Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Thông tin mới về thi và xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 22.3, các chuyên gia cung cấp cho thí sinh nhiều thông tin mới về việc tổ chức thi và xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này.
Chương trình tư vấn trực tuyến "Thông tin mới về thi và xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực"
1. Ngày càng nhiều sĩ tử lựa chọn phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực
Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đại học, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực là nhằm xây dựng tiêu chí xét tuyển đảm bảo đánh giá năng lực của người học.
"Số lượng thí sinh thi và xét tuyển bằng điểm thi này tăng dần hàng năm, hiện có 82.266 thí sinh dự thi với số lượng nguyện vọng đăng ký là gần 300.000. Năm 2018, chúng tôi chỉ tổ chức kỳ thi tại 3 tỉnh thì đến nay tăng lên 17 tỉnh với 36 cụm thi", ông Dương nói.
Theo tiến sĩ Dương, hiện có 60 tỉnh thành có thí sinh đăng ký và nhiều nhất là TP.HCM, với hơn 50% tổng số thí sinh. Có hơn 80 trường sử dụng kết quả này để xét tuyển. "Bài thi đánh giá năng lực thực sự quan trọng, giúp chúng tôi đánh giá đủ năng lực tham gia học tập ĐH của thí sinh. Bài thi có 120 câu trong 150 phút: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh 40 câu; năng lực toán và tư duy logic; khả năng giải quyết vấn đề của thí sinh trong các lĩnh vực tự nhiên và xã hội (50 câu)".
2. Lợi thế cho thí sinh
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay: "Nhiều năm liên tục Trường ĐH Nguyễn Tất thành sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển, năm nay dự kiến từ 5 - 7% chỉ tiêu cho phương thức này, cho gần 50 ngành. Ngoài ra, trường xét bằng điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT...
"Đối với khối ngành sức khoẻ và giáo dục, thì phương thức này có lợi thế nhất định. Nếu học bạ phải đòi hỏi ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT quy định, học lực lớp 12 phải giỏi hoặc điểm xét tổ nghiệp phải 8.0 trở lên (y đa khoa, dược học) còn điều dưỡng thì học lực khá và điểm xét từ 6.5 trở lên. Nhưng nếu dùng điểm thi đánh giá năng lực thì kết quả học lớp 12 chỉ cần từ khá trở lên và điểm xét tốt nghiệp là 6.5 trở lên đối với ngành y đa khoa, dược", ông Lưu thông tin.
3. Giúp giảm áp lực thi cử
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết: "Kỳ thi đánh giá năng lực là một cánh cửa cho thí sinh bước vào ĐH. Lợi thế là sẽ giúp thí sinh giảm áp lực thi cử, không học tủ được, phải tìm hiểu nhiều kiến thức, có cơ hội trúng tuyển vào các ngành, các trường phù hợp".
Đây là một cuộc thi giúp thí sinh có kiến thức tổng quan nhất về ngành nghề giúp tiệm cận với ngành nghề hơn. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có 4 phương thức: thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, học bạ. 650 điểm là ngưỡng đầu vào ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực ở năm 2021. Năm nay, trường dành 5 - 7% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm đánh giá năng lực, theo thạc sĩ Nguyên.
Tiến sĩ Lê Đình Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Hoa Sen, cũng lưu ý: "Kỳ thi giúp các em giảm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp. Qua đây, các em cũng biết được năng lực, kỹ năng của mình. Bài thi có đánh giá những kỹ năng rất quan trọng cho công việc sau này. Đó là các kỹ năng về tư duy logic, toán, giải quyết vấn đề, sử dụng ngôn ngữ... Chính vì những ưu điểm đó mà rất nhiều trường sử dụng kết quả thi này để xét tuyển". Theo ông Phong, Trường ĐH Hoa Sen có các phương thức xét học bạ, xét tuyển riêng cho yêu cầu từng ngành, điểm thi THPT và điểm thi đánh giá năng lực.
> ĐH Quốc gia TP.HCM thông báo mới nhất về kỳ thi Đánh giá năng lực 2022
> Khi chương trình lớp 10 thay đổi thì các trường trung học phải đối mặt với những thách thức nào?
Theo Thanh Niên