Thi 2017: Tháng 10 công bố mẫu đề trắc nghiệm toán, bài tổ hợp

Theo đó, kỳ thi này vẫn được sử dụng cho 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển 2017 vào các trường ĐH, CĐ.

Dự kiến học sinh hệ THPT sẽ phải thi 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ. Hai bài thi tự chọn là bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và tổ hợp Khoa học Xã hội.

Thi 2017: Tháng 10 công bố mẫu đề trắc nghiệm toán, bài tổ hợpThí sinh thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn.

Ngoài bài thi Ngữ văn, các bài thi khác đều theo phương thức trắc nghiệm. Trong đó, đề trắc nghiệm môn Toán sẽ gồm 50 câu, các bài trắc nghiệm còn lại sẽ có 60 câu.

Bài thi Khoa học Tự nhiên là tổ hợp của 3 môn, mỗi môn 20 câu hỏi: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Bài thi Khoa học Xã hội là tổ hợp của 3 môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Thí sinh làm bài thi trên giấy. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, để học sinh và thầy cô làm quen với các bài thi này, dự kiến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT sẽ công bố các mẫu đề thi minh họa.

Ông Ga giải thích những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa ra từ năm 2015, tức là đủ khoảng thời gian 3 năm để lứa học sinh sẽ tốt nghiệp vào năm 2017 nắm thông tin và chuẩn bị. Những thay đổi sắp tới đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, còn lượng kiến thức, kỹ năng mà học sinh tiếp nhận được vẫn diễn ra bình thường.

Cụ thể, từ năm 2015, ĐHQG Hà Nội bắt đầu tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả của 2 năm tuyển sinh này là cơ sở để Bộ GD-ĐT phát triển cho kỳ thi THPT quốc gia.

Bên cạnh đó, từ năm 2015, các trường đại học khác đã dành chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh bằng những tổ hợp môn thi khác (như khối A1, khối O…) ngoài tổ hợp truyền thống (các khối A, B, C, D).

Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí của ĐHQG Hà Nội – đơn vị đã tiến hành cách tuyển sinh bằng “bài thi đánh giá năng lực” – cho biết, trên cơ sở ngân hàng đề thi với khoảng 17.000 câu hỏi), Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung và hoàn thiện thêm các câu hỏi khác, đảm bảo nguồn đề phong phú.

Ông Hồng cũng giải thích thêm, các bài thi Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội phải được gọi là "bài thi tổ hợp" chứ không phải "tích hợp" hay "tổng hợp".

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, từ kết quả của kỳ thi này, các trường ĐH, CĐ sẽ xét tuyển theo những cách như: sử dụng kết quả học bạ THPT, sử dụng kết quả bài thi THPT quốc gia 2017, sử dụng kết quả bài thi THPT quốc gia 2017 để sơ tuyển kết hợp với những cách thức khác,v.v…

Đặc biệt, thay vì chỉ được đăng ký 2 nguyện vọng như lần xét tuyển năm 2016, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn. Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện phần mềm xét tuyển để hỗ trợ các trường lọc thí sinh “ảo”.

Đánh giá về thay đổi này, bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng cách thi sẽ giúp việc học ở phổ thông tránh được quan niệm "môn chính, môn phụ". Hiện nay, chương trình phổ thông đang còn nặng nề, cả giáo viên và học sinh chưa quen với các bài thi này nên việc học nên các học sinh lớp 12 sẽ học và ôn thi vất vả hơn.

Tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành, học sinh được chia theo 3 ban. Năm 2017 thi theo 5 bài thi thì học sinh ban D sẽ có lợi nhất. Học sinh chọn các ban khác thì đã định hướng khối thi từ năm lớp 10, nên thời gian thích ứng cho các em còn ngắn.


Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/325489/thi-2017-thang-10-cong-bo-mau-de-trac-nghiem-toan-bai-to-hop.html