>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Thí sinh đổ xô rút hồ sơ xét tuyển trong giai đoạn nước rút

Hôm nay (17/8), các trường đại học top đầu đã tiếp nhận một lượng lớn lên tới vài trăm thí sinh đến rút hồ sơ tại mỗi trường.
Chỉ còn 3 ngày nữa sẽ kết thúc thời gian các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 2015. Khi thời gian không còn nhiều, cuộc chạy đua vào các trường lại càng cam go.

Trong ngày 17/8, các trường Đại học top đầu tiếp nhận một lượng lớn thí sinh đến rút hồ sơ, trong đó có cả những thí sinh mới chỉ mấp mé ở ngưỡng điểm trượt nhưng cũng đã đến rút để nộp đi nơi khác. Một số trường đang lo ngại, sau khi các thí sinh rút hàng loạt hồ sơ thì chỉ tiêu vào trường sẽ bị thiếu.

Trong khi đó, hiện tại có những thí sinh vẫn chưa chịu nộp hồ sơ, dù chỉ còn 3 ngày nữa là hết hạn.

Trên thực tế, hiện tượng thí sinh đổ xô vào nộp và rút hồ sơ diễn ra chủ yếu ở các trường đại học top trên. Tại các trường top giữa, tình hình không quá căng thẳng. Các trường top dưới lại đang thừa chỉ tiêu, số lượng hồ sơ nộp vào rất ít.

Xét tuyển ĐH, CĐ: Sát giờ G, thí sinh vẫn tấp nập rút - nộp hồ sơ

Dù thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ đang bước vào giai đoạn nước rút, nhưng hiện các thí sinh vẫn tấp nập rút - nộp hồ sơ.
Kỳ thi xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm nay đang bước vào giai đoạn nước rút với sự lo lắng hồi hộp của các em thí sinh và gia đình. Đặc biệt, bản thân các trường Đại học cho đến thời điểm này cũng không khỏi lo ngại, khi tại một số trường đã có một lượng lớn thí sinh đến rút hồ sơ. Tính đến 17h00 ngày 17/8, hàng loạt trường Đại học đã công bố điểm chuẩn dự kiến của mình. Tuy nhiên, không ai dám chắc đây sẽ là điểm chuẩn được chốt cuối cùng, vì lượng hồ sơ rút ra - nộp vào vẫn đang có nhiều biến động.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại Đại học Y Hà Nội, ngày 17/8 là ngày lượng thí sinh đến rút hồ sơ ra cao nhất trong các ngày, tuy nhiên vẫn có thí sinh nộp hồ sơ vào. Trường này cũng đã công bố điểm chuẩn dự kiến của 2 ngành cao nhất Y đa khoa và bác sĩ Răng hàm mặt là 27 điểm trở lên. Theo dự đoán của lãnh đạo trường, điểm chuẩn dự kiến vào các ngành không giảm, nhưng cũng sẽ không tăng đột biến trong những ngày tới, có thể chỉ nhích lên khoảng 1 điểm.

Trong khi đó, Đại học Dược đưa ra điểm chuẩn dự kiến hiện ở mức 26, 75. Còn với Đại học Ngoại thương Hà Nội, ngành Kinh tế đối ngoại có điểm chuẩn dự kiến cao nhất là 27, 25. Ngành thấp nhất có điểm chuẩn là 24.

Trong khi đó, tại một số trường ở top giữa như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Công đoàn, điểm chuẩn dự kiến có những ngành chỉ dao động từ 15-16.

Theo các chuyên gia giáo dục, các thí sinh không nên dồn dập đăng ký vào các trường top cao. Nếu các em yêu thích một ngành nghề cụ thể thì có thể nghiên cứu cơ hội vào ngành đó ở các trường khác có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn. Tránh việc chạy từ trường top cao này sang trường top cao khác.

Trong những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1, để tạo thuận lợi cho thí sinh theo dõi tình hình đăng ký xét tuyển, nhiều trường quyết định cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển theo từng ngày thay vì 3 ngày 1 lần như trước đây.

Xét tuyển ĐH, CĐ: Nộp trước 2 ngày để tránh rủi ro

Ông Nguyễn Quang Dong- Trưởng phòng Đào tạo- ĐH Kinh tế Quốc dân khuyên, nếu thí sinh chưa nộp hồ sơ thì ngày hôm nay 18-8 cần nhanh chóng đăng ký vào các trường mình mong muốn nhằm tránh những rủi ro.

Theo ông Dong, khi thí sinh nộp hồ sơ trước hai ngày, các trường có điều kiện sắp xếp danh sách thí sinh theo thứ tự từ cao xuống, thí sinh sẽ dễ nhận biết vị trí của mình.

"Hơn nữa, đến ngày 19- 8 sẽ có thông tin của ngày 18-8. Nếu ngày 19 thí sinh mới nộp, các trường sẽ không kịp cập nhật thông tin để thí sinh nắm được", ông Nguyễn Quang Dong nói.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Thắng- Phó trưởng Phòng Đào tạo- Đại học Bách Khoa, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng bao nhiêu lần cũng được. Tuy nhiên thời gian cho phép thay đổi nguyện vọng được kéo dài đến 11 giờ ngày 19-8. Đặc biệt, nếu ngày 19-8, thí sinh mới nộp, cán bộ tuyển sinh không xử lý kịp thì độ rủi ro sẽ rất cao.

"Hơn nữa, tại thời điểm này các trường đã cập nhật điểm xét tuyển trên website của trường. Do đó, thí sinh không nên để đến ngày cuối cùng mới nộp", ông Thắng khuyến cáo.

Cũng theo ông Thắng, đến chiều 17-8, trường đã nhận được hơn 7.500 hồ sơ, trong đó số hồ sơ đã rút là trên 1.000.

Tại ĐH Thủy Lợi, theo ông Trịnh Minh Thụ- Phó Hiệu trưởng nhà trường, tính đến hết ngày 17-8, trường có khoảng 2.500 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1.

"Chỉ tiêu năm nay trường lấy là 2.920 thí sinh cho tất cả các khoa. Mấy ngày nay, số lượng thí sinh nộp vào nhiều hơn rút ra, chủ yếu thí sinh đến thay đổi nguyện vọng", ông Thụ nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bắt đầu từ ngày hôm nay, lượng thí sinh đến nộp- rút hồ sơ tại các trường ĐH, CĐ khá lớn. Hầu hết những thí sinh nộp hồ sơ là thí sinh đạt điểm số cao, thí sinh rút hồ sơ là thí sinh đạt ngưỡng điểm "chấp chới" giữa trượt và đỗ.

Đối tượng xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ có liên quan đến nghĩa vụ quân sự

Hỏi: Xin được hỏi, chế độ tuyển thẳng vào đại học của những người đi nghĩa vụ quân sự được quy định như thế nào? – Lêu Văn Hữu (lehuu***@gmail.com).

* Trả lời:

Theo thư bạn viết, chúng tôi có thể hiểu là bạn đang quan tâm đến đối tượng được xét tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về vấn đề này, chúng tôi xin được tư vấn như sau: Theo Điểm b, Khoản 2 Điều 7 Quy chế Tuyển sinh đại học cao đẳng 2015 hệ chính quy (Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT Ngày 26/2/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) quy định về các đối tượng được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ như sau:

Người đã trúng tuyển vào các trường, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào, được từ cấp trung đoàn trong quân đội hoặc Tổng đội thanh niên xung phong giới thiệu, nếu có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn về sức khoẻ, có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ thì được xem xét nhận vào học tại trường trước đây đã trúng tuyển.

Nếu việc học tập bị gián đoạn từ 3 năm trở lên và các đối tượng được tuyển thẳng có nguyện vọng, thì được xem xét giới thiệu vào các trường, lớp dự bị để ôn tập trước khi vào học chính thức.

Đạt giải Quốc gia năm 2014 được xét tuyển thẳng thế nào?

Thí sinh Kiều Thị Hà My vừa hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Năm 2014, thí sinh đạt giải ba học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học. Theo quy định của trường Đại học Y Hà Nội năm 2014, với giải ba học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, thí sinh chỉ cần thi 3 môn Toán học, Hoá học, Sinh học, mỗi môn trên 5 điểm là được tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa.

Tuy nhiên, năm nay, chính sách ưu tiên với trường hợp đạt giải ba học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học tại trường Đại học Y Hà Nội là được cộng 2 điểm. Thí sinh My hỏi, trường hợp thí sinh sẽ được áp dụng cơ chế ưu tiên của năm 2014 hay 2015?

Trả lời: Theo quy định về hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với bảo lưu chế độ tuyển thẳng: Thí sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, nếu chưa tốt nghiệp THPT được bảo lưu để hưởng chế độ tuyển thẳng (hoặc ưu tiên xét tuyển) sau khi tốt nghiệp THPT theo quy định của các trường tại năm thí sinh đoạt giải.

Như vậy, thí sinh Kiều Thị Hà My sẽ được hưởng chế độ ưu tiên tại năm thí sinh đoạt giải.

Xét tuyển đại học: Thí sinh ảo “đánh lừa” thí sinh thật

-Việc đăng ký 4 nguyện vọng khiến tỷ lệ thí sinh ảo tăng cao, gây rắc rối cho thí sinh trong quá trình kiểm tra thứ hạng trong xét tuyển đại học.

Trong năm đầu tiên triển khai kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, với mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng cho các thí sinh, Cục Khảo thí, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cho phép một thí sinh được đăng ký cùng lúc 4 ngành tại một trường trong 1 nguyện vọng.

Tuy nhiên, việc làm này đang dẫn đến không ít rắc rối cho thí sinh trong quá trình kiểm tra thứ hạng do không thể lọc được lượng thí sinh ảo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, việc cho thí sinh năm nay đăng ký cùng lúc 4 ngành tại một trường là sai lầm của Cục Khảo thí, bởi khi phần mềm xét tuyển chưa đủ thông minh để nhận định thứ tự ưu tiên, tỷ lệ thí sinh ảo tăng cao là điều khó tránh khỏi.

Ông Đỗ Văn Dũng nói: “Cứ nghĩ làm vậy sẽ thuận lợi cho các thí sinh, không ngờ lại tạo ra danh sách ảo. Quy trình xét tuyển của Bộ Giáo dục – Đào tạo mặc dù cho 4 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3, 4 nhưng khi chạy chương trình thì máy đánh giá các ưu tiên đều như nhau. Việc này dẫn đến hệ quả rất lớn. Đó là các em thích học ngành này sẽ bị bắt học ngành kia”.

Việc không được học đúng ngành nghề mình yêu thích là nỗi lo lớn nhất của các thí sinh trong giai đoạn nước rút của đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút, nộp hồ sơ ồ ạt tại nhiều trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh mấy ngày gần đây.

Thi được 23,5 điểm, thí sinh Trần Thị Bích Huyền đăng ký đủ 4 ngành tại Trường Đại học Sài Gòn, trong đó Sư phạm Anh là ưu tiên 1. Thế nhưng, sau một thời gian theo dõi thấy mình không nằm trong tốp thí sinh an toàn của ngành này, Huyền quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác mặc dù khả năng trúng tuyển 3 ngành còn lại khá cao.

Trần Thị Bích Huyền chia sẻ: “Việc có thể rút hồ sơ và một lần đăng ký nguyện vọng có thể đăng ký 4 ngành cũng có lợi, nhưng làm như vậy lỡ có bạn ở trường cao hơn khi thấy tình hình không ổn lại chuyển qua trường này, thì những người yêu thích những ngành của trường này lại bị đẩy ra ngành khác. Cuối cùng sẽ không có ai được học đúng ngành mà mình yêu thích”.

Nhận thấy những rắc rối có thể gặp phải trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 của kỳ thi “2 chung”, thí sinh Phan Thị Minh Thư ở huyện Bình Chánh (TP HCM) quyết định chỉ đăng ký duy nhất một ngành là Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Thư cho biết, nếu nằm ngoài số chỉ tiêu trường cần, em chấp nhận chuyển sang trường đại học có điểm xét tuyển dự kiến thấp hơn, chứ không muốn phải vào một ngành không phù hợp.

Thí sinh Phan Thị Minh Thư nói: “Ngoài vấn đề thí sinh ảo và có thể học không đúng ngành ra, em thấy căng thẳng hơn. Lúc trước mỗi bạn chỉ cần tập trung vào một ngành, thì lúc theo dõi các bạn cũng chỉ cần theo dõi điểm chuẩn của một ngành ở một trường. Còn bây giờ, ai cũng phải tính toán hết 4 ngành xem cơ hội mình đậu vào trường đã chọn nhiều hay ít để quyết định rút, nộp hồ sơ”.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, nếu năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo vẫn hạn chế mỗi thí sinh chỉ được phép chọn một ngành cho mỗi đợt xét tuyển thì sẽ không gây ra tình trạng rối loạn như hiện nay.

Với tình hình này, sẽ có nhiều thí sinh phải học trái ngành hoặc “mất trắng” nguyện vọng 1 do không xác định được vị trí của mình.