Anh Giang Nguyễn, cử nhân tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ) chia sẻ định nghĩa chính xác về việc giỏi Tiếng Anh.
> Có nên luyện nghe Tiếng Anh qua phim ảnh?
> Bốn phương pháp mở rộng vốn từ tiếng Anh
Như thế nào mới gọi là học giỏi Tiếng Anh?
Dưới đây là chia sẻ của anh Giang Nguyễn:
Phụ huynh thường hỏi tôi "Thầy ơi thế nào là giỏi tiếng Anh"? Tôi cười và chưa biết phải trả lời thế nào cho phải.
Một phụ huynh lại kể với tôi con họ thi TOEFL Junior được điểm cao lắm, cháu còn được mấy giải gì đó do các trung tâm tổ chức. Tôi chỉ hỏi "Thế cháu có chăm đọc sách và đọc truyện tiếng Anh không? Cháu có chịu khó lên Youtube xem các phim khoa học bằng tiếng Anh không? Cháu có chăm viết, có sáng tác truyện bằng tiếng Anh không"? Phụ huynh lắc đầu với những câu tôi hỏi.
Ngày xưa, các cụ nhà mình không hề có Internet, không có các giải đi thi, không có từ điển để tra, không có "Tây" để luyện nói, nhưng lại tự học tiếng Anh rất tốt.
Hồ Chí Minh là tấm gương học ngoại ngữ siêu hạng. Bác là con nhà nho, từ nhỏ đã theo cha họp bàn với các cụ chí sĩ, nhà nho yêu nước nên rất thạo chữ nho. Lớn lên, Hồ Chí Minh học trường Pháp nên nói tiếng Pháp tốt là điều đương nhiên. Nhưng việc viết báo, đọc tài liệu tiếng Anh có lẽ là nhờ quá trình tự học.
Có thời gian, Bác sang Boston sống và làm việc. Tuy nhiên, Bác chủ yếu sống ở khu người Hoa. Vậy mà khả năng dùng tiếng Anh của Bác vẫn rất tốt. Bác viết báo, tranh luận các vấn đề chính trị - xã hội sâu sắc bằng thứ tiếng Anh học cóp nhặt hàng ngày.
Tôi đọc lá thư Bác viết cho Tổng thống Mỹ Truman mới thấy trình độ ngoại ngữ bây giờ của con em mình, ở thời đại mà điều kiện học tập rất đầy đủ, là quá thấp. Tôi đọc tác phẩm dịch của các cụ Trần Kiệm, Đắc Lê, Hoàng Túy, tìm hiểu mới thấy các cụ toàn tự học tiếng Anh. Các cụ không ai dám nhận giỏi tiếng Anh.
Còn ngày nay thì sao? Hình như việc giỏi tiếng Anh được lượng hóa bằng các kỳ thi. Các mẹ ào ào cho con đi thi TOEFL Primary, Junior, rồi giải này giải kia và tưởng rằng thế là giỏi tiếng Anh. Theo tôi, thi thố chỉ là một góc nhỏ, là sự động viên, khích lệ các con học tập tốt hơn. Còn giỏi tiếng Anh ư, chắc còn xa lắm.
Tôi lấy ví dụ các học trò của tôi thi IELTS 7.5, thậm chí có em đạt 8.0 khi mới học lớp 8-9. Nhưng khi các em sang Mỹ du học lại phát hoảng vì ngồi trong lớp vẫn không hiểu bài. Sang đến đây mới biết là mấy thứ tiếng Anh học ở nhà để đi thi IELTS hay TOEFL chẳng ăn thua gì. Động đến môn Văn học Anh - Mỹ, phải viết các bài nghị luận, bình luận văn học là chào thua. Có nhiều cháu về Việt Nam học thêm môn viết và SAT, dù đang học cấp 3 ở Anh, ở Mỹ vì thấy ở Mỹ người ta không có lò luyện, tự học thì thấy khó.
Tôi cho rằng học sinh có thể được gọi là giỏi tiếng Anh khi đọc sách, viết nhật ký, viết truyện bằng tiếng Anh, dùng tiếng Anh để đọc sách khoa học, xem phim, đi thi mà không cần đi luyện. Nhưng lật lại câu chuyện một chút. Nói như vậy có phải học sinh trường quốc tế đều giỏi tiếng Anh không vì các em học bằng tiếng Anh cả? Tiếng Anh chỉ là công cụ giao tiếp, học tập, chứ không phải là thứ ngôn ngữ chúng phải bò ra học để thi mấy giải "ảo" như con em nhà mình?
Đứng trên góc nhìn của nhiều phụ huynh, không hẳn học sinh trường quốc tế đều giỏi tiếng Anh bởi các em nghe nói vèo vèo thế thôi nhưng động vào mấy bài thi chuyên, thi giải thành phố, quận huyện là không ổn. Thế nên cho nhóm học sinh đó đi thi lại kém xa mấy em trường công luyện chuyên.
Nhiều phụ huynh lấy kết quả để đo bản lĩnh và năng lực ngôn ngữ, lại bảo "Ôi dào, trường quốc tế tiếng Anh kém hơn trường công nhiều". Nhưng nếu suy nghĩ theo kiểu lấy mấy giải thi truyền thống ra để đo độ giỏi tiếng Anh thì có lẽ là thiển cận vì học sinh học trường quốc tế từ bé có biết thế nào là giỏi tiếng Anh đâu, các cháu đã sử dụng tiếng Anh như công cụ giao tiếp và học tập bình thường rồi. Các cháu đã vượt xa tiêu chuẩn khuôn thước đo giỏi tiếng Anh của Việt Nam.
Vậy thế nào mới là giỏi tiếng Anh? Đoạt giải nhất tiếng Anh quốc gia, hay đạt 9.0 IELTS mới là giỏi?
Tôi thấy các con chăm chỉ nghe, đọc, viết và đặc biệt là đọc truyện tiếng Anh, chịu khó tham gia một số kỳ thi quốc tế như hùng biện, ham đọc khoa học, lịch sử, và coi tiếng Anh như thể là điều gì đó tự nhiên thì tạm được coi là giỏi tiếng Anh. Sâu xa hơn, tôi mong từ nay chúng ta không phán xét thế nào là giỏi tiếng Anh nữa và cũng không mang tiếng Anh ra để đánh giá một đứa trẻ giỏi hay kém.
Hãy nhìn xa hơn, toàn diện hơn là làm sao cho bọn trẻ giỏi toán, khoa học, đam mê văn học, lịch sử, nghệ thuật. Còn tiếng Anh ư, các con cứ học từ từ, dần dần, mỗi ngày một ít, mỗi năm tiến lên một chút, rồi đến lúc cần luyện thi mấy chứng chỉ SAT, IELTS, TOEFL thì dồn tâm sức đi thi. Điều quan trọng là các con xây dựng nền kiến thức tổng hợp từ khi còn tấm bé về các lĩnh vực khoa học.
Tiếng Anh có học cố cả đời không giỏi được, mà chỉ đủ để đi học, viết bài báo xuất bản, thế là tốt lắm rồi! Đó là câu chuyện của tương lai, còn hôm nay các con vẫn cứ chăm chỉ cóp nhặt, mỗi ngày một chút!
Không ai giỏi tiếng Anh cả, chỉ có ai chăm đọc sách hơn ai mà thôi! |
Theo VnExpress