Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

dang_sau_nghe_go_dau_tre

Chăm sóc rất nhiều học trò nhưng cô Ái Thanh lại không thể đưa đón con mình đến trường.


Ngoài áp lực của công việc, không phải giáo viên nào cũng may mắn nhận được sự thông cảm từ gia đình. Không có thời gian cho cuộc sống riêng, đời sống thiếu thốn là lý do nhiều người phải lựa chọn công việc hay gia đình.

"Tôi thèm được đón con đi học"

Hơn 25 năm dạy mầm non, trực tiếp chăm sóc hàng chục thế hệ học trò nên khi nghe cô Ái Thanh (GV trường mầm non Tuổi Thơ 7, Q.3, TPHCM) nói khát khao được đưa đón con tới trường nhiều người phải chảy nước mắt.

 

Như các đồng nghiệp, chị Thanh bắt đầu công việc ở trường từ 6h30 sáng và kết thúc sớm nhất cũng phải gần 6 giờ tối nên đưa đón con là điều quá xa xỉ. Những lúc đón trẻ từ phụ huynh, thấy các bé quấn quýt tạm biệt bố mẹ chị không khỏi mủi lòng. Điều rất bình dị của những người mẹ nhưng với chị không dễ thực hiện mà phải “khoán” cho người giúp việc. “Bây giờ ai hỏi tôi thèm gì nhất, tôi trả lời ngay tôi thèm được đón con đi học”, chị Thanh nói.

 

Buổi tối ở nhà, chị cũng chẳng thể dành sự quan tâm chăm sóc trọn vọn cho gia đình bởi cả ngày loay hoay với hàng chục trẻ chị "đuối" đến mức nhiều hôm nói không ra hơi, nằm xoải người ngủ lịm đi. Hơn nữa, công việc không phải lúc nào cũng được giải quyết ở trường, hầu hết GV vẫn phải đưa việc về nhà.

 

Có lần ông xã chị công tác xa, con ở nhà bệnh, người giúp việccũng chỉ dám gọi cho chồng chị Thanh để rồi anh hỏi “Bà xã tôi đâu?”. Nhiều lần con bệnh nhưng công việc ở trường lớp không phải lúc nào chị cũng có thể về với con được ngay.

 

Lương chị chỉ đủ trả cho người giúp việc, chị may mắn hơn nhiều người khi không phải lo về kinh tế gia đình. Nhiều lần ông xã kêu chị nghỉ việc ở nhà chăm con, chị thấy đề nghị cũng hợp lý nhưng chị từ chối khi mà tình yêu trẻ trong mình còn rất lớn.

 

Chị Ái Thanh chia sẻ thêm gần đây báo chí đề cập nhiều về đời sống khó khăn của GV, đặc biệt là GV mầm non, chị đều in ra về cho mọi người trong gia đình đọc để thông cảm hơn cho công việc của mình. Thế nhưng theo chị những khó khăn đó chỉ mới là “bề nổi”, còn rất nhiều “phần chìm” do tác động từ nghề mà GV rất ngại đề cập.

 

Trường hợp của cô L, một GV tâm huyết với nghề nhưng cuối cùng đã phải nghỉ dạy trong nước mắt. Cô L bị hiếm muộn nhưng công việc dạy trẻ cứ cuốn cô đi cho đến gần 10 năm trời, không có thời gian để chữa trị. Đến khi hạnh phúc gia đình đứng bên bờ vực tan vỡ, cô L buộc phải lựa chọn giữa gia đình và công việc.

 

Ngày chia tay với đồng nghiệp và học trò, cô L nghẹn ngào không nói nổi một lời. Cô phải từ bỏ đam mê của mình để thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ… Cô hiệu trưởng dặn dò nếu sau này cô L muốn đi dạy lại, trường sẽ nhận ngay. Nói vậy nhưng mọi người đều biết thật khó để có ngày đó khi mà không ít GV khác cũng phải bỏ nghề vì thiếu sự cảm thông từ gia đình.

Nước mắt người thầy

Trọng trách “giỏi việc nước, đảm việc nhà” với phụ nữ đã khó thì với chị em làm nghề giáo càng khó hơn. Một GV lâu năm trong nghề chia sẻ, phía sau nụ cười của nhiều thầy cô là nước mắt. Không có thời gian, điều kiện vun vén cho hạnh phúc riêng cũng là lý do nhiều mái ấm gia đình người thầy tan vỡ hoặc họ phải chấp nhận cuộc sống căng thẳng.

Không chỉ nữ GV mà nam GV cũng gánh nhiều áp lực. Nghề sư phạm với người được xem trụ cột trong gia đình rất chông chênh. Áp lực về kinh tế đổ lên đầu, nhiều thầy phải làm thêm hoặc nghỉ dạy tìm việc khác có thu nhập hơn. Nhiều thầy có vợ kiếm ra tiền, may mắn không phải lo kinh tế cũng không có nghĩa là có thể dành tâm huyết cho nghề nếu không được vợ hiểu và thông cảm. “Công việc không còn “sang”, chỉ kiếm được vài đồng lẻ mà không có thời gian cho gia đình, con cái… thì cuộc sống gia đình đúng là không dễ bình yên.

 

Thầy Ng, một GV cấp 2 đã nghỉ việc cho biết nếu chỉ áp lực công việc thầy cô đã xác định theo nghề đều cố gắng để vượt qua. Nhưng thực tế nhiều thầy cô gặp rất nhiều áp lực “chìm” mà ít người thấy. Bản thân thầy Ng, khi gia đình vượt qua được cuộc sống vất vả nhờ bàn tay vợ thì thầy gánh dần việc nhà cửa, con cái… vì không làm ra tiền. Thầy cố gắng đến trường từng nào thì việc nhà rối rắm đến đó. Cuối cùng thầy Ng đành nghỉ việc.

 

Trong một buổi tập huấn tư vấn học đường cho GV tại TPHCM, TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) chia sẻ hiện nay GV bị quá tải, điều kiện sống khó khăn, cuộc sống đối mặt với rất nhiều áp lực từ công việc, gia đình nên hầu hết thầy cô bị mệt mỏi, căng thẳng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thầy cô dễ gặp sai sót hay có những hành động, thái độ kỳ quặc trong việc dạy học. Bà Hồng nhấn mạnh, không riêng gì học sinh mà GV cũng rất cần được tư vấn tâm lý, được giải tỏa kịp thời những căng thẳng của mình.

 

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (dantri)

Bài: Đằng sau nghề gõ đầu trẻ