Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Minh họa: Làm giáo viên chủ nhiêm luôn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khac nhau
Nếu ví trường học là một sân khấu thì giáo viên chủ nhiệm là một diễn viên đa năng và có nhiều “đất diễn” nhất.
Trăm dâu đổ đầu chủ nhiệm
Theo quy định của ngành giáo dục, thời lượng công tác chủ nhiệm lớp chỉ chiếm 4,5 tiết/tuần. Tuy nhiên, đó chỉ là “quy định trên lý thuyết”, bởi thực tế công việc chủ nhiệm lớp chiếm gấp nhiều lần thời lượng ấy: hoạt động ngoài giờ lên lớp, lồng ghép, tích hợp dạy kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, tham gia họp hành, hội thi, phong trào, thu học phí, bảo hiểm, y tế... cùng với ngàn lẻ một nhiệm vụ không thể tránh khỏi. Thầy Lê Minh Châu, giáo viên chủ nhiệm lớp 11B trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: “Ngoài sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm còn tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp mỗi tuần hai tiết. Để có hai tiết này, phải bỏ ra rất nhiều thời gian để soạn giáo án, viết kịch bản, tập dợt...”
Nhiều giáo viên cho rằng, giáo viên chủ nhiệm gần như là người giúp việc đa năng: nhận mệnh lệnh từ hiệu trưởng và có nhiệm vụ lãnh đạo tập thể học sinh thực hiện kế hoạch dạy học giáo dục đề ra; giám sát và phản hồi tình hình lớp đến gia đình và nhà trường… Bên cạnh đó, giáo viên còn phải dạy với số tiết đảm bảo theo quy định của bộ Giáo dục và đào tạo và tham gia nhiều buổi họp hành, làm vô số các loại sổ sách, hồ sơ, hội thi, phong trào, chịu trách nhiệm thu các khoản thu của nhà trường như học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, quỹ của hội cha mẹ học sinh… “Những công việc này rất mất thời gian và chẳng may không thể hoàn thành tốt đều bị xét thi đua. Gần đây, khi các vụ bạo lực học đường gia tăng, gánh nặng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh lại được đặt trên vai giáo viên chủ nhiệm”, một cô giáo bộc bạch.
Hết giờ nhưng không hết việc
Giờ giải lao, giáo viên chủ nhiệm chưa kịp nghỉ ngơi, thế nào cũng có thầy cô bộ môn này, bộ môn khác đến “kể tội” học trò của mình. Những giờ có tiết bộ môn mình phụ trách, nhiều giáo viên chủ nhiệm tranh thủ giải quyết những vấn đề của lớp học. Khi tiếng chuông báo hiệu hết giờ, giáo viên chủ nhiệm phải tranh thủ gặp riêng ban cán sự lớp để nghe báo cáo về tình hình lớp học trong ngày…
Thậm chí, tại nhiều trường, giáo viên chủ nhiệm kiêm cả công việc “dạy kèm”. Đơn cử tại trường THCS Bạch Đằng, năm nay do phải chủ nhiệm một lớp có gần 70% là học sinh trung bình và yếu, mỗi buổi chiều thầy Trần Tuấn Anh phải tranh thủ ở lại dò bài và kèm các học sinh yếu kém. Tối về đến nhà, thầy không quên lên mạng để xem hộp thư, tin nhắn của học sinh tâm sự chuyện gia đình, học hành…
Nhiều nữ giáo viên cho biết, để đầu tư vào công tác chủ nhiệm, họ buộc phải sử dụng quỹ thời gian dành cho gia đình, bởi 4,5 tiết/tuần hoàn toàn không đủ để giải quyết hết việc công việc làm chủ nhiệm lớp. Chưa kể, ngoài công tác chủ nhiệm, các giáo viên còn phải lo chuyên môn giảng dạy, thậm chí kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác trong trường: tổ trưởng bộ môn, bí thư chi đoàn, chuyên viên tư vấn phòng tâm lý học đường.
Cô Phạm Thị Minh Ngọc, giáo viên trường THPT Trần Khai Nguyên cùng một lúc đảm nhiệm nhiều vai trò: giáo viên chủ nhiệm một lớp 12, giáo viên bộ môn lý và kiêm luôn “nhân viên tư vấn học đường”. Cô cho biết: “Làm xong việc nhà, sau 9 giờ tối, mình phải tranh thủ làm tiếp việc còn dang dở. Thậm chí điện thoại luôn trong trạng thái mở dù sau 12 giờ khuya, vì nhiều khi phụ huynh, học sinh cần gọi”. Cô Đinh Thị Ngọc Nhung, giáo viên trường THCS Nguyễn Gia Thiều cho biết: “Vừa làm công tác chủ nhiệm, mình vừa phải chăm sóc hai đứa con nhỏ đang học mẫu giáo.
Ngoài ra, ở trường mình còn làm công tác thanh tra, tổ trưởng bộ môn văn và tổ trưởng bộ mạng lưới chuyên môn quận. Do đó, quỹ thời gian của mình rất eo hẹp, phải tranh thủ từng giây từng phút, thậm chí những ngày nghỉ để đảm bảo xử lý hết việc nhà và việc trường lớp”...
Cô Phạm Thị Minh Ngọc, giáo viên trường THPT Trần Khai Nguyên cùng một lúc đảm nhiệm nhiều vai trò: chủ nhiệm một lớp 12, giáo viên bộ môn lý và kiêm luôn “nhân viên tư vấn học đường”. Ảnh: Hồng Thái
Thực tế diễn rakhác xa quy định
Theo một thông tư của bộ về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, thì mức tiết dạy trong một tuần của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên THCS là 19 tiết, giáo viên THPT là 17 tiết. Bộ cũng quy định chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm các cấp được giảm 3 – 4 tiết/tuần. Giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác trong nhà trường cũng được giảm 2 – 4 tiết/tuần.
Tuy nhiên, bộ cũng yêu cầu để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá hai chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất. Như vậy, giáo viên chủ nhiệm dạy khoảng 17 – 19 tiết/tuần, trong đó bao gồm luôn 4,5 tiết sinh hoạt chủ nhiệm, tức là số giờ dạy của họ phải được giảm xuống. Tuy nhiên hiện nay, tại các trường THCS và THPT, nhiều giáo viên vừa dạy học vừa làm chủ nhiệm lớp, thậm chí kiêm luôn các công việc khác. Sự kiêm nhiệm đó dường như đang đặt nặng lên vai người giáo viên một khối lượng công việc quá sức!
ÔNG NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TP.HCM:
Làm nhiều nhưng chế độ phụ trội không đổi
“Trên thực tế, giáo viên chủ nhiệm làm thêm những việc ngoài giờ tương đối nhiều, nhưng cũng chỉ có thể hưởng phụ trội theo quy định của Nhà nước tuỳ thâm niên của giáo viên mà thôi. Việc lựa chọn phân công, bố trí giáo viên nào làm công tác chủ nhiệm là do hiệu trưởng cân nhắc và quyết định.
Do giáo viên chủ nhiệm là người thường xuyên tiếp xúc với học sinh, phụ huynh, do đó, phải lựa chọn giáo viên đã có một số năm công tác tại trường và trực tiếp giảng dạy để bố trí làm chủ nhiệm lớp. Ngoài ra, khi bố trí, phân công cũng cần chú ý tới tính phù hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với đối tượng tập thể học sinh, và lưu ý tới hoàn cảnh gia đình của giáo viên cũng như những công việc hiện tại mà giáo viên đã và đang đảm nhận. Tránh giao công tác chủ nhiệm cho những giáo viên đang giữ hai chức vụ”.