>> Giáo dục, du học, tuyển sinh, hướng nghiệp, học đường
Thêm vòng sơ tuyển trước khi thi chính thức và đăng ký qua mạng, đó là điểm mới trong tuyển sinh được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện ngay từ năm 2014.
Thông tin chi tiết về kỳ sơ tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội
Theo ông Hoàng Minh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - đây là những bước đi đầu tiên trong lộ trình đổi mới tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sơ tuyển dựa trên kết quả học THPT
- Công tác sơ tuyển sẽ được trường thực hiện như thế nào và bắt đầu từ bao giờ thưa ông?
- Cần nói rõ, năm 2014, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tuyển sinh theo phương thức "3 chung" nhưng sẽ sơ tuyển kết quả học tập THPT của thí sinh trước khi nhận hồ sơ dự thi vào trường.
Phương thức xét tuyển dựa trên tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối thi trong 5 học kỳ THPT đối với thí sinh đang học THPT và 6 học kỳ với thí sinh tự do; lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Thí sinh được hướng dẫn đăng ký sơ tuyển trên trang website tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội (ts.hust.edu.vn) từ 24/2-15/3/2014.
Mỗi thí sinh sẽ được tự động cấp mã số cá nhân để đăng nhập, kiểm tra các thông tin đăng ký dự thi. Với mã số này, thí sinh còn được sử dụng các tiện ích trực tuyến khác như xem địa điểm thi, tự in giấy báo thi, điều chỉnh nhóm ngành (nếu trường cho phép), đăng ký nguyện vọng bổ sung, tra cứu kết quả thi và thông tin hướng dẫn nhập học.
Đối với vùng sâu, vùng xa không có internet, trường sẽ có mẫu hướng dẫn để để các thí sinh gửi đăng ký sơ tuyển qua đường bưu điện.
Thông tin chi tiết về kì sơ tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội
Đây là bước đệm để sau khi cải cách thi, trường sẽ cho thí sinh đăng ký qua mạng, giản tiện hơn rất nhiều.
Kết quả sơ tuyển sẽ được công bố trong ngày 17/3. Sau đó, những thí sinh này sẽ làm các thủ tục nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo quy trình quen thuộc như trước đây của Bộ GD&ĐT.
Thưa ông, vì sao ĐH Bách khoa Hà Nội lại chọn cách thức này?
Hàng năm, nhà trường có khoảng 18.000 - 19.000 thí sinh đăng ký dự thi. Công tác tổ chức rất phức tạp, khối lượng công việc lớn nhưng cũng chỉ có khoảng 62 - 65% các em dự thi. Trong khi đó, nhà trường vẫn phải chuẩn bị cơ sở vật chất cho tất cả thí sinh đăng ký, chuẩn bị cán bộ coi thi nên rất tốn kém.
Việc sơ tuyển không chỉ giảm đáng kể lượng thí sinh ảo, khiến công tác tổ chức thi gọn nhẹ, tăng hiệu quả, chất lượng mà còn giảm tốn kém cho cả nhà trường và thí sinh; tăng cơ hội cho thí sinh thi vào các trường ĐH khác; cũng đồng thời giảm tải cho Thủ đô mỗi kỳ tuyển sinh, từ đó, giảm sức ép xã hội...
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thấy rằng, đây là việc có thể làm được ngay mà không ảnh hưởng đến quy trình chung của Bộ GD&ĐT.
Năm 2014, trường dự kiến chọn lọc khoảng 13.000 thí sinh sau vòng sơ tuyển, trong đó có 12.000 khối A, A1 và 1.000 khối D.
Nếu đây đã là phương án thi chính thức, Trường ĐH Bách khoa có cách nào để thông tin đến được hết các thí sinh khi thời điểm tuyển sinh đã đến gần?
Nhà trường đã đưa những thông tin này vào trong cuốn những điều cần biết gửi Bộ GD&ĐT và gửi đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời sẽ sớm đưa hướng dẫn chi tiết lên trên trang thông tin điện tử của trường. Ngoài ra, sẽ gửi thông tin này tới hầu hết các trường THPT trên cả nước, các Sở, Phòng GD&ĐT; cố gắng đưa thông tin đến tất cả thí sinh, không để thí sinh nào phải thiệt thòi.
Bước đầu tiên của lộ trình đổi mới tuyển sinh
Đây có phải là những cải tiến đầu tiên để tiến tới đổi mới tuyển sinh của Trường không, thưa ông?
Đúng vậy. Trường muốn đổi mới từng bước một, chắc chắn, không gây xáo trộn, ảnh hưởng nhiều đến thí sinh. Kỳ tuyển sinh 2014 sẽ thêm vòng sơ tuyển.
Về sau này, nhà trường cũng sẽ thực hiện tuyển sinh theo 2 bước. Việc sơ tuyển dựa trên kết quả học tập phổ thông, có thể cả trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và một số những năng lực khác.
Qua vòng sơ tuyển sẽ là một kỳ thi nhưng gọn nhẹ hơn. Khi tuyển sinh riêng, ĐH Bách khoa có đủ năng lực để ra đề thi. Đề thi ra theo hướng rộng và không quá khó, đánh giá tốt năng lực người học.
Trường ĐH Bách khoa có khó khăn gì khi chuẩn bị tuyển sinh riêng không, thưa ông?
Nếu yêu cầu tổ chức tuyển sinh riêng ngay, Trường ĐH Bách khoa cũng có thể làm. Tuy nhiên, trong khi toàn hệ thống chưa thay đổi mà trường tách ra đứng riêng cũng rất khó. Nhưng nếu hệ thống các trường công lập, hoặc các trường tốp đầu cùng tách ra riêng thì lại khác. Còn hiện nay, việc này còn chưa rõ.
Chúng tôi mong rằng Bộ GD&ĐT có chủ trương, kế hoạch, lộ trình rõ rệt, cụ thể hơn nữa để trên cơ sở đó làm đề án.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hiếu Nguyễn, báo GDTĐ