Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lên kế hoạch cải tiến thi cử với việc thi tốt nghiệp THPT chỉ có 2 môn, các trường đại học tùy chọn cách thi tuyển hoặc xét tuyển...
Thi tốt nghiệp mấy môn?
Với việc đổi mới công tác thi sau năm 2015, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ công nhận tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất, năng lực của HS và kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn nào thì đánh giá kết quả đạt chuẩn đầu ra môn đó.
Kỳ thi cuối cùng (tốt nghiệp), đề sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực/môn học để giải quyết một vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn toán và ngữ văn.
>>Thi tốt nghiệp THPT 2 môn, bỏ thi đại học ba chung
Theo Bộ GD-ĐT, đề thi không chỉ tập trung vào việc xem HS học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra HS đó học như thế nào, có biết vận dụng không và thực hiện đánh giá theo chuẩn năng lực. Định hướng này buộc đề thi không chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, năng lực sáng tạo. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 của Bộ GD-ĐT, việc đổi mới này sẽ làm cho công tác kiểm tra, đánh giá trở nên thực chất, công bằng, khách quan và trung thực hơn; giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém của một kỳ thi, tác động tích cực trở lại việc dạy học.
>>>Tích hợp môn học, làm bộ sách giáo khoa chuẩn
Về tuyển sinh ĐH, CĐ, sau năm 2015, các trường có thể tuyển theo hướng dựa vào kết quả công nhận thi tốt nghiệp THPT và có thể thi kiểm tra thêm vài môn theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo của mỗi trường.
Thi đại học, tốt nghiệp thpt theo hướng đơn giản, gọn nhẹ
PGS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình - SGK sau năm 2015, nhấn mạnh việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất, năng lực của HS và kết quả đánh giá cuối cấp học.
Mỗi năm có thể tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp
Việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, trong đó có đổi mới thi cử, của Bộ GD-ĐT đã nhận được đánh giá cao, cũng như sự ủng hộ của xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cũng tỏ ý băn khoăn rằng kỳ thi tốt nghiệp chỉ hai môn văn và toán liệu có đánh giá đúng chất lượng HS.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, phải xác định rõ mục tiêu của kỳ thi là kiểm tra những kiến thức cơ bản nhất, đánh giá được khả năng vận dụng kiến thức này vào cuộc sống và sử dụng kiến thức ấy làm gì. Ông Lâm cho rằng đây là kỳ thi đánh giá năng lực toàn diện, vì vậy không thể chỉ có 2 môn toán, văn.
“Phải thi nhiều hơn 2 môn để các trường ĐH, CĐ có thể dùng kết quả này xét tuyển đầu vào, nếu thu hẹp lại thì xử lý rất khó. Vả lại, không phải HS nào cũng giỏi toán hoặc văn, vì thế nên thi nhiều môn để các em gỡ điểm. Đó là chưa nói đến tâm lý “thi gì học nấy” của HS. Nếu giờ chỉ thi 2 môn văn, toán thì các môn còn lại HS vứt hết” - TS Lâm phân tích.
Liên quan đến việc dùng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ, ông Lâm hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, ông cho rằng các phòng thi phải có camera để kiểm tra cả trò lẫn thầy, tránh tình trạng tiêu cực xảy ra.
TS Nguyễn Thị Lan Phương và nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề xuất công nhận tốt nghiệp trên cơ sở kết hợp cả kết quả quá trình học tập và kết quả thi. Theo đó, việc đánh giá quá trình học tập môn học do giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm, kết quả tổng kết môn học sẽ do hiệu trưởng và giáo viên quyết định. Chuẩn đầu ra cấp học yêu cầu cụ thể về phẩm chất và năng lực chung. Kết quả phát triển phẩm chất và năng lực chung này sẽ được trường tổ chức đánh giá và do hiệu trưởng quyết định.
Về đánh giá kết quả thi tốt nghiệp THPT, bà Lan Phương không đưa ra số lượng môn thi cụ thể nhưng đề xuất có thể tổ chức 2 đợt trong 1 năm, khoảng tháng 3 và 5, vì quá trình học tập đều theo hướng năng lực, do vậy kết quả thi không quá phụ thuộc vào nội dung học tập cụ thể. Đề thi được thiết kế dựa theo chuẩn đầu ra cấp THPT, tập trung đo lường các năng lực chung, cốt lõi.
Liên quan đến việc công nhận và sử dụng thi tốt nghiệp THPT, bà Lan Phương đưa ra 4 xếp loại, gồm: Không đạt yêu cầu, đạt yêu cầu, khá và giỏi. Theo bà Phương, nếu HS xếp loại từ “đạt” trở lên sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện nhập học trường trung cấp.
HS tốt nghiệp loại “đạt” và đáp ứng yêu cầu cụ thể về nhóm môn học/năng lực nhất định hoặc tốt nghiệp từ “khá” trở lên thì đủ điều kiện nhập học trường CĐ. HS tốt nghiệp từ loại “khá” trở lên được đăng ký vào trường ĐH và điều kiện nhập học cụ thể sẽ do mỗi trường tự quyết định.
Các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh
TS Nguyễn Thị Lan Phương cũng kiến nghị không tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ quốc gia mà giao quyền cho các trường tự chủ quyết định phương thức tuyển. Bộ GD-ĐT chỉ giám sát chất lượng tuyển sinh ở 3 khâu: Chỉ tiêu, quy chế tuyển sinh và xây dựng ngân hàng câu hỏi. Mỗi trường có thể tuyển chọn đầu vào theo 1 trong 3 hình thức xét tuyển, thi tuyển và kết hợp cả thi và xét tuyển.
***Tuyển sinh đại học nên trả về các trường?
Theo tác giả Yến Anh, Báo NLĐ