Cấm phát tán thông tin vi phạm quy chế thi: Bộ GDĐT muốn che giấu sai phạm?

Tại thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 thì người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào. Theo đó, người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý. Bằng chứng về việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền.

Nơi tiếp nhận các thông tin sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013

Cụ thể, nơi tiếp nhận thông tin bằng chứng về vi phạm quy chế thi là ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT trung ương hoặc ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và thanh tra giáo dục các cấp...

Cũng theo quy định mới, trong kỳ thi năm nay, ngoài các vật dụng thông thường, TS còn được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không chuyển được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác...

Quy định này như một cách che giấu sai phạm của mình với dư luận

Trước quy định mới về việc “khống chế” phạm vi phát tán bằng chứng tiêu cực, ông Đỗ Việt Khoa – thầy giáo nổi tiếng về chống tiêu cực trong giáo dục – đã thẳng thắn thể hiện sự bất bình. Ông Khoa nhận xét “Quy định này giống như một cách che giấu sai phạm của mình với dư luận, với nhân dân. Lẽ ra, cần công khai những nơi vi phạm để đấu tranh giảm bớt thì lại giấu nhẹm đi. Điều này đi ngược lại hy vọng vừa nhen nhóm về việc chống tiêu cực trong ngành giáo dục.

Bản thân quy định này mâu thuẫn, triệt hạ những tuyên bố về việc quyết tâm chống tiêu cực trước đó của bộ và cũng vi phạm Luật Báo chí, Luật Khiếu nại tố cáo cũng như quyền dân sự của người dân”. Theo ông Khoa, “ngành giáo dục phải gương mẫu trong việc công khai, minh bạch, dân chủ. Sai thì phải công khai để mà sửa chứ giấu đi thì làm sao mà dạy được ai nữa?”. Ông Khoa cho rằng Bộ GDĐT phải xem lại quy định này nếu muốn nhân dân chống tiêu cực thật sự.

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh - cũng cho rằng, quy định này của Bộ GDĐT là “buồn cười, hơi áp đặt”. Theo ông Cương, “Bộ GDĐT không nên quy định như thế. Người dân thấy sự việc có quyền đưa ra, bày tỏ quan điểm của mình bằng nhiều cách, nếu sai tự họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Hủy kết quả thi và cấm thi nếu phát tán bằng chứng sai phạm

Bộ GDĐT quy định huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi, hội đồng phúc khảo; gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.


Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS Bùi Văn Ga cho rằng, việc cho học sinh được mang máy ghi âm, ghi hình không có chức năng nhận thông tin là để góp phần chống tiêu cực.

Tuy nhiên, nếu các em phát tán các video này sẽ gây loạn thông tin, làm khó khăn cho cơ quan điều tra.

Nếu học sinh nào cố tình vi phạm, có thể sẽ bị hủy kết quả thi vì vi phạm quy chế, GS Ga khẳng định.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương phải tiếp nhận và xử lý đến nơi, đến chốn những thông tin mà người dân cung cấp, để tránh tình trạng bưng bít thông tin, che giấu sai phạm.

Tuy nhiên, thầy giáo nổi tiếng Đỗ Việt Khoa khi trả lời báo Lao Động lại phản đối vì quy định này vi phạm Luật Báo chí, Luật Khiếu nại tố cáo khi đưa ra quy định khống chế thời gian nộp bằng chứng vi phạm trong vòng 7 ngày, trong khi theo các điều luật nêu trên thời gian tố cáo từ 3 tháng – 2 năm trở lên. Việc này cũng vi phạm quyền dân sự của người dân.

"Trở lại vụ việc của tôi năm 2006, khi quay được 2 clip tiêu cực, tôi có hỏi ý kiến thứ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Bành Tiến Long thì được khuyến khích tiếp tục. Nhưng khi gửi lên Sở GD&ĐT Hà Tây thì không nhận được câu trả lời. Tôi tiếp tục gửi lên Bộ thì được Chánh thanh tra giáo dục khi đó khuyên là nên chuyển cho các cơ quan báo chí để gây sức ép cho địa phương giải quyết chứ chỉ Bộ GD&ĐT thì không làm được. Và chỉ khi có sức ép mạnh mẽ của dư luận thì địa phương mới xử lý vụ việc.

Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT là thuộc quyền tổ chức của UBND, sở GD&ĐT địa phương, Bộ không có thực quyền. Điều này tiếp tục lặp lại trong vụ tiêu cực Đồi Ngô năm 2012. Vụ việc cũng do Bắc Giang giải quyết.

Nói ngắn gọn: ngành giáo dục là dạy người, phải gương mẫu hơn các ngành khác ở chỗ phải công khai, minh bạch, dân chủ. Sai thì phải công khai để mà sửa chứ giấu đi thì làm sao mà dạy được ai nữa?

Bộ phải xem lại quy định này. Muốn nhân dân chống tiêu cực thật sự hay không thì phải bảo thật chứ đừng cho mọi người ăn bánh vẽ nữa", người thầy giáo nổi tiếng này đề nghị.

Tổng hợp từ Báo Lao Động  & VietQ