Qua 6 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Thống nhất cao việc giữ ổn định kỳ tuyển sinh 2018 - Ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn

4 điểm mới trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011
 

Nói về vấn đề được nhiều sĩ tử quan tâm nhất trong kỳ tuyển sinh 2011, tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác tuyển sinh kết hợp với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học ở cấp phổ thông và xác lập chuẩn đầu ra của sinh viên phù hợp với yêu cầu trình độ nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc đổi mới công tác tuyển sinh, cần phải được nghiên cứu một cách thận trọng, tạo được sự đồng thuận của xã hội và cần có thời gian để thí sinh đổi mới phương pháp học tập. Vì vậy, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN hệ chính quy năm 2011 về cơ bản giữ ổn định, không thay đổi nhiều so với những năm trước.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ tuyển sinh tới dự kiến sẽ có một số điểm mới và điều chỉnh. Trước hết, về đối tượng tuyển sinh, thí sinh có quốc tịch nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam không phải dự thi tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT (học bạ) kết hợp với kiểm tra kiến thức và trình độ tiếng Việt của thí sinh theo quy định của trường để xét tuyển.
 
Điểm mới thứ 2 liên quan đến chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, theo đó, bổ sung chế tài xử lý với hình thức cảnh cáo đối với cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm một trong các lỗi: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đảng ký xét tuyển vào trường; thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời hạn quy định; hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số.
 

Về hồ sơ trúng tuyển của thí sinh, thực hiện Nghị quyết 66/NĐ-CP ngày 23/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nên quy định “nộp hồ sơ trúng tuyển” khi thí sinh trúng tuyển nhập học bị bãi bỏ.

Về thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, để hai ngày cuối của đợt nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo tuyến của Sở GD&ĐT và theo tuyến của các trường ĐH, CĐ không trùng vào ngày thứ 7 và chủ nhật, dự kiến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi sẽ bắt đầu từ ngày 14/3/2011 đến hết ngày 14/4/2011 (nếu theo tuyến của Sở GD&ĐT) và từ ngày 15/4/2011 đến hết ngày 21/4/2011 (nếu theo tuyến của các trường ĐH, CĐ).

Riêng đối với tuyển sinh TCCN, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga sẽ tiếp tục phương thức xét tuyển, trừ các ngành đào tạo năng khiếu, trên cơ sở văn cứ kết quả học tập phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ của thí sinh. Các trường có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, tuyển sinh nhiều loại đối tượng theo quy định với những tiêu chí xét tuyển phù hợp để tuyển sinh theo chỉ tiêu đào tạo đã được phê duyệt của trường.

 

Về việc nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh, thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào TCCN nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đăng ký dự tuyển (qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường) . Ngoài ra, tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh TCCN tại địa phương, các Sở GD&ĐT có thể tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển TCCN của thí sinh trên địa bàn và chủ động bàn giao cho các trường theo kế hoạch và yêu cầu thu nhận hồ sơ của từng trường. Mẫu hồ sơ đăng ký dự tuyển tương tự như năm 2010.

Thống nhất cao việc giữ ổn định kỳ tuyển sinh 2018 - Ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Thống nhất cao việc thi 3 chung, 3 đợt

Chủ trương giữ ổn định kỳ thi tuyển sinh 2011 của Bộ GD&ĐT theo phương thức 3 chung, thi 3 đợt đã nhận được sự ủng hộ đồng tình cao của các đại biểu tham dự hội nghị. Các ý kiến góp ý đều cho rằng, cho đến thời điểm này, việc thi theo phương thức 3 chung và tổ chức thành 3 đợt thi vẫn phù hợp. Cách thức tổ chức này đã phát huy hiệu quả trong những năm qua và ngày càng được xã hội đồng tình ủng hộ. Các đại biểu cũng nhất trí cao với những điểm dự kiến sẽ đổi mới, chỉnh sửa trong kỳ tuyển sinh sắp tới của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là vấn đề miễn thi đối với đối tượng là thí sinh người nước ngoài cũng như siết chặt, quyết liệt hơn về chế tài xử phạt đối với cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm kỷ luật. Đặc biệt, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự vui mừng, tán đồng về việc Bộ GD&ĐT đề ra rõ hơn các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh từ kỳ tuyển sinh năm nay.

Một số băn khoăn của các đại biểu tập trung vào vấn đề thi trắc nghiệm; việc gửi kết quả thi cho các thí sinh dự thi vào trường không tổ chức thi tuyển; việc xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3; giao chỉ tiêu tuyển sinh đối với những ngành khó tuyển; vấn đề hậu kiểm...

Giám đốc ĐH Đà Nẵng, ông Trần Văn Nam đề nghị Bộ nên đưa tất cả những vấn đề liên quan đến môn thi trắc nghiệm vào bản hướng dẫn giống như môn thi tự luận chứ không tách riêng ra để tiện cho các trường trong việc tra cứu. Phó hiệu trưởng ĐH Hàng Hải, ông Đinh Sư Mạnh thì cho rằng, quy chế thi trắc nghiệm chưa có khiến cho các trường rất vất vả và đề nghị Bộ ra quy chế này để tạo ra sự đồng bộ cho các trường. Cũng liên quan đến môn thi trắc nghiệm, ông Nguyễn Văn Bản, Phó hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp đề nghị Bộ nghiên cứu để thời gian biểu thi các môn tự luận và trắc nghiệm sao cho tương thích, nếu không, tại một địa điểm thi mà thời gian phát đề thi tự luận và trắc nghiệm lại khác nhau khiến các điểm thi gặp khó khăn...

 

Vấn đề gửi kết quả thi cho các thí sinh đăng ký dự thi vào trường không tổ chức thi tuyển, nhiều đại biểu đề nghị nên gửi kết quả thi của thí sinh trực tiếp về Sở GD&ĐT thay bằng gửi về trường thí sinh đăng ký dự thi như trước. Ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho rằng, việc gửi thẳng kết quả về Sở như trên sẽ tiện hơn cho các trường tổ chức thi có thí sinh thi nhờ. Cùng với đề nghị này, ông Hoàng Văn Châu cũng nhấn mạnh đến vấn đề hậu kiểm và cho rằng, việc đẩy mạnh vấn đề hậu kiểm là vô cùng quan trọng nhằm ngăn chặn những tiêu cực trong thi cử, nhất là hiện tượng thi hộ.

 

Vấn đề xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cũng được các đại biểu quan tâm. Một số đại biểu cho rằng, chưa đến hạn nộp hồ sơ NV2, NV3 nhưng một số phương tiện thông tin đại chúng đã công bố con số này của nhiều trường, Bộ nên có quy trình chặt chẽ hơn trong việc quá trình nhận hồ sơ hai nguyện vọng này tránh dẫn đến những sai sót đáng tiếc...

Nhiều đại biểu còn đề cập đến vấn đề được ưu tiên trong tuyển sinh đối với những ngành khó tuyển; đề nghị được nhận đề thi 1 lần; đề nghị chỉ đạo các Sở GD&ĐT nhập dữ liệu tuyển sinh chính xác, sắp xếp hồ sơ theo đúng thứ tự như danh sách tại các sở...

 
Quy chế tuyển sinh 2011 sẽ sớm công bố
 

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại kết luận hội nghị sau khi tiếp thu ý kiến của các trường, Sở GD&ĐT. Vấn đề quy chế cho các môn thi trắc nghiệm như kiến nghị của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã yêu cầu Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện, nhưng trên nguyên tắc đi vào khái quát, không cầm tay chỉ việc.

Đối với các trường khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ phải giải quyết nhu cầu đặc thù liên quan đến cử tuyển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết phần tuyển sinh cử tuyển Bộ sẽ giao riêng, không liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh, làm thế nào để chỉ tiêu cử tuyển đủ về số lượng nhưng cũng đảm bảo chất lượng ngày càng cao.

Việc khuyến khích các ngành khó tuyển, trên tinh thần chung đồng tình với các kiến nghị, nhưng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, việc ưu tiên phải có chọn lọc, đó phải là những ngành phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Riêng đối với tuyển sinh nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, nên triển khai trên tinh thần công khai, không nên hạn chế cơ hội của thí sinh, càng công khai được thì tiêu cực càng giảm. Thời gian xét tuyển cũng không nên cứng quá để tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.

Với các thí sinh là người nước ngoài, theo Bộ trưởng không nên quy định cứng là không thi mà giao cho hiệu trưởng các trường quyết định, vấn đề thí sinh là người khuyết tật cũng nên bổ sung vào quy chế... Việc xử phạt với những trường gửi giấy gọi nhập học đối với những thí sinh không đăng ký dự thi vào trường, Bộ trưởng vẫn nhấn mạnh trên tinh thần siết chặt việc này; đồng thời khẳng định sẽ tăng cường công tác hậu kiểm và nhấn mạnh hơn công tác khen thưởng đối với các trường thực hiện tốt quy chế...

Theo GDTD