Sự kiện: Tuyển sinh 2011, xét tuyển, nguyện vọng 2

Từ ngày 25.8, các thí sinh (TS) bắt đầu được nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 vào các trường ĐH-CĐ. Cuộc “chạy đua” vào cánh cửa tiếp theo này khá cam go vì sau khi tuyển NV1, chỉ tiêu còn lại để tuyển NV2, 3 chỉ chiếm 1/4 trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2011.


An toàn: Điểm thi cao hơn điểm xét tuyển 1-2 điểm

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2011 của cả nước, theo Bộ GD-ĐT, là hơn 266.630 sinh viên. Trong đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đã có 206.302 TS trúng tuyển NV1. Vậy chỉ còn hơn 60.000 chỉ tiêu ĐH tuyển TS đăng ký NV2, 3.

 Thí sinh nên cân nhắc chọn nguyện vọng 2 - Ảnh 1
TS nhận phiếu báo điểm tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi
Trong khi đó, Bộ GD-ĐT thống kê, năm nay, cả nước có hơn 415.000 TS có điểm thi ĐH trên điểm sàn. Như vậy, trừ ra số TS đã trúng tuyển NV1 thì còn đến 208.980 TS đủ điều kiện tham gia xét tuyển NV2, 3. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có trên 148.000 TS có điểm thi trên điểm sàn nhưng vẫn có thể rớt ĐH.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 Bộ GD-ĐT: Với kinh nghiệm xét tuyển hằng năm, hầu hết các trường ĐH ngoài công lập đều xét trúng tuyển NV2 bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đối với các trường ĐH công lập, các ngành hấp dẫn (nhóm ngành kinh tế)... điểm xét tuyển thường cao hơn mức điểm nhận hồ sơ từ 1-2 điểm.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, lưu ý thêm: đối với một số ngành thu hút đông TS, đặc biệt là nhóm ngành kinh tế, nếu TS có điểm thi dưới 15 thì cơ hội trúng tuyển NV2 vào các trường công lập là bằng... 0.
“Khi đăng ký NV2, TS cần tham khảo xem điểm chuẩn hằng năm NV2 của trường, ngành mình muốn đăng ký là bao nhiêu. Tránh trường hợp vì quá vội vàng mà điểm cao nhưng không trúng tuyển”, ông Cường nói.


Không đổ dồn vào ngành “hot”

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về tuyển sinh khuyên TS đừng nên chạy theo đám đông, chỉ đổ dồn vào ngành kinh tế hay các ngành thời thượng. Thực tế, còn nhiều ngành tuy không “nóng” nhưng nhu cầu nhân lực lại rất cao và chỉ tiêu NV2 còn nhiều.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm cho biết, trong số 1.200 chỉ tiêu cho NV2 của trường, có rất nhiều ngành xã hội cần nhưng lại khó tìm người học. “Nhóm ngành cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, những ngành lâm sinh, chế biến lâm sản... nhu cầu việc làm rất lớn. Thậm chí nhiều khi sinh viên còn đang làm luận văn tốt nghiệp mà đã có công ty tới trả lương rồi”, ông Hùng chia sẻ.
Nhiều ngành xã hội của một số trường như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn vẫn còn chờ TS NV2.


 Thí sinh nên cân nhắc chọn nguyện vọng 2 - Ảnh 2
Sau kỳ thi ĐH thì việc lựa chọn NV2 cũng là "cuộc thi" cân não - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Năm nay, trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển khoảng 1.000 chỉ tiêu NV2, các ngành xét tuyển đều nhiều hơn năm ngoái. Điểm xét tuyển các ngành NV2 bằng điểm sàn nên năm nay cơ hội để TS trúng tuyển NV2 là rất lớn”, thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết.

Mặt khác, TS còn có thể chú ý đến một số ngành trường mới mở sau kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Những ngành này đều dành 100% chỉ tiêu tuyển sinh cho NV2. Như ĐH Sài Gòn có 3 ngành mới được thành lập là Toán ứng dụng; Kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật điện tử, truyền thông, toàn bộ chỉ tiêu trường tuyển NV2.

Trong đó, ngành Toán ứng dụng trường lấy TS dự thi vào trường ngành Sư phạm Toán không trúng tuyển, có tổng điểm từ 16 trở lên. Còn hai ngành Kỹ thuật điện, điện tử và Kỹ thuật điện tử, truyền thông toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh đều dành cho NV2.

Tuyển sinh nguyện vọng 2, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh đại học, tuyển sinh NV2

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.

Kênh tuyển Sinh ( Nguồn Giáo Dục )