Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Hình minh họa học sinh chúc mừng tết thầy cô ngày 20-11
Như thành thông lệ, ở các thành phố lớn việc các phụ huynh rỉ tai nhau sẽ “phong bì” bao nhiêu vào ngày 20/11 cho thầy cô đã trở thành một thứ “lót tay”, “bôi trơn” không thể thiếu.
Những năm trước, cứ đến ngày 20/11 các bậc phụ huynh lại tất bật chuẩn bị cho con mình những bó hoa tươi thắm dâng tặng thầy cô. Tuy nhiên, trong đời sống kinh tế thị trường hối hả hiện nay, những đạo lý đẹp đó dần bị thay thế cho một thứ cực kỳ tiện lợi, đó là “phong bì”.
Phong bì càng dày, thầy cô càng nhớ lâu?
Mới có con học lớp 5, vậy mà những ngày này chị Minh (Nghĩa Tân, Hà Nội) đang rất hối hả chuẩn bị những món quà thật độc để tặng các thầy cô. Để mua được những món quà ưng ý tặng cho thầy cô, chị Minh phải nghiên cứu từ rất lâu về sở thích của từng người. Bao nhiêu thầy cô là bấy nhiêu những món quà khác nhau, trong những món quà đó không thể thiếu cái phong bì. Nếu tính sơ sơ thì với quà và phong bì cho các thầy cô đã ngốn của chị Minh gần 4 triệu đồng. “Một lớp đông học sinh như thế những ngày này ai chả có quà cho cô. Nếu không có món quà thật đặt biệt, kèm theo cái phong bì không thể “từ chối” liệu cô có nhớ tới con mình. Với lại năm nay con mình học cuối cấp, không như thế liệu điểm có cao(?)”- chị Minh cho biết.
Cũng như chị Minh, với phương châm “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” gia đình chị Thảo (Phố Huế, Hà Nội) cũng đang bắt đầu chiến dịch “chăm sóc” thầy cô nhân ngày này mặc dù con chị đứa lớn học lớp 4 đứa nhỏ mới học lớp 1. Việc tới thăm nhà thầy cô, biếu quà… tất cả cứ lần lượt từ thầy cô chủ nhiệm cho tới các cô dạy Nhạc, Tiếng Anh…, ai ai cũng có phần. Với cô chủ nhiệm, phong bì xoàng nhất cũng phải 500 nghìn. Theo lý giải của chị Thảo: “Vì con mình đang học lớp vỡ lòng, lớp này cực kỳ quan trọng trong sự phát triển sau này của các cháu. Mình cố gắng tạo ấn tượng tốt với cô cho còn mình được chú ý”.
Tiền phong bì bằng tiền lương dạy cả năm
Với số tiền mà chị Minh hay chị Thảo bỏ ra để “tri ân” các thầy cô nhân ngày lễ Hiến chương mới thấy, số tiền mà các thầy cô nhận được nhân ngày này quả là không nhỏ. Một giáo viên tên Y. tiết lộ, trước chị dạy hợp đồng cho một trường làng ở Chúc Sơn, sau khi vay mượn được hơn 100 triệu để “làm quà”, chị đã được chuyển ra một trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội). Vậy mà sau một năm dạy, số tiền mà phụ huynh phong bì cho chị vào những ngày như 8/3, 20/10, Rằm trung Thu, 20/11, Tết Dương lịch, Âm lịch,... còn hơn cả lương giảng dạy của chị trong cả năm và hơn nữa chị đã trang trải hết nợ nần. Cứ đà này theo chị Y. sang năm chị có thể mua được xe máy xịn.
Khác hẳn với không khí nô nức của các phụ huynh cùng các thầy cô ở những thành phố lớn, ở ngoại thành hay những vùng thôn quê phụ huynh ở đây vẫn “lặng như tờ”. Cô T. giáo viên ở Chương Mỹ (Hà Nội) chia sẻ, thường thì phụ huynh ở đây không bao giờ lễ tết thầy cô bằng phong bì. Dạy trường làng, có khi học sinh nửa lớp là có họ hàng với cô giáo thì có ai dám nhận phong bì của phụ huynh. “Mặc dù giáo viên trường mình còn rất nghèo nhưng không nhận phong bì, mình cảm thấy tâm hồn rất thanh thản. Chỉ mong những ai đã sang sông thì nên nhớ tới người chèo đò. Đó là điều mà mình mong muốn nhất”- chị T tâm sự.
Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày để các thế hệ học trò tri ân người thầy, người cô đã dìu dắt mình, đã trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bước vào đời. Tưởng nhờ và có những món quà nho nhỏ kính tặng thầy cô là điều nên làm. Nhưng nếu lạm dụng để hy vọng thầy cô thiên vị cho con em mình thì phải suy nghĩ lại. Suy cho cùng, ngày 20/11 vẫn là ngày của tình thầy - trò. Giúp cho con biết được ý nghĩa thiêng liêng của ngày này, là các đấng sinh thành đã dạy con một nét văn hóa đẹp. Đừng để cho thế hệ tương lai học thói quen sử dụng “văn hóa phong bì” như một phương tiện giải quyết tất cả mối quan hệ.
Liệu "Văn hóa phong bì" có khiến tình cảm thầy trò ngày nay đã mất đi hết các giá trị tốt đẹp vốn có trước kia? Ý kiến của độc giả xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.