hoàn thiện công tác chấm thi, còn môn Ngữ văn chưa chấm xong.

Theo dự kiến, cụm thi sẽ hoàn thành công tác chấm thi vào ngày mai 17/7. Đánh giá chung, điểm của thí sinh năm nay tương đối cao, nhưng ít học sinh đạt điểm tuyệt đối.

Thí sinh bị điểm liệt môn Toán (môn thi bắt buộc), đồng nghĩa với việc trượt tốt nghiệp THPT và không có cơ hội xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

Tuy nhiên, nếu thí sinh bị điểm liệt trong môn tự chọn xét tuyển đại học, cao đẳng, thì không nên quá lo lắng. Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết, nếu thí sinh đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT và có 1 môn thi (ví dụ Sinh học) có kết quả dưới 1 điểm, vẫn có thể dùng kết quả của tổ hợp môn Khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) để xét tuyển.

Thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển trên cơ sở lựa chọn những môn có kết quả thi tốt nhất, phù hợp tổ hợp môn mà trường đại học đó dùng để xét tuyển.

Tuyển thẳng 200 chỉ tiêu vào ĐH Đà Nẵng

Ngày 17/7, ông Nguyễn Đình Khôi Quốc - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng đã có thông báo về quy định tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng vào ĐH Đà Nẵng năm 2015.
Theo đó, thí sinh (TS) tốt nghiệp THPT loại khá trở lên được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ hoặc khoa trực thuộc ĐH Đà Nẵng. Các TS tốt nghiệp loại trung bình được xét tuyển thẳng vào phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum. Tổng chỉ tiêu dành cho tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển là 200 TS.

Nếu số TS đăng ký vượt quá chỉ tiêu thì sẽ căn cứ vào kết quả học tập THPT để xét từ trên xuống. Những TS còn lại nếu có nguyện vọng thì được xét về học ở Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum.

Tuyển sinh lớp 10 ngoài công lập: 15.000 thí sinh nhưng có tới 100.000 chỗ học

Những tưởng, thời điểm này, sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 công lập, phòng tuyển sinh của các trường THPT ngoài công lập sẽ tấp nập vì học sinh (HS) không vào được trường công sẽ chọn trường tư.

Trong vai phụ huynh, chúng tôi dạo quanh một số trường THPT để tìm hiểu thông tin đăng ký học. Tại một trường dân lập trên đường Thái Phiên (Q.11), gần như suốt buổi chiều, chúng tôi quan sát thấy chỉ có một phụ huynh vào tìm hiểu thông tin.
Được biết, trường này cam kết với phụ huynh mức học phí sẽ ổn định trong 3 năm và có chính sách miễn giảm học phí tùy theo kết quả HS đạt được trong từng học kỳ. Đặc biệt, ngoài nhân viên tư vấn giải đáp thắc mắc cho phụ huynh thì hiệu trưởng nhà trường cũng trực tiếp giới thiệu. Tuy nhiên sau đó, phụ huynh này cũng ra về, suy nghĩ thêm, chứ chưa đăng ký học ngay.
Tương tự, tại Q.Tân Phú, sau khi bảo vệ của một trường THPT trên đường Hòa Bình chỉ phòng đăng ký học lớp 10, phóng viên được người phụ trách tuyển sinh tiếp với thái độ không mấy mặn mà. Người này cho rằng do không có nhiều HS thành phố quan tâm nên trường tuyển HS ngoại tỉnh là chủ yếu.
Giải thích thực trạng này, một quản lý của Trường dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình) cho hay: “Mỗi năm trung bình có gần 15.000 thí sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập trong khi hệ thống trường ngoài công lập với khoảng 90 trường cùng trung tâm GDTX ở 24 quận, huyện, các trường TCCN, trung cấp nghề... có đến 100.000 chỗ học dành cho những em này. Do vậy, thị phần ngày càng nhỏ hẹp, sự cạnh tranh ngày một khốc liệt”.
Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường dân lập Thanh Bình, cho biết để thu hút HS, ngoài việc phải thay đổi, nâng cao chất lượng thì hệ thống trường này phải sử dụng nhiều kênh thông tin quảng bá.

Trong kỳ thi tuyển sinh 2015 lớp 10 vào đầu tháng 6 vừa qua, hầu hết các hội đồng thi đều có nhân viên các trường dân lập đến phát tờ rơi, giới thiệu phụ huynh mô hình trường học, các chế độ ưu đãi, miễn giảm... Một nhân viên tư vấn của Trường THPT dân lập A.D.V (Q.Tân Phú) cho hay: “Trước mùa tuyển sinh, nhà trường tổ chức đoàn tư vấn đi hầu hết các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Vì vậy mấy năm nay, HS của trường đều từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai…”. Vì vậy, trong thời gian cao điểm cho việc đăng ký học lớp 10, phải là những trường có uy tín, có kinh nghiệm và đã hoạt động được 20 năm mới có khoảng 30 HS đăng ký nhập học mỗi ngày.
Số HS không trúng tuyển còn lại chủ yếu đăng ký học tại trung tâm GDTX hoặc các trường TCCN...
Tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5), tính từ ngày 13.7 đến nay, trung bình mỗi ngày có 100 HS đăng ký. Theo ông Phan Minh Khoa, Phó giám đốc trung tâm, mỗi năm trung tâm tuyển được xấp xỉ 600 HS. Tương tự, ông Phan Văn Việt, Giám đốc Trung tâm GDTX Tân Bình, cũng thông tin đến thời điểm này trường tuyển được 50% chỉ tiêu, tức là khoảng gần 400 HS.
Trước thực tế trên, ông Lê Văn Linh nói: “Mấy năm trước có khi đến cuới tháng 6 là trường đã nhận đủ chỉ tiêu nhưng từ 2 năm trở lại đây, hầu như trường đều tuyển đến khoảng giữa tháng 8. Thật sự, mức độ chênh lệch về học phí giữa các trường tư và trung tâm GDTX là yếu tố quyết định nhiều nhất”.

Tổng hợp