Thứ trưởng Giáo dục nói về thay đổi trong thi THPT Quốc gia 2016

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có một số điểm mới trong việc tổ chức thi, xét tuyển, thực hiện tính điểm ưu tiên. Để giúp thí sinh hiểu rõ hơn về những điều chỉnh trong kỳ thi năm nay, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

PV: Thưa Thứ trưởng, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có những thay đổi,  điểm mới nổi bật nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có những điểm mới nổi bật như: Bộ GD-ĐT tổ chức các cụm thi THPT do trường ĐH chủ trì ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cho thí sinh xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Nếu như kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức 38 cụm thi liên tỉnh thì kỳ thi năm nay có khoảng 70 cụm thi để thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đối với việc xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, Bộ có điều chỉnh một số quy định về số lượng trường, ngành nghề của đợt I và các đợt bổ sung cũng như xét tuyển theo nhóm trường. Điểm mới việc đăng ký xét tuyển năm nay là mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển.

Trong các đợt xét tuyển các đợt bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.

Ngoài ra, năm nay, Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn xét tuyển vào hệ CĐ và thay vào đó là thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể xét tuyển vào các trường CĐ.

Đối với chính sách ưu tiên, Bộ GD-ĐT thu hẹp đối tượng ưu tiên được tuyển vào các trường ĐH, CĐ nhưng vẫn giữ mức chênh lệch điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.

Thí sinh có nhiều quyền lợi khi xét tuyển theo nhóm

PV: Thưa Thứ trưởng, năm nay, Bộ GD-ĐT thực hiện xét tuyển theo nhóm trường. Liệu việc xét tuyển này sẽ tác động đến thí sinh như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực hiện xét tuyển theo nhóm vừa có lợi cho nhà trường và thí sinh.

Các trường ĐH xét tuyển theo nhóm đều phải thực hiện những quy định chung của nhóm đề ra. Nếu thí sinh đã trúng tuyển vào trường nào thì không được xét tuyển vào trường khác. Điều này sẽ giúp cho các trường khắc phục được tình trạng thí sinh “ảo”.

Khi đăng ký xét tuyển theo nhóm, thí sinh được quyền sử dụng tất cả các nguyện vọng của mình để đăng ký xét tuyển vào nhóm trường có cùng ngành. Ví dụ như, thí sinh xét tuyển ở đợt I thì có thể đăng ký vào 4 trường khác nhau trong cùng một nhóm có ngành Cơ khí. Còn nếu các em đăng ký vào các trường độc lập thì chỉ được xét tuyển vào 2 trường.

Việc xét tuyển vào nhóm trường còn khắc phục được tình trạng thí sinh có thể đạt điểm cao nhưng bị trượt ĐH vì số lượng thí sinh “ảo” nhiều khiến các em không biết đăng ký như thế nào.

Điểm ưu tiên của thí sinh được tính theo thời gian học

PV: Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn về những thay đổi trong việc thí sinh được hưởng và xét điểm ưu tiên vào ĐH, CĐ?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc xét tuyển thí sinh thuộc diện ưu tiên đối tượng I năm nay được quy định cụ thể hơn trong thời gian các em học THPT ở các xã thuộc khu vực I. Còn thí sinh có thời gian học THPT ở nhiều trường thì quy định một khoảng thời gian cụ thể thì mới được hưởng điểm ưu tiên theo hộ khẩu thường trú.

Đối với các trường THPT do thay đổi địa giới hành chính, chuyển địa điểm hoặc thay đổi cấp hành chính dẫn đến thay đổi mức ưu tiên khu vực thì mỗi giai đoạn hưởng mức ưu tiên khác nhau, trường sẽ được gán một mã trường khác nhau cùng với một mức ưu tiên khu vực phù hợp.

Thí sinh căn cứ thời gian học tập tại trường THPT chọn và điền đúng mã trường theo các giai đoạn để được hưởng đúng mức ưu tiên theo khu vực (Ví dụ: Trường THPT Nguyễn Đình Liễn từ  năm 2013 về trước đóng trên địa bàn xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, Tỉnh Hà Tĩnh thuộc KV2-NT.

Từ năm 2014, trường chuyển đến địa bàn Xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Tỉnh Hà Tĩnh thuộc KV1. Vậy trường này sẽ được gán 2 mã khác nhau: Mã 068 - gán cho trường trong thời gian từ năm 2013 về trước; Mã 053 - gán cho trường trong thời gian từ năm 2014 đến nay. Nếu thí sinh học tại trường này từ năm 2013 đến năm 2015, lớp 10 sẽ khai mã trường là 068, lớp 11 và lớp 12 khai mã trường là 053).

Việc quy định chặt chẽ tính điểm ưu tiên cho thí sinh nhằm khắc phục tình trạng thí sinh nhầm lẫn nên khai không đúng đối tượng được hưởng. Do đó, đến khi nhập học, các trường kiểm tra thì nhiều thí sinh không đủ điểm để trúng tuyển.

Căn cứ để thí sinh xét tuyển vào trường, ngành học

PV: Điểm mới của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 là thí sinh không được nộp-rút hồ sơ và thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Vậy căn cứ nào để thí sinh biết được nên xét tuyển vào trường, ngành nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia nên thí sinh không có căn cứ, số liệu để biết được ngành học của một trường ĐH, CĐ nào đó lấy bao nhiêu điểm.

Tuy nhiên, năm nay, trong đợt đầu tuyển sinh, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào 2 trường ĐH, mỗi trường tối đa 2 ngành. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Ở tất cả các đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.

Căn cứ để thí sinh biết được nên xét tuyển vào trường, ngành nào là các em có thể tham khảo số liệu, điểm thi các ngành ở nhiều trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi của mình.

Khi nào các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển thì trong một thời gian nhất định, thí sinh phải đến trường nộp giấy báo kết quả thi. Nếu quá thời gian quy định, thí sinh không đến nộp thì coi như người đó không học ở trường để thực hiện các công đoạn xét tuyển ở các đợt bổ sung.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!/.

Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thu-truong-giao-duc-noi-ve-thay-doi-trong-thi-thpt-quoc-gia-2016-489914.vov