Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ 2011 từ ngày 14/3 - 14/4. Tuy nhiên, sau 2 tuần nhiều địa điểm thu nhận hồ sơ ở Hà Nội mới chỉ nhận được vài chục bộ, thậm chí nơi cao nhất được khoảng 100 bộ là Phòng Giáo dục quận Hà Đông.

Thí sinh chưa hào hứng nộp hồ sơ ĐKDT - Ảnh 1
Thí sinh vẫn còn cân nhắc kỹ chưa nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

Theo cán bộ nhận hồ sơ của Phòng Giáo dục quận Hà Đông cho biết: “Mỗi thí sinh trung bình nộp từ 2-3 bộ hồ sơ, có nhiều thí sinh nộp 5 bộ hồ sơ bao gồm 2 khối thi và hồ sơ dự thi cao đẳng”.
Đến chiều hôm nay 1/4, Phòng Giáo dục quận Đống Đa mới nhận được 50 bộ hồ sơ, so với năm trước chỉ bằng 1 nửa, thí sinh nộp nhiều nhất 3 bộ. Cán bộ thu nhận hồ sơ của phòng cho hay: “Đa số thí sinh nộp 2 bộ, thi đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, nhiều thí sinh không thi cao đẳng mà nộp hồ sơ dự thi 2 khối A và D1”.
 
"Vắng vẻ" hơn nữa là Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân, hiện mới nhận được 20 bộ hồ sơ…

Được biết, để có thêm cơ hội vào đại học ngay năm đầu thi, hiện tại không ít thí sinh đã ôn cả 2 khối để thi cả 2 đợt đại học. Thông thường các thí sinh ôn thi theo 2 khối A- B và A – D1.

Thí sinh lựa chọn thi 2 khối A – B, nên cân nhắc kỹ. Đối với khối A có rất nhiều cơ hội, nhiều trường để dự thi và xét tuyển nhưng đối với khối B lại rất ít trường và ngành học, theo đó có ít cơ hội cho nguyện vọng 2. Vậy nên cần tập trung ngay cho thi khối A, đợt thi đầu tiên để yên tâm hơn.

Bên cạnh đó, nếu thí sinh thi thêm khối B thì hãy đăng ký vào các trường có điểm chuẩn hàng năm thấp như ĐH Nông nghiệp, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Thái Nguyên…, tránh vào các trường có khối B điểm chuẩn cao như ĐH Y, Dược… vì điểm chuẩn hàng năm vào các trường này thường khá cao, phải 20 điểm trở lên mới có cơ hội đỗ.

Ngoài ra, thí sinh thi thêm khối D cũng nên chú ý tránh đăng ký vào những ngành mà điểm chuẩn hàng năm cao như ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính…

Nếu thi vào ĐH Ngoại ngữ, thí sinh có thể lựa chọn vào các khoa tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Đức, Nga… vì đây là ngành học có ít thí sinh đăng ký và điểm chuẩn hàng năm thấp hơn các khoa tiếng khác trong trường. Tuy nhiên, khi vào học các trường ngoại ngữ này, thí sinh có nhiều cơ hội học thêm ngoại ngữ 2 như tiếng Anh.

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học công lập cũng có nhiều ngành thi khối D mà điểm chuẩn không cao như ĐH Công đoàn với điểm chuẩn năm 2010 của khối D1 là 17 điểm, ĐH Thái Nguyên trừ điểm chuẩn Sư phạm tiếng Anh 20 điểm, còn lại các ngành khác từ 13 – 15 điểm; ĐH Công nghiệp Hà Nội, điểm chuẩn vào khoa Tiếng Anh (đã nhân hệ số 2 môn Tiếng Anh) là 19 điểm, còn các ngành Quản trị kinh doanh 15,5 điểm, Kế toán, Tài chính ngân hàng 16 điểm; Quản trị kinh doanh Du lịch Khách sạn, Việt Nam học (hướng dẫn du lịch) là 13 điểm…
Các thí sinh nếu còn băn khoăn về chuyện chọn trường thi thì hãy thật nhanh đánh giá lại trình độ của mình và có quyết định cuối cùng dự thi trường nào, khối nào, để có thể tập trung vào ôn tập cho tốt.

 
Thí sinh chưa hào hứng nộp hồ sơ ĐKDT - Ảnh 2


Thí sinh lưu ý, mỗi hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh chỉ được đăng ký duy nhất một nguyện vọng (NV) ban đầu (còn gọi là NV1). Trong hồ sơ ĐKDT không có mục ghi đăng kí NV2 và NV3. Nếu khi thí sinh trượt NV1 nhưng có điểm thi bằng từ mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra trở lên thì lúc đó mới xuất hiện khái niệm về NV2 và NV3.

Thí sinh nếu không trúng tuyển đợt 1, có kết quả thi đại học bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2). Thí sinh dùng Giấy số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2.

Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng Giấy số 2 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3. Thí sinh có kết quả thi đại học thấp hơn điểm sàn cao đẳng được cấp Phiếu báo điểm, nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh 2011 tại ô bên dưới.