Sự kiện: Giáo dục / tuyển sinh / tỉ lệ chọi / diem thi dai hoc


Giao tiếp nơi công sở, trường học có tính chính thức xã hội nên rất cần phải quy chuẩn. Nhưng hiện nay, người làm việc trong công sở chủ yếu dùng ngôn ngữ xưng hô trong gia đình để giao tiếp với nhau, nhân viên ở các cơ quan tiếp dân dùng ngôn ngữ thiếu chuẩn để nói chuyện với người dân, xưng hô trong trường học cũng không ít lệch lạc.

Thực trạng này vừa được khơi lên tại hội thảo khoa học quốc tế "Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập" do Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 11-5.

Lộn xộn nơi công sở

Đó là nhận định chung của các đại biểu tham gia hội thảo. Chỉ phân tích ở một khía cạnh nhỏ là xưng hô cũng đã thấy điều đó. Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt rất phong phú, ngoài tôi - anh như các ngôn ngữ khác thì tùy thuộc vào mối quan hệ, tuổi tác, người Việt còn dùng các đại từ khác để xưng hô trong giao tiếp như ông - bà, anh - em, chú - cháu... Như ý kiến của các nhà ngôn ngữ thì đây là các từ xưng hô thuộc phạm vi gia đình, nhưng ngày nay, ở bất kỳ cơ quan nào cũng dùng kiểu xưng hô này. Trưởng đơn vị là anh Cả, các chức vụ tiếp theo là anh Hai, anh Ba, anh Tư… Cấp dưới xưng với cấp trên là em, con, cháu; còn gọi cấp trên là bác, chú, cô, dì, mẹ, bố. Cấp trên gọi cấp dưới là mày, chú mày, chú em, cháu, con... Đặc biệt phổ biến là cách gọi nhân viên dưới quyền là lính.

TS Đặng Văn Vũ, Trường ĐH Sài Gòn cho rằng đây là cách gọi không công bằng. Ông phân tích: “Trong quân đội, quan hệ giữa sĩ quan và lính là quan hệ cấp bậc. Sĩ quan có quyền uy gần như tuyệt đối, lính là cấp dưới phải răm rắp nghe theo. Quan hệ nơi công sở hoàn toàn khác với quan hệ trại lính. Mọi người trong công sở có một phận sự nhất định, trưởng đơn vị chỉ là người phụ trách chung. Tính bình đẳng là đặc điểm cơ bản của quan hệ công sở. Bởi vậy, dùng từ lính để gọi cấp dưới là coi thường nhân viên”.

Có thể nói, lối xưng hô như trong gia đình là một trong những nguyên nhân tạo ra sự thiếu nghiêm túc, thiếu công minh của quá trình làm việc. TS Đặng Văn Vũ đưa ra ví dụ: Có giám đốc hỏi nhân viên: “Con gửi công văn đi cho bác chưa?”, nhân viên phân trần: “Con quên mất, để hôm nay con gửi ạ”… Vì những cách xưng hô giống như trong nhà này mà nguyên tắc làm việc “chí công, vô tư” bị nhập nhằng với tình cảm, việc công lẫn lộn với việc tư, cấp dưới thụ động trước cấp trên, cấp trên xuê xoa cho cấp dưới.

Sự lộn xộn mà các nhà ngôn ngữ đề cập tới không chỉ dừng ở cách xưng hô như trong gia đình mà còn ở lối xưng hô thiếu tôn trọng của các nhân viên các cơ quan công quyền đối với người dân. Đây là thực trạng phổ biến tại các cơ quan tiếp dân. Họ, mỗi khi trao đổi với người dân thường hỏi hoặc trả lời cụt lủn kiểu như: “Cần gì?”, “Muốn làm việc gì?”, “Cần gặp ai”, “Chờ một chút”, “Có việc gì?”, “Ngày mai đến”, “Đưa giấy tờ xem thử”… Kiểu ăn nói này tập trung nhiều nhất ở cơ quan công an, trụ sở phường xã, cơ quan thuế…, các đại biểu tham gia hội thảo nhận xét.

Thiếu chuẩn mực xưng hô trong trường học | giáo dục

Cách xưng hô giữa thầy, cô và học sinh trong trường học hiện nay là phù hợp với văn hóa truyền thống. Ảnh: Bá Hoạt


Thiếu chuẩn trong trường học

Việc xưng hô trong nhà trường hiện nay cũng không có chuẩn. Ở bậc mầm non và tiểu học, thầy, cô giáo và học trò thường xưng hô thầy cô - em/con. Cách xưng hô này khá thống nhất và tạm ổn vì ở hai bậc học này, học sinh còn nhỏ nên thầy, cô giống như cha mẹ, vì vậy xưng hô con là chấp nhận được. Còn ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học chuyện xưng hô lại có “vấn đề”. Thầy, cô có thể gọi trò là con, anh, chị, bạn, cô cậu, thậm chí có người xưng tôi và gọi trò là ông, bà. Chuyện thầy gọi trò là mày, xưng tao, trò gọi thầy cô là ông, bà cũng không hiếm.

Theo các nhà khoa học, sự phức tạp này xuất phát từ sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Quan điểm truyền thống cho rằng, quan hệ thầy - trò là quan hệ giữa người truyền đạt và người thụ hưởng, thầy là người ban ơn, trò phải chịu ơn. Bên cạnh đó, thầy là người lớn tuổi nên trò phải tuyệt đối kính trọng, vì vậy xưng hô phải theo nguyên tắc “xưng khiêm, hô tôn”.

Những năm gần đây, chịu ảnh hưởng của văn hóa và quan điểm giáo dục phương Tây, với việc đề cao tính tích cực tự chủ của người học, các trường khuyến khích người học xưng tôi với thầy cô. Tính tích cực của cách xưng hô này là làm cho người học tự tin hơn, mạnh dạn trao đổi, tranh luận với người dạy; thấy mình “lớn hơn” nên có trách nhiệm hơn... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sinh viên xưng tôi với thầy cũng rất khó khăn chứ chưa nói đến học sinh. Nhiều thầy cô rất “dị ứng” với cách xưng hô này, ngược lại học sinh, sinh viên cũng không thích, hoặc còn dè dặt, ngại ngùng.

Hiện nay, cách xưng hô thầy cô - em là phổ biến nhất và được chấp nhận nhiều nhất.

Cách xưng hô này vừa phù hợp với văn hóa truyền thống, vừa thể hiện tình cảm thầy trò gần gũi. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trần Thúy Liễu, Trường đại học Sài Gòn, việc xưng em chỉ nên dùng ngoài lớp học, còn trong lớp học cần khuyến khích sinh viên xưng tôi để dần dần tiếp cận với triết lý giáo dục hiện đại, phát huy tính tích cực của người học. Người học đến trường để được trang bị phương pháp tiếp cận tri thức chứ không phải thu nhận kiến thức từ người thầy.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu kết luận, đã đến lúc cần có những văn bản pháp quy quy định cụ thể về tính chuẩn mực của ngôn ngữ giao tiếp nơi công sở. Đã đến cơ quan thì phải xưng hô đúng mực, là người trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân thì phải xưng hô chuẩn mực, lịch sự và khiêm tốn. Trong trường học, cũng đã đến lúc có những quy định cụ thể về ngôn ngữ xưng hô giữa thầy và trò phù hợp với từng đối tượng. Chuẩn mực trong ngôn ngữ xưng hô nơi công sở, ở trường học không phải là việc đơn giản, nhưng không thể không làm, các nhà khoa học khuyến nghị.
Theo Báo Hà Nội Mới